.

Nụ cười Sơn Mỹ

.

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê - thành phố Quảng Ngãi). Nơi mà cách đây hơn 48 năm, vào ngày 16-3-1968, lính Mỹ đã đốt phá nhà cửa và tàn sát 504 thường dân.

Từng lời kể của ông Phạm Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ - người đã chứng kiến mẹ và 4 anh chị em ruột bị lính Mỹ giết chết trong vụ thảm sát - đã khắc sâu trong tâm trí của tôi lúc đó.

Những xác người nằm chết la liệt. Những phụ nữ và em thơ vô tội. Những tên lính Mỹ to cao lực lưỡng thay nhau hãm hiếp những người phụ nữ chân lấm tay bùn yếu đuối cho đến chết. Và người kể, có nỗi đau nào hơn thế nữa khi từng ngày phải tự mình đấu tranh với những ký ức đau thương, để kể lại với một giọng rõ ràng và mạch lạc.

Khách nước ngoài tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: N.H.P
Khách nước ngoài tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: N.H.P

Anh bạn thân của tôi là người Sơn Mỹ có lần nói với tôi: “Đừng mang tâm thế bi lụy khi đến khu chứng tích rồi lại mang về những suy tưởng đau thương. Cậu phải biết là người dân Sơn Mỹ đã gạt đi nước mắt để vươn lên xây dựng quê hương từ lâu lắm rồi”.

Lần này tôi quyết định theo bạn về quê. Xe đến Sơn Mỹ, bon bon chạy trên những con đường bê-tông thẳng tắp, những cánh đồng lúa tốt tươi hai bên đường rì rào trong nắng ấm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những đoàn xe du lịch ra vào tấp nập, lũ trẻ con vui đùa đuổi nhau tươi cười tưng bừng khắp thôn xóm… Ngồi sau tay lái của bạn, tôi tự nhiên thấy mình như bước qua cánh cửa thời gian lọt thỏm vào Sơn Mỹ.

Nhà bạn hai tầng, mái ngói đỏ, hàng rào cửa sắt kín bưng, mẹ già nghe tiếng xe máy chạy ra mở cửa, tươi cười hồ hởi: “Đưa bạn về chơi hả con?” - nụ cười của người mẹ quê mới tròn trịa và phúc hậu làm sao. Bạn là con cả trong gia đình. Lúc xảy ra thảm sát, ba của bạn mới 10 tuổi. Lính Mỹ xông vào xả súng.

Ông cố, ông bà nội và các cô chú lần lượt bị trúng đạn, ngã gục. Ba bạn thoát được ra cửa sau nhà, nằm vào đống xác người giả chết và may mắn sống sót. Bạn lớn lên trong cảnh túng bấn giữa mảnh đất mà diện tích của hố bom nhiều gấp mười lần ruộng lúa. Bạn bảo chính những bữa cơm độn khoai, độn sắn đã hun đúc cho anh em bạn một quyết tâm mạnh mẽ: phải học để thoát khỏi đau thương và nghèo đói…

Cụ bà ngồi bán ngô luộc ngay đường vào khu chứng tích, miệng món mém nhai trầu chào mời khách tham quan. Tôi kéo bạn ngồi xuống để thưởng thức món ăn khoái khẩu, nhận từ tay cụ bà trái bắp còn nóng hổi, tôi xuýt xoa vừa ăn vừa thổi. Bắp Sơn Mỹ ngọt thơm rất dễ chịu: “Bắp của cụ ngon thế này chắc khách Tây thích lắm?” - “Ừ, họ ăn nhiều lắm cháu, hồi xưa ghét mấy thằng Tây nên bà không bán, nhưng chừ cũng hết giận rồi nên Tây hay ta đều phục vụ nhiệt tình”. Cụ bà cười rung lên khoe hàm răng nhuộm trầu đỏ thắm.

Một nhóm các em học sinh đang tụ tập quanh những vị khách Tây cao lớn, giao tiếp bằng tiếng Anh rôm rả. Bạn bảo cũng nhờ những “tiết học ngoại khóa” thế này mà thanh niên ở Sơn Mỹ học tiếng Anh rất giỏi, có người sau khi tốt nghiệp đại học đã về quê làm hướng dẫn viên trong khu chứng tích, có người được trọng dụng ở các công ty nước ngoài… Không biết những vị khách Tây nói gì mà tụi nhỏ phá lên cười vang rồi chuyển sang bắt chuyện với nhóm khách khác…

Tôi đi một vòng quanh Khu chứng tích Sơn Mỹ, khách Tây, khách ta lúc nào cũng đông đúc, nhưng rất trật tự và trang nghiêm. Ai cũng chăm chú quan sát, lắng nghe. Đâu đó có người đã khóc như tôi cách đây 5 năm trước. Những giọt nước mắt sẽ vẫn còn rơi, vì sự thật lịch sử sẽ không thể mất đi. Tuy nhiên giọt nước mắt của lịch sử không bao giờ chất chứa trong nó sự bi lụy mà ngược lại chính là nguồn động lực để người dân Sơn Mỹ và những ai đã từng đến Sơn Mỹ vươn đến những nụ cười rạng rỡ của hôm nay và mai sau.

Sơn Mỹ quê bạn đã thực sự hồi sinh. Tôi đứng giữa cánh đồng lúa cố hít căng lồng ngực để hưởng trọn mùi thơm lúa mới, hưởng trọn những niềm vui phơi phới được gầy dựng từ lòng vị tha, sự bao dung và ý chí kiên cường. Nụ cười đã trở lại Sơn Mỹ, nụ cười lưu giữ trọn vẹn những sự thật của lịch sử nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh để bước đến tương lai.

NGUYỄN HỒNG PHONG

;
.
.
.
.
.