.

Cây dâu da chảy máu

.

Đầu bản có cây dâu da cổ thụ, cứ vào mùa hè lại nở hoa trắng xóa, rồi từng chùm, từng chùm quả tim tím, hồng hồng treo kín từ dưới gốc lên đến ngọn. Ấy thế mà nó sắp bị chặt đi để mở con đường mới vào bản.

Ai cũng tỏ ra tiếc, nhất là đám trẻ, cây dâu da là chỗ nghỉ lý tưởng mỗi khi đuổi đàn trâu bò lên trên đồi, bọn con trai thì trèo lên cây, buộc những sợi dây rừng chắc chắn vào cành to nhất rồi thả xuống đánh đu, mấy đứa gái vẫn hay ngồi bên dưới bóng mát bắt chấy cho nhau.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mấy ngày qua rộ lên lời đồn trên cây dâu da có ma, cứ chập tối lại ngồi vắt vẻo giữa chạc ba khóc lóc rên rỉ, đầu buông xuôi thả mái tóc dài xuống vắt ngang qua đường, đã mấy người bị quấn chân ngã dập trán, may mắn chạy thoát được về nhà nhưng sợ khiếp vía.

Thế mà Ngoan chẳng biết chuyện đó, nó đi học nội trú ngoài huyện mấy tháng mới về thăm nhà một lần, hôm nay chỉ còn duy nhất một chuyến xe khách muộn, về đến đường rẽ thì cũng đã nhập nhoạng tối. Con đường về bản đang được mở rộng và đổ bê-tông, nham nhở những ụ đất máy ủi, máy xúc để lại. Đường mới làm xong một nửa nên đến đoạn gần bản thì Ngoan đã nhận ra từng khúc cua, từng con dốc, thậm chí cả những viên đá to nhỏ, thế nên chân cứ đi băng băng trong bóng tối.

Sắp đến cây dâu da rồi, con dốc này vắng vẻ, nhà gần nhất cũng phải đi đoạn xa mới đến. Lâu lắm không đi một mình vào buổi tối nên Ngoan cũng cảm giác gai gai trên cổ gáy, nó nín thở bước thật nhanh, trong đầu cố gắng không nghĩ đến sợ hãi. Nhưng Ngoan bỗng cảm giác chờn chợn, có cái gì đó quấn vào hai cẳng chân buồn buồn, man mát. “Là rắn?”, mới tự hỏi thế mà nó đã run bần bật, chân tay mềm nhũn không nhấc nổi nữa. Ngoan vừa kịp “a” lên thì bị kéo ngã sõng soài ra đường, trán va vào một viên đá, nó sợ hãi cuống cuồng bò dậy, miệng lưỡi líu ngíu.

- A, ma…

Bỗng có tiếng xì xào trên cành cây dâu da, Ngoan nghe giọng nói đó rất quen.
“Chết rồi, thằng Ngoan”.

“Ừ, hình như mình kéo hơi mạnh rồi”.

“Thả dây ra, nhanh lên, xuống xem nó có bị làm sao không”.

Ánh đèn pin loang loáng bật lên, rồi ba bốn tiếng “bịch, bịch” nhảy xuống đất. Ngoan vẫn chưa hoàn hồn. Bọn thằng Chứ, thằng Pá đứa soi đèn, đứa chạy đến đỡ Ngoan dậy, đứa thì tháo dây ở chân nó, đứa thì xoa đầu thằng bạn, rối rít hết cả lên.

“Mày có sao không?”.

“Có đau không Ngoan?”.

“Bọn tao không biết hôm nay mày về”.

“Sao mày về tối thế”.

Ngoan đã hoàn hồn trở lại khi thấy đám bạn, nhưng nó vẫn thở dốc.

“Chúng mày chơi ác quá”.

“Bọn tao không biết mày về mà…”. Thằng Chứ cố gắng phân bua. Bọn chúng đều là bạn thân của Ngoan, trước lúc nó chưa đi học xa ngày nào cũng cùng nhau xuống trường, chiều về lại đi chăn châu, đánh khăng, đánh đu hay săn chuột ranh về đun củi nướng ăn ngay dưới gốc dâu da này.
“Sao chúng mày lại đánh bẫy thế? Định dọa ai à?”.

