Những công nhân xây dựng, ngoài chuyện lao động cực nhọc, còn phải đối mặt với nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ). Với đặc thù công việc, người lao động phải được đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng; nhưng cảnh người lao động (chủ yếu ở những công trình xây dựng nhà tư nhân) phải đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn vẫn diễn ra phổ biến.
Lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: H.N |
An toàn lao động: nơi quan tâm, nơi bỏ qua
Tiếp xúc với những người thợ xây ở các công trình xây dựng nhà tư nhân, mới thấy một lỗ hổng rất lớn trong vấn đề an toàn lao động (ATLĐ) mà nhiều nhà thầu xây dựng bỏ qua. Đó là hầu hết công nhân làm việc trong điều kiện không có nón bảo hộ, không có găng tay, ủng hay đai bảo vệ trên những giàn giáo đơn sơ.
Anh Đỗ Văn Hiền (quê ở Hòa Tiến, Hòa Vang) làm thợ xây hơn chục năm nay ở một ngôi nhà trên đường Bùi Quốc Hưng, quận Sơn Trà cho biết: “Bọn tui chủ yếu xây nhà tư nhân, chứ có phải doanh nghiệp mô mà được trang bị mũ bảo hộ với các thứ. Nói chung là mấy tai nạn sơ sơ như giập tay giập chân thì ai cũng bị. Ai làm cái nghề ni cũng quan tâm chuyện an toàn, nhưng mình chỉ làm khi mô rảnh, không phải dân chuyên, nên cố gắng cẩn thận là chính, còn rủi ro thì cũng khó nói trước lắm”.
Anh Chinh (quê ở Tây Sơn, Bình Định), có 8 năm làm nghề thợ sơn cũng cho biết mình làm việc theo một nhóm, bảo hộ bằng găng tay, kính mắt là chủ yếu: “Ở mấy nhà 1-2 tầng, chỉ cần giàn giáo chắc chắn là làm việc được, còn mấy công trình nhà cao cỡ 4-5 tầng thì thợ sơn phải dùng thêm đai bảo hộ. Nói chung là vô nghề xây dựng thì ai cũng phải biết các quy tắc ATLĐ ở công trường, nhưng mà có khi cẩn thận mấy cũng chưa đủ. Như có kính bảo hộ vẫn bị bụi vôi bay vô mắt thường xuyên”.
Từ tháng 3 năm nay, Phòng Thanh tra thuộc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành thanh tra 20 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực trên địa bàn. Báo cáo kết quả thanh tra 5 DN là nhà thầu thi công xây dựng cho thấy, nhiều DN thực hiện nhưng chưa đầy đủ quy định trong lĩnh vực ATLĐ.
Ví dụ với quy định Lắp lan can an toàn hoặc thực hiện che đậy tại các vị trí nguy hiểm trên sàn tầng, có 3/5 DN đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ. Quy định Thực hiện biện pháp an toàn cho người và vật ở những vùng nguy hiểm do vật có thể rơi từ trên cao xuống, có 1/5 DN thực hiện chưa đầy đủ.
Quy định Kiểm tra cách điện của dụng cụ điện cầm tay, có 1 DN chưa thực hiện và 3 DN thực hiện chưa đầy đủ. Quy định Nghiệm thu trước khi sử dụng đối với giàn giáo có 1 DN chưa thực hiện. Quy định Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại có 4/5 DN thực hiện nhưng chưa đầy đủ. Quy định Người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân thì có 3/5 DN người lao động sử dụng chưa đầy đủ.
Ông Phan Minh Hoàng, thanh tra viên của Phòng Thanh tra, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết hầu hết các DN sau khi thanh tra đều tuân thủ, khắc phục những vấn đề chưa hoàn thiện mà thanh tra chỉ ra; phân nhóm người lao động để huấn luyện định kỳ.
Ông Hoàng còn nhận xét thêm là hầu hết người lao động đều được trang bị thiết bị bảo hộ (ví dụ như kính, khẩu trang, ủng, găng tay…); riêng nhiều lao động thời vụ (làm việc trong khoảng 3-6 tháng, tìm việc lúc nông nhàn) trong ngành xây dựng thường không quen mang đồ bảo hộ lao động. Họ hầu hết chưa qua đào tạo, vừa học kiểu truyền miệng, vừa thực hành, kiến thức về ATLĐ của họ cũng rất thấp. Và phần lớn TNLĐ nếu có xảy ra thì hay rơi vào những người lao động thời vụ, do ý thức chấp hành không cao (đặc biệt thường xảy ra với người dưới 30 tuổi).
Hướng đến những tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn
Tạo ra một môi trường lao động an toàn là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ DN nào và là một trong những cách thức tốt nhất để thu hút và giữ chân người lao động.
Phó giám đốc một công ty xây dựng cho biết, DN xây dựng riêng một bộ quy chế về ATLĐ, tập huấn thường xuyên cho công nhân. Quy chế công ty soạn ra dựa trên các quy chuẩn quốc tế về xây dựng như OHSAS 18001; song song là việc thuê các trung tâm chuyên đào tạo về vận hành xây dựng tập huấn cho toàn thể nhân viên công ty.
“Khi đấu thầu phải áp dụng vận hành đúng quy trình mới có thể trúng thầu, phải đáp ứng các quy định trong các lĩnh vực trong đó có vấn đề ATLĐ, sức khỏe công nhân… nên hiện nay những công ty xây dựng đều phải cố gắng xây dựng bộ quy chuẩn ISO này”, vị phó giám đốc nhấn mạnh. Bên cạnh đó, dù là công nhân có ký hợp đồng lao động với công ty hay công nhân thời vụ thì đều phải tuân theo các quy định như đã bước chân vào công trường là phải có đồ bảo hộ, phải qua các lớp đào tạo, tập huấn của công ty.
Hiện ngành xây dựng đang áp dụng tiêu chuẩn OHSAS 18001, có thể loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp bằng các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Bộ tiêu chuẩn mang tầm ISO này đang được nâng cấp, nhằm đề cập sâu hơn đến vấn đề sức khỏe, an toàn, mang tên ISO 45001, sẽ được thiết lập vào cuối năm 2016.
Đây sẽ là một thay đổi lớn, cung cấp một khung thực hành tốt nhất về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, và qua đó giảm được số vụ tai nạn, thương tích và bệnh tật liên quan đến công việc. Tiêu chuẩn này đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của cấp quản lý và lãnh đạo; giúp các tổ chức giảm thiểu tai nạn và bệnh tật, tránh truy tố tốn kém, thậm chí có thể giảm chi phí bảo hiểm. Một điểm rất mới của tiêu chuẩn này là có tầm nhìn xa hơn các vấn đề về sức khỏe và an toàn, chịu trách nhiệm về những gì mà xã hội mong đợi, không chỉ tập trung vào các điều kiện cho nhân viên nội bộ.
Đầu tháng 3-2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố báo cáo, năm 2015 trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động, làm 7.785 người bị nạn. Trong đó có 629 vụ tai nạn lao động chết người; 79 vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên; có 666 người chết, 1.704 người bị thương nặng; 2.432 nạn nhân là lao động nữ. Trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết… Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chết người do người sử dụng lao động chiếm 52,8%; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2%; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3%; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7%. |
HOÀNG NHUNG