Ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp khi đặt chân đến đất nước Campuchia là hình ảnh của rất nhiều cây thốt nốt mọc giữa cánh đồng và trên các ngả đường bao bọc xóm ấp. Cây thốt nốt cũng giống như cây tre ở Việt Nam mang tính biểu trưng cho sức mạnh cộng đồng ken chặt các thôn xóm.
Chiếc cầu Rồng cổ nhất của Vương quốc Campuchia. |
Điểm du lịch đầu tiên là cầu KompongKder (cầu Rồng) cổ nhất Đông Nam Á được xây dựng từ thế kỷ XII, nằm trên quốc lộ 6 - con đường huyết mạch dẫn vào thành phố Xiêm Riệp. Cầu dài khoảng 85m, cao 14m, rộng chừng 14m. Cầu làm kiểu vòm với rất nhiều trụ bằng đá ong, kiến trúc tương tự như cầu vòm bằng đá do người La Mã xây ở châu Âu.
Ở hai đầu cầu có tượng rắn thần Naga bảy đầu khá linh thiêng được người dân tôn thờ như thần thánh. Thân cầu cũng mang dáng dấp thân hình của loài rắn thần này. Anh Hên - hướng dẫn viên người Campuchia của đoàn cho biết, người Campuchia tự cho dân tộc mình thuộc loài rắn thần Naga bảy đầu rồng tượng trưng cho bảy sắc dân trong xã hội Campuchia cổ xưa. Cây cầu này linh thiêng lắm, nhiều lần bị ngoại xâm, bị phá hủy, cầu vẫn tồn tại suốt một nghìn năm. Trước kia, khi quân Polpot rút lui đã đặt chất nổ để phá hủy cầu nhưng mìn không nổ.
Nằm giữa vùng rừng già nguyên sinh ở phía Tây Bắc Biển Hồ cách Xiêm Riệp 7km về phía Bắc, Angkor từng là kinh đô của đế chế Khơme hùng mạnh vào thời hoàng kim từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XIII. Khoảng thế kỷ XV, Angkor vĩ đại dần dần bị lãng quên giữa đại ngàn rừng già nguyên sinh. Mãi đến năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp là Hessi Mouhot đã tình cờ phát hiện công trình này. Những kiến trúc bằng đá thuộc loại hình đền có dạng núi gọi tắt là đền - núi, trong đó đồ sộ và nổi tiếng nhất là phúc hợp kiến trúc Angkor Wat và Angkor thom.
Cây thốt nốt với đầu rắn Naga. |
Angkor Wat là kiến trúc 3 tầng nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm toàn bộ đều được ghép những phiến đá xanh. Tầng 1 là địa ngục có cái hồ nước dùng cho Vua tắm rửa, tẩy rửa tội lỗi. Tầng 2 là trần gian có khoảng sân rộng được bao bọc bởi các dãy tường thành, bên trong là điện thờ các vị thần. Tầng 2 có vô số bức tranh Apsara nhảy múa với bộ ngực trần. Tầng 3 là thiên đàng, nơi được xem là nơi cư ngụ của thần thánh với độ cao 65m. Các cầu thang ngày trước đi lên dốc đứng gần như 45 độ hẹp vào vô cùng khó leo. Trong phòng lớn của ngôi đền có một gian rất huyền bí. Du khách thường đến đó đứng hơi sát tường, nắm chặt bàn tay và vỗ nhẹ lên ngực thì lập tức có tiếng vang vọng như mình đang đánh trống.
Trong lịch trình của đoàn, có tham quan đền Bayon bốn mặt với nụ cười bí ẩn. Đền nằm ở trung tâm ở quần thể Angkor thom (nghĩa là “Kinh thành lớn”), là ngôi đền ấn tượng nhất, gồm 54 tháp lớn nhỏ. Trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvana tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng Campuchia. Angkor thom là kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của vương quốc Khơme được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Có giả thiết cho rằng Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia làm 54 tỉnh mới có 54 ngọn tháp với những đôi mắt của bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh để cứu độ.
Tôi gặp ở đây dãy hành lang tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11.000 bức phù điêu chạm khắc trên tường chạy dài 1.200m liên quan đến lịch sử, truyền thuyết miêu tả đời sống xã hội của nền văn minh như: Cảnh đánh bắt cá và có cả cảnh xem bói với những sinh hoạt đời thường rất sinh động. Bên cạnh đó là những hoạt động quý tộc diễu hành của vua chúa cũng như những trận đánh thủy bộ. Từ xa nhìn vào Bayon các tháp cao thấp khác nhau. Có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thẳng vào mắt du khách. Đi theo những lối quanh co người ta có cảm giác như đi lạc vào mê hồn trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình.
