Mùa tuyển sinh đang đến gần, việc chọn trường, chọn ngành lại nóng ở mỗi gia đình có con chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Bài toán cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hay làm công việc phổ thông vẫn liên tục được được nêu ra mà mãi không có câu trả lời.
Nguyên nhân nằm ở phía học sinh, gia đình mãi chạy theo ảo tưởng trường ngon, ngành hot gắn với việc làm tốt, lương cao hay nằm ở chất lượng, chiến lược đào tạo của quốc gia, ở cách tuyển dụng và sử dụng người của đất nước?
Bài thơ “Trăng sáng vườn chè” của thi sĩ Nguyễn Bính sáng tác năm 1936 (nhạc Văn Phụng) có đoạn “…Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bỏ công kinh sử từ ngày lấy tôi…”.
Người vợ trong bài thơ tự nguyện làm tất cả, quán xuyến, chắt chiu để chồng chuyên tâm học hành, đỗ đạt. Sự thành công của chồng không chỉ là mong ước riêng của vợ, gia đình mà còn là niềm vinh hiển cho cả dòng họ, làng xóm. Bài thơ như một ví dụ cho thấy, từ xa xưa cho đến nay, Việt Nam vẫn luôn là đất nước coi trọng khoa cử, người thành công trên đường học thường có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Với “truyền thống” này, tiêu chí đầu tiên để xét tuyển ở nhiều cơ quan là tấm bằng. Điều kiện để bổ nhiệm một vị trí nào đó cũng nằm ở trình độ mà cá nhân đó đạt được. Đại học nhóm trên, nhóm dưới, chính quy, dân lập, tập trung hay không đều là yếu tố để nhà tuyển dụng cân nhắc, quyết định.
Nhiều tỉnh, thành hiện nay đang áp dụng các biện pháp thu hút nhân tài. Tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất để “nhân tài” được thu hút không gì khác ngoài bằng cấp. Đãi ngộ dành cho người có học hàm (thạc sĩ, tiến sĩ), học vị (phó giáo sư, giáo sư) cũng có khoảng cách khá xa. Tấm bằng trở thành “giấy thông hành” đến với những cơ hội tốt hơn.
Trước thực tế đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con học kinh tế, y học, thi vào các trường đại học danh giá hơn là trở thành thợ sửa ống nước, thợ điện hay thợ cắt tóc, bất chấp năng lực và sở thích của con, bất chấp việc học làm thợ đòi hỏi chi phí thấp, thời gian học ngắn nhưng mang lại cơ hội việc làm lớn.
Cũng vì “tấm giấy thông hành” này, không ít bậc phụ huynh giành hết việc nhà, khuyên hoặc ép buộc con quay lưng với mọi hoạt động tập thể, câu lạc bộ, tình nguyện xã hội – nơi rèn giũa kỹ năng mềm cần thiết - để con dành trọn vẹn thời gian cho việc trang bị “bộ sưu tập bằng cấp” trước khi tốt nghiệp.
Khi hầu hết các sinh viên đều sưu tập đủ bằng cấp nhưng nhu cầu của xã hội không có thì dẫn đến tình trạng ông cử, bà cử ôm bằng đi làm lao động phổ thông hoặc chấp nhận thất nghiệp. Trò chuyện cùng đội ngũ giữ xe tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, không ít người trong họ là những người có 1-2 bằng đại học, thậm chí thạc sĩ.
Họ vẫn cảm thấy mình rất may mắn khi có việc làm, dẫu rằng, công việc đó hoàn toàn không cần 4 đến 6 năm trên giảng đường đại học. Họ bằng lòng bởi công việc của mình ổn định hơn bạn bè đang gò mình trong các khu công nghiệp, bồi bàn, giúp việc với số tiền công không đủ ăn cơm bụi, thuê trọ và có thể bị chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào.
Để khắc phục tình trạng lắm cử nhân nhưng thiếu thợ, để việc học quay về với ý nghĩa duy nhất của nó - học vì người học muốn lĩnh hội kiến thức, học để biết, để làm chứ không phải vì điểm số hay bằng cấp có lẽ cần sự thay đổi từ nhiều phía.
Khi các nhà tuyển dụng chỉ tuyển người chứ không căn cứ vào tấm bằng, khi học nghề cũng được tôn trọng và đánh giá cao chứ không nhất thiết phải học chữ… thì có lẽ, bài toán thất nghiệp của các ông cử, bà cử mới được giải quyết.
NHẬT XUÂN