.

Đi tìm chân dung chí sĩ Thái Phiên

.

13 năm trước, khi chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Trường trung học Ngoại Ô – Thái Phiên, ban giám hiệu và giáo viên cứ đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào có được bức chân dung cụ Thái Phiên để tạc tượng đặt giữa sân trường nhằm tôn vinh bậc anh hùng chí sĩ đất Quảng và giáo dục các thế hệ học sinh.

Chân dung chí sĩ Thái Phiên và xác nhận của gia tộc tộc Thái làng Nghi An, cứ liệu để tạc tượng cụ tại Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Chân dung chí sĩ Thái Phiên và xác nhận của gia tộc tộc Thái làng Nghi An, cứ liệu để tạc tượng cụ tại Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Tôi về công tác tại Trường THPT Thái Phiên, ngay lúc trường chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Tập san, văn nghệ, kịch bản lễ hội, gặp mặt giáo viên cựu học sinh, công tác tài chính... tất cả đều lên kế hoạch đầy đủ, duy chỉ tượng cụ Thái Phiên là còn thiếu. Nhà trường đã có ý tưởng họa lại chân dung Thái Phiên theo ảnh chân dung con cháu cụ, có mấy họa sĩ thực hiện nhưng chưa đạt.

Chúng tôi đem suy nghĩ này tâm sự với anh Thái Trung, một trong những hậu duệ của tộc Thái làng Nghi An, lúc đó là giáo viên Trường THPT Phan Thành Tài. Nghe xong, anh Trung như được cởi tấm lòng. Thế là chúng tôi được nhà trường cử về thăm tộc Thái, xin ý kiến của các vị cao niên.

Một buổi họp gia tộc và nhà trường diễn ra như mong đợi. Các vị ai cũng tâm nguyện được có tượng cụ để thờ. Một biên bản được lập trên cơ sở thống nhất việc họa lại di ảnh cụ Thái Phiên trên cơ sở các bức ảnh của các vị cao niên trực hệ với cụ trong gia tộc. Biên bản được đem ra UBND xã Hòa Phát (nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) xác nhận để có cơ sở pháp lý.

Tiếp theo là những ngày mày mò trên máy tính. Ngày ấy trình độ máy tính của những người quen cầm phấn chúng tôi chỉ thuộc loại quèn, phải nhờ các chuyên viên máy tính giỏi, rồi nhờ thợ chỉnh ảnh chuyên nghiệp ở trung tâm ảnh kỹ thuật số. Chân dung thì dựa vào nét đặc trưng của chân dung các ông Thái Nguyên, Thái Lũy, Thái Nhi. Còn trang phục và mái tóc thì dựa vào một bức ảnh chụp các công chức người Việt làm cho các sở Tây thời đó, có tham khảo trang phục của cụ Phan Châu Trinh. Lấy chi tiết này, chữa chi tiết kia sao cho thể hiện nét chung của con cháu tộc Thái mà vẫn toát lên tinh thần quắc thước, lẫm liệt của người chí sĩ.

Riêng chuyện trang phục của cụ Thái Phiên là vấn đề nan giải. Ban giám hiệu và bộ phận làm tượng cụ đã họp đi họp lại nhiều lần. Người nói cụ là chí sĩ đất Quảng, là bạn chiến đấu của cụ Trần Cao Vân nên phải mặc áo dài khăn đóng là hợp lý, nhưng có ý kiến lại bảo cụ đương thời làm thư ký cho Pháp nên cụ mặc Âu phục là… hợp lý hơn!

Sau 3 lần sửa đổi, cuối cùng chân dung một Thái Phiên mặc Âu phục cương nghị, quả quyết đã hình thành, được Hội đồng gia tộc tộc Thái chấp nhận. Để bức ảnh mang tính pháp lý, chúng tôi đề nghị gia tộc làm biên bản xác nhận. Biên bản ghi ngày 29-7-2003, viết: “Gia tộc Thái chúng tôi ở thôn Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, xác nhận bản phác họa chân dung cụ Thái Phiên dòng dõi của gia tộc Thái là có những nét giống với hình ảnh của con cháu gia tộc, đồng thời bộc lộ tinh anh khí phách của một chí sĩ cách mạng yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX. Toàn gia tộc Thái nhất trí, quyết định lấy bản phác họa này làm ảnh chân dung cụ Thái Phiên để thờ phượng”.

Dưới đó là chữ ký của các ông Thái Nguyên, Thái Lũy, Thái Nhi, Thái Trung và xác nhận của Chánh văn phòng UBND xã Hòa Phát Trương Hùng Mạnh.

Bức ảnh được trình qua Ban Tuyên giáo và Quận ủy Thanh Khê. Ông Bùi Văn Tiếng lúc đó là Bí thư Quận ủy cho rằng bức ảnh đã đạt được thần thái của một chí sĩ...

Việc tạc tượng cũng lắm gian nan. Nhà trường đi liên hệ các điêu khắc gia, chỗ nào cũng đưa giá cao ngất ngưởng, cả trăm triệu… Hội đồng sư phạm hiến kế nên tìm các cựu học sinh Thái Phiên để tham khảo. Thế là cái khó ló cái khôn. Anh Ngô Văn Thành, cựu học sinh Thái Phiên tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật - ĐH Huế mở xưởng điêu khắc tại Đà Nẵng, đã tình nguyện làm với giá chỉ bằng một phần tư.

Sáng ngày 31-8-2003, Ban Giám hiệu tổ chức lễ an vị tượng cụ Thái Phiên, sau một tháng thi công. Tượng được đặt tại sân trường với chiều cao gần 3m kể cả bệ, riêng phần chân dung cao 0,85m được điêu khắc bằng đá xanh Đại Lộc.

Nửa tháng sau, thầy và trò nhà trường cùng các đại biểu đại diện gia tộc tộc Thái làng Nghi An đã thành kính dâng hương tưởng niệm cụ Thái Phiên trong Lễ hội kỷ niệm 40 năm thành lập trường mang tên cụ. Về sau, phiên bản một tượng khác của cụ cũng được dựng tại Nhà thờ Thái Phiên trên quê hương Nghi An của người chí sĩ yêu nước.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.