Nơi ấy, nhiều năm sau này đã nhà cửa, vườn tược san sát, đường đổ bê-tông sạch sẽ, có rất nhiều trang trại trù phú. Trước, vùng đất này trống trải, hoang vu. Nhà cửa lèo tèo mấy nóc và cách nhau rất xa. Những căn nhà tạm bợ, tuềnh toàng nằm heo hút giữa rẫy nương. Ngày còn thấy bóng người chứ đêm tới, heo hút mấy ngọn đèn dầu, nghe ễnh ương than thở mà nhớ một ai đó và thị thành dưới kia. Nhưng lạ thật! Bởi, tôi lại rất thích vùng đất ấy vào những năm tháng đó. Nên bất cứ khi nào có thể là đến Đắk Jơ Ta (thuộc huyện Măng Yang, tỉnh Gia Lai) và thời gian ở lại thì tùy.
Người bà con của tôi từ một miền trung du ngoài Bắc vào đấy lập nghiệp. Cả gia đình bác đều nghiện chè xanh, bảo ở ngoài quê chè được trồng ở những gò đất cao, trên các triền đồi. Phải trồng trên ba năm mới dùng được. Đã tưởng phải gầy lại cây chè, ai dè, khi phát rẫy mới hay đã có sẵn cả mấy gốc. Mừng như bắt được của quý. Bác nói người nhà quê dân Bắc như bác thì mười người nghiện nước chè hết cả mười. Thú thật, ăn uống ở rẫy kham khổ nhưng chẳng phải đói bao giờ, thêm nữa, lại có những bát chè xanh để uống suốt ngày nên thấy đời vẫn rất đẹp tươi.
Cũng công phu lắm với thứ thức uống dân dã này và có sống tại đấy, tôi mới hay. Gia đình vốn đông người nên bác phải nấu chè trong cái nồi đồng to, mang từ ngoài Bắc vào. Đích thân bác trai phụ trách việc này và bác rất cẩn thận. Phải ngắt bỏ lá già vì nếu không nước sẽ có màu thâm đen. Cũng không lặt lá non vì nước đã nhạt mà lại phí. Sau khi rửa sạch, bác vớt lá chè ra cái rổ tre to và hãy cứ để đấy đã. Rồi bác đổ nước vào cái nồi đồng nấu sôi lên, sau đấy mới vò nhẹ lá chè. Bác dặn là vò nhẹ thôi chứ không lá dập, đã hỏng màu nước mà lại hư cả vị chè. Nghe, mà tôi cứ ngỡ như bác đang chuẩn bị cho một thứ thức uống nào đấy cực kỳ sang cả và tốn kém chứ không phải là những bát chè xanh ở rẫy. Nước đang sôi mới được bỏ chè vào và nhớ để cho nước ngập mặt lá. Sôi réo thêm một, hai bận nữa thì đổ thêm mấy gáo nước lạnh vào. Lửa nấu nồi chè xanh lúc nào cũng phải giữ vừa phải.
Vẫn còn lưu giữ nơi tâm trí tôi, hình ảnh những sớm mai bác ngồi bếp lo chè uống cho cả nhà, bên cạnh là bác gái chuẩn bị cho bữa ăn sáng. Hai vợ chồng già túc tắc làm lụng bên nhau, rủ rỉ nói cười mới đầm ấm làm sao! Cảnh tượng ấy mở ra trong tâm hồn tôi những ý nghĩ tốt đẹp về cuộc sống, dù có những khoảng thời gian ở đấy, tôi đang thất tình và rất chán đời. Các con bác: dâu, rể, trai gái thức dậy là phải lo sắp xếp dụng cụ, đồ ăn cho cả ngày ở rẫy. Trước khi rời nhà, luôn ngồi xệp bên bếp làm mấy hơi thuốc lào và chờ bố hãm cho ấm chè, xách đi. Tôi chẳng hiểu sao lại kêu là hãm. Hỏi, bác cười. Chỉ thấy sau mỗi lần múc chè ra ấm, bác lại đổ vào nồi một hai gáo nước lạnh mới. Cái nồi đồng nấu chè xanh đặt luôn trên bếp với củi lửa, được dụi bớt sau khi nước đã sôi.
Hai bác đã già nên lúc cần lắm mới phải đi rẫy nương, chứ thường ngày cũng chỉ trồng trọt loanh quanh trong vườn. Thấy thế chứ cũng nhiều việc lắm. Tôi thường hay theo phụ giúp và luôn ăn sáng sau, cùng với hai bác. Cũng chỉ rổ khoai hay những trái bắp non tứa sữa, ngọt dẻo tận chân răng với lại bát chè xanh. Hẳn nhiên, chè tươi có vị chát ngọt nhưng mười hôm như chục, bát chè xanh bác nấu luôn thơm nức và nước có màu vàng đậm rất đẹp, mới thật là khéo.
Uống chè xanh có lợi cho sức khỏe và gia đình tôi vẫn dùng thức uống này, mỗi ngày, suốt chục năm nay. Ở các chợ tại đây, người ta bán cả chè Gia Lai lẫn chè Bình Định. Chè Bình Định lá nhìn đẹp, mướt nhưng lại không ngon bằng chè Gia Lai. Vì vậy, chúng tôi chỉ dùng chè xanh trồng trên đấy. Tôi mua mấy bó một lúc rồi về lặt lá, vô bì bỏ tủ lạnh để dùng dần. Cứ mỗi sáng rửa sạch một mớ, vò nhẹ rồi cho vô bình, đổ nước sôi tráng sơ và chế nước. Mùa nắng, chè mau thiu nên quá trưa lại phải đổ nước ra chai bỏ tủ lạnh. Uống lạnh được cái đã khát, nhất là khi trời đang nóng bức như thế này.
Và có được uống ly chè mát rượi mùa hè hay bát nước chè tươi bốc khói mùa đông, thì vẫn là uống chè xanh ở phố thôi mà. Khác lắm về tất cả. Không cửa nhà tềnh toàng, không màu xanh của cây lá. Không đất đỏ bazan, không nương rẫy... Có ý nghĩ chè xanh đã không còn trọn vẹn trong tôi những cảm xúc và hương vị. Như với Đắk Jơ Ta và những năm tháng nào, đã xa.
NGUYỄN MỸ NỮ