“Bọn tao đang dọa ma “họ””.

“Họ nào thế?”.

“Mấy người làm đường ấy”.

“Làm sao lại dọa họ?”.

“Họ sắp chặt cây dâu da rồi mày ơi”.

Thì ra là sáng kiến của đám bạn. Chúng bàn nhau giăng bẫy bất cứ người nào đi qua đây vào ban tối, dọa cho họ được một phen khiếp vía rồi kiểu gì về cũng loan tin trên cây dâu da có ma, như vậy may ra người ta sẽ tha cho nó được sống, vẫn có đường mà không cần phải chặt cây.

Ngoan ôm vết đau trên trán, mặt nhăn nhó, miệng méo xệch đi vào nhà.

“Mẹ ơi, bố mẹ ơi”.

Nghe tiếng gọi thân quen của Ngoan, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm liền buông đũa chạy ra, mẹ reo lên.

“Ngoan, sao lại về giờ này hả con”.

“Con được nghỉ mấy hôm”.

Ông bà nội cũng lập bập ra đón cháu. Tay của bà run lên khi thấy trán Ngoan chảy máu.
“Giàng ơi, cháu bị làm sao thế?”.

Ngoan mếu máo kể bị ma dọa ngoài gốc cây dâu da. Ai cũng sợ tái mặt. Vậy là lời đồn đại mấy ngày nay đúng là thật rồi. Chỉ có ông nội là không tin, ông bảo:

“Làm gì có ma, chắc mày sợ quá thì ngã thôi”.

Ngoan không ăn uống gì cả, nằm lăn lộn trên giường, mồ hôi vã ra như tắm, ôm đầu nhưng lại kêu đau ở bụng. Cả nhà chẳng ai ngủ được. Bà nội khóc lóc:

“Con ma nó dọa cháu tôi sợ mất vía rồi…”. Bà quay ra trách móc ông nội.

“Ông xem thế nào đi, ai bảo cho thợ làm đường chặt cây dâu da, giờ nó ám vào cháu ông rồi”.

Ông nội vuốt mấy sợi râu lơ thơ ở cằm, khuôn mặt vô cùng đăm chiêu. Lâu nay xã phát động bài trừ mê tín, Nhà nước đã cho dân bản cái điện, trường tiểu học, giờ lại sắp có đường lớn. Ông là già bản, cũng là người đầu tiên vận động các nhà bỏ phong tục cúng ma không cần thiết, người ốm thì đưa xuống trạm xá, hoặc mua thuốc về uống là khỏi. Giờ kỹ sư làm đường đã thiết kế rồi, nhất định phải đào cây dâu da đi thì con đường mới thẳng, mới đẹp. Ông không muốn vì chuyện ma mãnh vớ vẩn mà xin các chú ấy đừng chặt cây.

“Để sáng mai xem nó có khỏi không đã”.

Câu nói của ông khiến cả nhà thêm lo lắng, nhưng Ngoan thì mừng thầm trong bụng, từ lúc về nó độc phải giả vờ đau chỗ nọ, đau chỗ kia, kêu la thảm thiết, giờ bụng đã đói meo, mắt díp lại. Nó thương cây dâu da, muốn giữ lời hứa với đám bạn nhưng mà thầy cô đã dạy có no cái bụng, ấm cái thân mới làm được việc, nó ngồi dậy, mắt vẫn giả mơ màng, giọng vẫn rên rỉ.

“Đói, đói”.

Mẹ cuống quýt chạy xuống bếp xơi đầy một bát cơm với thịt gà rang lên. Ngoan đói nên ăn một chặp hết sạch bát cơm, nó định đi tắm vì đã ngứa ngáy cả người nhưng sợ sẽ bại lộ kế hoạch. “Thôi thì để mai xin ông không cho người chặt cây dâu da thành công rồi hẵng tắm”, Ngoan nghĩ thế và lim dim mắt rồi đánh một giấc đến tận sáng hôm sau, khi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên rất cao.

