Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, ngoài những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn..., còn do ý thức của bản thân người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.
Đối với nhiều người thợ điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn, trang phục bảo hộ lao động là... đôi ủng cao su. Ảnh: V.T.L |
Tai nạn trong lúc lao động nhiều khi xảy ra hoàn toàn ngoài ý thức chủ quan của con người. Ví như nông dân sử dụng máy tuốt lúa bị hạt lúa văng vào làm hư mắt; người dân leo lên sửa lại mái tôn nhà mình, sơ ý rơi xuống đất bị gãy chân... Những trường hợp này, theo một cán bộ ngành Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, chỉ là tai nạn đơn thuần chứ không được xem là tai nạn lao động (TNLĐ). Bởi theo cán bộ này, tai nạn được gọi là TNLĐ khi có mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
TNLĐ đã được định nghĩa tại Điểm 2.1 Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN của Liên tịch Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn LĐVN về việc Hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ TNLĐ.
Theo đó, TNLĐ là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể NLĐ hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động kể cả trong thời gian khác theo quy định của Bộ luật Lao động như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị, kết thúc công việc tại nơi làm việc…
TNLĐ đang là mối lo của toàn xã hội. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết từ năm 2010 đến 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 473 vụ TNLĐ làm 69 người chết, 89 người bị thương nặng. Như vậy trung bình mỗi năm thành phố xảy ra gần 80 vụ TNLĐ từ nhẹ đến nặng, nguyên nhân tai nạn chủ yếu do ngã cao, va đập, do vật đổ, sập và bị giật điện; việc tổ chức lao động không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn; NLĐ chưa được huấn luyện an toàn lao động, người bị nạn vi phạm quy trình biện pháp an toàn...
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ vì trên thực tế, mỗi năm có hàng chục vụ tai nạn khác vẫn xảy ra trên biển; trên các công trình xây dựng dân sinh, mà NLĐ chủ yếu được thuê theo “hợp đồng miệng”, không bảo hiểm, không được pháp luật đứng ra can thiệp, bảo vệ nếu không may tai nạn xảy ra.
Theo ước tính của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, có khoảng 80% số công nhân ngành xây dựng hiện nay trên địa bàn thành phố là lao động tự do, chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kiến thức về an toàn lao động, ý thức tự bảo vệ chưa tốt.
Một hình ảnh gần như phổ biến ở các công trình xây dựng nói chung hiện nay là NLĐ đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn. Họ vẫn đội mũ mềm, ít khi đội mũ bảo hộ, nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ. Những điều này phần nào lý giải được vì sao các TNLĐ xảy ra trong ngành xây dựng thường dẫn đến chết người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài về sức khỏe.
Bên cạnh đó, việc tự bảo vệ mình khi lao động đang bị xem nhẹ. Ngay cả công nhân làm nghề điêu khắc đá ở quận Ngũ Hành Sơn, một nghề có nguy cơ cao bị bệnh bụi phổi và phế quản (bệnh được Bộ Y tế xếp vào Nhóm I trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm), nhiều người cũng không chịu mang khẩu trang.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, cho biết năm 1976 khi tái lập làng nghề, cả làng chỉ có 30 thợ đá, chủ yếu làm thủ công, có sản phẩm làm một tuần mới xong, khi làm chỉ có một ít xỉ rơi ra chứ bụi không đáng kể và tiếng ồn lại càng không. Nay thì cả làng có gần 500 hộ kinh doanh điêu khắc đá với gần 2.500 lao động. Máy móc thì đủ các loại lớn nhỏ: máy xẻ, máy chấn, máy cắt, máy tiện, máy làm nguội… Có người thợ sắm đến 10 máy móc các loại. Tiếng ồn và độ bụi giờ đã đến mức báo động.
Ông Minh gọi là “siêu bụi” và tỏ ra lo lắng khi người thợ điêu khắc đá chỉ trang bị mỗi đôi ủng cao su chống giật điện và cái khẩu trang. Kính bảo vệ thì gần như chẳng ai mang, vì làm việc được một lát thì kính bị đóng bụi sẽ không thấy gì lại càng nguy hiểm hơn…
Hỏi công nhân xây dựng hay thợ làm đá thì đều có chung một câu trả lời na ná nhau: Làm như vậy đã quen rồi, chừ mà trang bị găng tay, mũ bảo hiểm, khẩu trang... vào là vướng víu không chịu được!
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng trước hết là do ý thức của người sử dụng lao động. Do chạy theo lợi nhuận, chạy theo tiến độ của dự án, do sự thiếu quan tâm hoặc hiểu chưa rõ các quy định của pháp luật về an toàn của NLĐ và công trình,… nên người sử dụng lao động chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Còn thiếu sự giám sát đối với NLĐ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động và thiếu cả việc tổ chức huấn luyện cho NLĐ về nội dung này.
Về phía NLĐ, vẫn chưa có ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nhiều khi không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi được người sử dụng lao động trang bị. Đây đó vẫn có sự chủ quan trong công việc, nhất là ở các công nhân lành nghề: “làm việc đã lâu năm rồi mà có chuyện gì xảy ra đâu, chừ mang ba đồ bảo hộ đó vô vướng víu khó chịu lắm”.
Có thể nói, TNLĐ được xem như một “trái bom nổ chậm không hẹn giờ”, nó vô tình, vô hình, không thiên vị bất cứ ai. Người sử dụng lao động vì ngại tốn kém mà “trốn tránh” được đến đâu hay đến đó trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ; NLĐ thì chủ quan, mất cảnh giác, thiếu ý thức kỷ luật, không biết cách tự bảo vệ tính mạng mình... việc “lách luật” này vô hình trung “kích hoạt” trái bom nổ chậm và khó tránh khỏi hậu quả nhãn tiền.
Vì thế, NLĐ hãy trang bị những kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, đòi hỏi người sử dụng lao động thực thi theo luật định những quyền lợi chính đáng về bảo hộ lao động cho mình để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn An, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã thoát khỏi danh sách 1 trong 10 địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người trong năm. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là chúng ta chủ quan, lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở người sử dụng lao động thực thi nhiệm vụ về bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Có như vậy, Đà Nẵng mới mong ngày càng giảm thiểu những TNLĐ nghiêm trọng dẫn đến chết người hoặc thương tật suốt đời nhằm tránh để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của NLĐ.
“Không chỉ tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ mà ngay tại một số công trình xây dựng cao tầng của các nhà thầu thi công có tiếng, chủ đầu tư lớn, vẫn tồn tại thực trạng chưa chấp hành nhiều quy định về ATLĐ. Qua công tác thanh tra, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã có kiến nghị đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và người lao động trong việc người lao động sử dụng không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công như: công trình khách sạn Lê Hoàng, công trình khách sạn Hải Phong, công trình khách sạn Paradise”. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An |
VĂN THÀNH LÊ