Xứ Đông Dương là cuốn hồi ký được dịch nguyên bản từ tiếng Pháp: L’Indo-Chine francaise, của tác giả Joseph Athanase Paul Doumer. Cuốn sách đưa người đọc ngược thời gian về những năm cuối chuyển giao giữa 2 thế kỷ (1897-1902) với chuyến hải trình của Doumer khởi hành từ Pháp qua kênh đào Suez, Ấn Độ Dương, vòng qua eo Mallaca cập Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) để bắt đầu 5 năm nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.
Trong suốt năm đầu ông đã đi thị sát khắp Liên bang Đông Dương thời bấy giờ bao gồm 6 xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào) và Quảng Châu Loan (Quảng Đông, Trung Quốc). Cuốn hồi ký tái hiện thật sinh động cảnh quan thiên nhiên, đất nước và con người ba nước Đông Dương mà đặc biệt là Việt Nam.
Hình ảnh của các thành phố lớn thời bấy giờ (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu...) hiển hiện khá sinh động qua những trang hồi ký. Về con người, Paul Doumer đánh giá cao người Việt: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao, và Xiêm La đều không thể chống lại được họ.
Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa.
Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc…”.
Trong thời gian 5 năm tại vị ngắn ngủi, Doumer đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Đó là xây dựng hạ tầng cơ sở của Việt Nam từ con số không. Nhiều công trình đến nay vẫn còn được sử dụng sau hơn 100 năm xây dựng.
Về giao thông vận tải, ông cho xây dựng 3 cây cầu: Doumer (Long Biên, Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn) và một số cầu nhỏ khác; hệ thống đường sắt xuyên suốt Bắc Nam; lên cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt); Quảng Trị qua Savanakhet (Lào), Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc); xây cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và nâng cấp cảng Hải Phòng; phát triển bưu chính hàng hải với hệ thống bưu cục khắp Đông Dương...
Trước khi ông nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, hạ tầng cơ sở Việt Nam vẫn lạc hậu. Giao thông Nam - Bắc không thể thông suốt do chỉ có 2 phương tiện giao thông chính là đi bằng thuyền và ngựa. Cơn bão miền Trung năm 1897 gây ra ngập lụt hư hại hoa màu và hậu quả là nạn đói kinh hoàng ở các tỉnh miền Trung từ Huế trở ra.
Gạo cứu trợ từ Nam Kỳ chuyển ra chỉ đến Đà Nẵng và hầu như không thể vượt đèo Hải Vân hiểm trở thời bấy giờ... Về kinh tế, ông cho thành lập Nha Canh nông và Thương mại, phát triển nông nghiệp và xuất nhập khẩu và một số ban ngành phục vụ cho quản lý hành chính và nghiên cứu khoa học. Trong đó có Viện Pasteur Nha Trang; Viện Viễn Đông bác cổ có trụ sở đầu tiên ở Sài Gòn (1900) và Hà Nội (1902).
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vào đầu tháng 4 vừa qua, trong buổi tọa đàm về cuốn sách này, PGS, TS Dương Văn Quảng nhìn nhận cuốn sách chứa đựng nhiều sự kiện, nhiều đánh giá mang nặng tính chủ quan. Nhưng theo ông “Dân tộc nào muốn xây dựng tương lai phải biết lịch sử. Lịch sử một dân tộc do chính dân tộc đó làm nên, có những người không thuộc dân tộc đó nhưng can dự vào. Đánh giá về nhân vật lịch sử theo góc nhìn mỗi người, phụ thuộc thời đại đang sống. Đánh giá thế nào tùy góc nhìn, nhưng chắc chắn Paul Doumer là nhà thực dân”.
Dĩ nhiên không ai trong chúng ta chấp nhận sự đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng cũng phải ghi nhận những gì Doumer đã làm cho hạ tầng cơ sở Việt Nam. Theo dịch giả Nguyễn Xuân Khánh, dù còn nhiều tranh luận, nhưng cuốn sách có thể nói là hiếm hoi của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa này rất có ích cho những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học.
Xứ Đông Dương, do Alpha Books và NXB Thế giới phát hành tháng 3-2016; nhóm dịch giả: Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy với sự tham gia hiệu đính của PGS, TS Nguyễn Thừa Hỷ. Paul Doumer (1857-1932) là một chính khách người Pháp. Năm 1895, ông là Bộ trưởng Tài chính Pháp. Sau khi Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau bị bệnh chết ở thuộc địa, Chính phủ Pháp cử Paul Doumer sang tiếp tục công việc của Armand từ năm 1897-1902. Từ năm 1931-1932, ông làm Tổng thống Pháp. Ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát năm 1932. Cuốn hồi ký Xứ Đông Dương là cuốn sách viết riêng về giai đoạn ông ở Đông Dương. Đây là cuốn sách đầu tiên được thực hiện theo cách gây quỹ xuất bản, độc giả chuyển tiền mua trước khi sách được in. Hơn 300 người đóng góp quỹ hơn 160 triệu đồng, đạt 107% kế hoạch. |
QUỐC BẢO