“Con bò vừa được bơm nước xong chẳng khác nào chiếc xe gỗ to ù, nặng ịch. Nó không nhúc nhích được. Bốn người đàn ông lực lưỡng chia nhau 4 bên kéo và đẩy nó bước tới lò mổ. Nó như chiếc xe khổng lồ bị xịt lốp, chỉ chực ngã vật ra chết”, giọng nói đều đều của người đàn ông mô tả chi tiết khoảnh khắc vô tình chứng kiến con bò trên đường đến lò giết mổ.
Người này làm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng lúc nhìn thấy con bò ấy, anh không còn nhớ nhiều đến tiêu chuẩn xử lý thịt tươi, việc bơm nước ảnh hưởng chất lượng thịt như thế nào, mà chỉ còn ngập tràn nỗi ám ảnh trước cảnh con vật đáng thương đến đau lòng…
Cô phóng viên đi phục kích chuyện bơm nước vào bò trước khi giết mổ. Đến nơi, trời còn nhá nhem tối nhưng cô cũng nhận ra ngay con nào vừa được bơm, bởi nó to gấp rưỡi những con chưa bơm đứng chung đàn. “Nó đứng không được. Nó cứ khuỵu chân xuống. Thậm chí nó không thể thở, chỉ là những tiếng “khặc! khặc!” hắt ra rời rạc”, cô phóng viên kể lại dấu ấn không thể quên trong cuộc đời làm báo
của mình…
Nghe đâu lái bò sẽ lời thêm vài triệu đồng/mỗi con nếu cho bò “uống nước” trước khi mổ. Thịt khi đã “ngậm” nước, chắc chắn dù là nước sạch cỡ nào cũng khiến thịt phân hủy nhanh hơn, chất lượng không còn bảo đảm. Vì lợi nhuận lớn nên tình trạng thịt bò nhão nước bán ra chợ vẫn phổ biến lâu nay. Khoan bàn chuyện đạo đức thương mại trong việc đánh lừa người tiêu dùng, điều khiến chúng ra rùng mình là “máu lạnh” không chỉ tồn tại trên phim hoặc trong những thảm kịch ghê rợn, mà nó tồn tại quanh đây, trong mỗi sớm mai chúng ta thức giấc.
Lâu nay người ta luôn tin rằng, trong mỗi con người đều có lòng trắc ẩn. Điều này dường như không đúng, bởi nếu còn một chút động lòng, một chút thương xót, những lái bò đã nương tay cho những con bò trước khi “hóa kiếp”.
Nhớ lại câu chuyện từng xảy ra trong chương trình truyền hình thực tế Vua đầu bếp Việt Nam. Thí sinh làm thịt ba ba theo đề bài yêu cầu. Cô gái dùng hết sức... đập, chặt, ném tơi bời, mãi mà con ba ba vẫn chưa chịu chết. Hình ảnh được phát trên kênh truyền hình quốc gia và dấy lên làn sóng phản ứng gay gắt từ khán giả cả nước khi họ chứng kiến cảnh tượng dã man đó.
Ban giám khảo cuộc thi-những đầu bếp hàng đầu của Việt Nam sau đó đã dạy cho thí sinh này bài học: Làm thịt động vật phải có cách làm nhanh, nhẹ nhàng, giúp con vật đỡ đau đớn nhất. Đó là nguyên tắc của những người đầu bếp chuyên nghiệp trong thế “không thể không sát sanh”.
“Chết nhanh, đỡ đau đớn nhất” có thể xem là cách con người “nhẹ tay” với những con vật đã “hiến thân” mình cho sự sống chung. Ngoại trừ những người ăn chay hoặc không ăn các loại thịt thì hầu hết mọi người đều ăn các loại động vật khác để sinh tồn. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta có quyền “đứng cao” hơn động vật để muốn giết, muốn hành hạ kiểu gì thì cứ lạnh lùng ra tay.
Bà Tôn Nữ Ngọc Trân, con gái thứ 2 của cố GS, BS Tôn Thất Tùng từng viết về người cha đáng kính của mình: Chúng tôi còn nhớ ông đã giận dữ đến thế nào khi thấy đứa cháu lỡ tay bóp một con mèo con gần chết. Ông từng nói, chúng ta ăn thịt động vật để sống, nhưng phải tôn trọng động vật bằng cách không được giết chúng bừa bãi chỉ vì thú vui hoặc để ăn uống thừa thãi.
“Tôn trọng động vật” là điều hiển nhiên, vậy nhưng sao chúng ta không làm?
CHÍCH BÔNG