Ngoan xuống bếp, chỉ có bà nội ở nhà. Bà bảo thấy nó ngủ ngon không bị ma hành nữa nên bố mẹ đã đi làm cả, còn ông nội ra ngoài suối giúp các chú cầu đường lắp ống thoát nước chuẩn bị xây cầu.

Xem ra kế hoạch ma dọa của bọn trẻ không có tác dụng với ông nội, nó cảm thấy có lỗi vì đã không hoàn thành được “nhiệm vụ”.

Ngoan chạy đi tìm đám bạn, bọn chúng tụ tập đông đủ ở cây dâu da, thấy Ngoan đến, đứa nào đứa nấy lảng đi chỗ khác, thằng Chứ nhìn Ngoan bằng ánh mắt thù hằn.
“Thằng xấu bụng”.

“Sao thế mày?”.

“Rõ ràng đêm qua mày đã hứa lên hứa xuống là làm cho ông mày tin, thế mà… xấu bụng”.
“Tao đã cố nhưng sáng dậy thì ông đi làm rồi”.

“Đấy, mày có nói gì với ông mày đâu, sáng nay ông còn đến giục các chú làm đường nhanh nhanh chặt cây dâu da đi cho khỏi vướng đường kìa”.

Bọn bạn đã không còn tin Ngoan nữa, nó có nói thế nào thì cũng chẳng vớt vát được gì.
“Chúng mày không tin tao à?”.

Nói rồi Ngoan chạy xầm xầm đến dưới gốc dâu da, hai tay ôm chặt thân cây, đầu đập liên tiếp vào đó trước những con mắt tròn xoe, kinh hãi của bọn trẻ. Máu chảy đầy trán, Ngoan la hét.
“Không tin thì gọi ông tao về, gọi ông tao về đây…”.

Chiêu đập đầu vào gốc cây của Ngoan đau nhưng hiệu nghiệm. Đám bạn sợ xanh mắt, đến cả người lớn cũng tin Ngoan bị ma của cây dâu da nhập thật, tốt nhất là không nên đi qua đó vào lúc trời tối.
Người Ngoan nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn luôn miệng kêu rét, bố phải mang mấy cái chăn bông đắp lên người nó. Bà nội sụt sùi, lầm rầm gọi vía cho cháu. Ông nội đành phải mời thầy cúng đến nhà, ông thầy bảo.

“Cái cây này là vía của bản ta, từ người chết già đến người chết trẻ hồn vía đều về ở đây, sống cùng dân bản ta đấy! Giờ chặt đi là phá mất cái nhà của người chết, như thế không được, không được…”.

Ông nội và thầy cúng mang mâm rượu thịt đầy ắp ra gốc cây dâu da “làm phép”. Chiều hôm đó Ngoan bớt sốt, sáng hôm sau bố mẹ giục nó dậy sớm còn xuống trường cho kịp học. Lúc đi ngang qua gốc cây dâu da, Ngoan bảo bố đứng chờ, lưỡng lự bước chân đến bên cạnh, khuôn mặt bần thần, tay khẽ chạm vào lớp vỏ nhẵn bóng rồi quay đi.

Hôm nay, Ngoan lại về thăm nhà, nó vui mừng thơn thớt, chân đi như nhảy múa trên lớp bê-tông mới còn nguyên màu xi-măng xanh ngắt. Chỉ một khúc cua nữa là đến đầu bản, trong lòng Ngoan bồn chồn, khấp khởi lo lắng và hy vọng. Nhưng khuôn mặt nó bỗng tái đi, trước mặt không gian thật quang đãng và xa lạ. Bản làng vẫn còn kia nhưng cây dâu da đâu rồi? Ngoan ngồi thụp xuống con đường mới thẳng tắp, trong sâu thẳm như vừa bị nhổ đi thứ gì đó để lại một khoảng trống, trống trải đến vô cùng.

LÝ A KIỀU

;
.
.
.
.
.