Trước khi sang Campuchia, tôi đã từng xem bộ phim của Hollywood khá nổi tiếng “Bí mật ngôi mộ cổ” với những cảnh quay lấy bối cảnh là đền Ta Prohm. Và hôm nay mới tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ bí ẩn ở nơi này. Đền được xây năm 1189, dài 1km rộng 700m tốn 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và nhiều đá quý. Ngôi mộ mẹ trong đền bốn bức tường bằng đá có gắn kim cương. Tương truyền những đêm trăng sáng, những hạt kim cương phản chiếu rực rỡ. Hiện nay phía trong gian chính điện còn dấu tích các nơi đặt kim cương.
Đường lên Thiên Đàng tại Angkor Wat. |
Ngày hôm sau chúng tôi về thủ đô Phnom Penh, thăm cung điện hoàng gia nằm ở trung tâm thủ đô. Đây là một công trình xây dựng kiên cố gồm nhiều tháp cao chót vót. Một kiến trúc không pha lẫn vào đâu được của đất nước Chùa tháp được trang trí công phu và chăm sóc vườn hoa kỹ càng. Tiêu biểu công trình ở đây là phòng khánh tiết. Ngai vàng được đặt giữa phòng sử dụng làm lễ đăng quang cho các nhà vua. Hoàng cung còn có sân khấu ánh sáng nơi biểu diễn các điệu múa cung đình cũng là nơi diễn ra các bữa tiệc lớn.
Cạnh đó là “Điện Yên Tĩnh” nơi nghỉ ngơi thư giãn của nhà vua. Đặc biệt có lá cờ xanh, ngày nào kéo lên có nghĩa là nhà vua đang có ở nhà. Ngay cửa ra vào trồng rất nhiều cây Sa la - một loại cây của Đức Phật Thích ca Mâu Ni. Ở cung điện Đồng du, khách được tận mắt nhìn thấy những trang phục biểu trưng cho hoàng gia kể cả những chén bát sinh hoạt hằng ngày. Thật thú vị khi nhìn thấy một dãy 7 tượng cung nữ mặc sắc phục 7 màu khác nhau của 7 ngày trong suốt tuần lễ. Hồi ấy, trong cung vua không có lịch mà căn cứ vào sắc màu sắc phục cung nữ để phân biệt các thứ trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật.
Trong chuyến thăm Campuchia lần này, có hai ấn tượng để lại trong tôi như hai đối cực khác nhau, đó là ẩm thực những món ăn dân dã dân tộc và thăm sòng bạc lớn nhất ở thủ đô Phnom Penh hiện đại. Có hai thứ đặc sản là mắm bò hóc và chợ côn trùng. Bò hóc là loại mắm chế biến theo nguyên tắc giữ được thực phẩm lâu bằng cách ướp muối và đường từ những con cá tươi nhất mổ ruột ướp ủ rồi để trong tủ đậy kín vài tháng sau mới đem ra ăn. Cá này đánh bắt được ở Biển Hồ, không sử dụng hết chuyển sang làm mắm dự trữ. Món ăn từ côn trùng như trứng kiến, cà cuống, nhện… chiên xào, thức ăn này giàu đạm. Có cả một chợ côn trùng nằm tại thị trấn Skum thuộc tỉnh Kamphongcham cách thủ đô Phnom Penh 7km trên đường về Xiêm Riệp trở lại Việt Nam. Côn trùng được chế biến và tẩm gia vị rất thơm khiến cho du khách mê hoặc. Còn có những loại côn trùng sống khác như nhện, bò cạp để ngâm rượu. Còn phần lớn đã chế biến thức ăn chính như: Bọ cánh cứng, dế, cào cào, rắn và các loại sâu trong một khu chợ như chợ quê Việt Nam.
Casino Nagaword là điểm dừng cuối cùng trong cuộc hành trình. Sòng bạc này được lợp bằng giấy bạc để phản chiếu ánh sáng mạnh, khiến ban đêm cũng giống như ban ngày. Vòm trần nhà cao rộng được chiếu sáng 3D cũng có mây bay trời trong xanh như ở bên ngoài. Không còn cảm giác phân biệt thời gian, không gian. Khách vào tham quan hoặc con bạc muốn vào chơi phải đi qua cửa từ dọc hành lang có nhiều vệ sĩ lực lưỡng trong trang phục vest đen lịch lãm. Chúng tôi được phép chụp ảnh với các cô hoa khôi. Cô nào cũng cao, luôn mỉm cười duyên dáng với khách. Sòng bạc có hàng trăm bàn. Những cô gái trắng trẻo, tóc nhuộm, mắt kẻ đậm, đôi tay chia bài nhuần nhuyễn.
Tạm biệt Campuchia, tạm biệt những tán cây thốt nốt cùng bao kiến trúc đền chùa kỳ lạ. Trong tôi vẫn còn thao thức muốn tìm câu hỏi “giải mã” những bí ẩn. Bí ẩn nụ cười Angkor. Bí ẩn điệu múa Apsara hút hồn, bí ẩn những chiếc khăn truyền thống mà họ đã thêu vào đó những đường chỉ thời gian của sắc màu tâm linh những hồi âm da diết vọng lại từ vách tầng đá của đền Angkor kỳ vĩ…
NGUYỄN NGỌC PHÚ