.

Bấp bênh ở vùng tái định cư

.

Nhiều ngôi nhà mới khang trang ở các khu tái định cư chưa thể giúp người sống trong đó cảm thấy yên lòng với cuộc sống đủ đầy, khi nhiều người không có công việc mang lại nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định.

Nhà cửa khang trang nhưng có đến gần 40% bà con ở khu tái định cư Bá Tùng là hộ nghèo và đặc biệt nghèo.
Nhà cửa khang trang nhưng có đến gần 40% bà con ở khu tái định cư Bá Tùng là hộ nghèo và đặc biệt nghèo.

“An cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”

Con đường từ UBND phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) về Khu tái định cư (TĐC) Bá Tùng thẳng tắp, rộng thênh thang nhưng có cảm giác nóng rát do nhà cửa vẫn chưa được lấp đầy trên các lô đất trống. Theo lời ông Ngô Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý thì khu vực này có 10 tổ dân phố, hơn 40% hộ dân trong số đó thuộc hộ nghèo và đặc biệt nghèo sống trong những ngôi nhà khang trang, lộng lẫy trong màu vôi mới. Trong những ngôi nhà đó, có rất nhiều lao động chính không tìm được việc làm ổn định, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn, tạm bợ dù thành phố đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đào tạo và tư vấn giới thiệu việc làm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên, tổ 107 Khu TĐC Bá Tùng lâm vào cảnh túng quẫn khi chồng chị, anh Huỳnh Văn Lời, không may qua đời vì bạo bệnh cách đây 2 năm. Về sinh sống tại khu TĐC này từ năm 2011, chị Kim Liên từng mang ước mơ đổi đời khi bước chân vào ngôi nhà 2 tầng với thiết kế đẹp mắt. Điều mà trước đây, ở nơi cũ, sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, quanh năm suốt tháng cùng chồng lênh đênh trên sông nước bắt con tôm con cá, chưa bao giờ chị Liên nghĩ đến. Nhưng niềm vui mới chẳng kéo dài được bao lâu thì vợ chồng chị “vỡ mộng” bởi ruộng vườn không còn, cộng 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Số tiền đền bù giải tỏa theo ngày tháng cứ vơi dần do một thời gian dài vợ chồng chị không tìm được việc làm. Từ ngày chồng mất, một mình chị bươn bả đi làm phụ hồ nhưng công việc cũng bấp bênh, nay có mai không. Lo cho tương lai đàn con, mỗi khi Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội quận tổ chức phiên giao dịch việc làm, chị đều tìm đến liên hệ nhưng đơn vị tuyển dụng nào cũng lắc đầu khi nhìn thấy người đàn bà trung niên gầy yếu.

Trong căn nhà nằm ngay góc đường Bá Giáng 14, thuộc tổ 102 Khu TĐC Bá Tùng, bà Lê Thị Thê (1950) ngồi bệt xuống nền nhà lặt mấy cọng rau lang già nua vừa hái ngoài vườn. Trong nhà tuyệt nhiên không có vật gì đáng giá. Chiếc ti-vi trắng đen phủ một lớp bụi dày, không bàn ghế, không tủ thờ, mọi thứ phơi bày ra thật tạm bợ và nhếch nhác. Một tháng 30 ngày thì có đến 20 ngày mẹ con bà ăn cơm với canh rau lang nấu trộng (nấu không có tôm, thịt). Bà kể, hơn một năm trước, mẹ con bà rời tổ 4, khu vực Khuê Đông dắt díu nhau về vùng đất mới. Không còn mảnh vườn, thửa ruộng trồng trọt cấy cày, bà đánh liều vỡ một miếng đất người ta chưa xây dựng cạnh ngôi nhà mới trồng rau lang. Quanh miếng đất, bà trồng thêm vài ba bụi sắn để phòng khi trong nhà hết gạo. Có nhà mới, nhưng cuộc sống của bà Thê như rơi vào ngõ cụt khi suốt ngày quẩn quanh chăm sóc đứa con bị tâm thần từ nhỏ, mọi sinh hoạt dồn hết vào số tiền 800.000 đồng được Nhà nước trợ cấp hằng tháng, nhiều ngày chỉ nấu 2 bữa ăn chính. Cứ thế, bà đành chấp nhận cuộc sống “an cư” nhưng chưa “lạc nghiệp” vì không thể tìm được công việc nào phù hợp với khả năng, độ tuổi và quỹ thời gian của mình.

Hòa Quý chỉ là lát cắt rất nhỏ trong bài toán việc làm cho người dân vùng TĐC trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thửa ruộng, mảnh vườn từng được xem là “cánh tay nối dài” của người nông dân, nay không còn. Cánh tay ấy cũng mất, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Ở khu TĐC, họ chẳng thể nuôi được con gà, con heo để thêm nguồn thu phụ. Đi khắp thành phố không hiếm nhìn thấy cảnh bà con nông dân vùng TĐC đi vỡ từng lô đất người ta chưa xây dựng để trồng hoa, rau màu kiếm sống. Ngày mai, những lô đất trống ấy cũng không còn, thì chắc chắn họ sẽ lại quay về cảnh thất nghiệp triền miên.

Cần một bài toán dài hơi

Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vùng TĐC được thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Không chỉ quy mô cấp thành phố, mà từng quận, phường đều có đề án, kế hoạch cho riêng mình. Đơn cử, năm 2010, UBND quận Ngũ Hành Sơn ban hành Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm đối với nông dân hộ di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn” giai đoạn 2011-2020. Thời điểm đó, quận Ngũ Hành Sơn là một trong những đơn vị có tốc độ đô thị hóa nhanh, gần 100 dự án được triển khai, trong đó có 6.043 hồ sơ thực hiện việc di dời giải tỏa, thu hồi 1.721ha đất. Sự xáo trộn trong hệ thống chính trị cộng với những thay đổi về môi trường sống, môi trường làm việc đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho chính quyền địa phương. Hơn 60% lao động chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu làm các nghề dịch vụ, lao động phổ thông, thợ nề, phụ hồ và các công việc không tên khác. Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hướng nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn UBND quận Ngũ Hành Sơn còn tăng cường thông tin về thị trường lao động việc làm, hội chợ việc làm của thành phố đến tận tổ dân phố thông qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.

Bà Lê Thị Thê chia sẻ cuộc sống khó khăn của mình từ khi chuyển về nơi ở mới.  Ảnh: T.Y
Bà Lê Thị Thê chia sẻ cuộc sống khó khăn của mình từ khi chuyển về nơi ở mới. Ảnh: T.Y

Bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội quận Ngũ Hành Sơn cho biết, từ 3 năm nay, trung bình mỗi năm quận giới thiệu từ 2.000 đến 2.500 lao động tiếp cận cơ hội việc làm, trong đó có khoảng 50% thuộc diện TĐC, mất đất sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết lao động tìm được việc làm có độ tuổi từ 20 đến 30, lao động là nông dân vùng TĐC đều không tìm được việc làm nên cuộc sống cứ ở trong vòng luẩn quẩn.

Khi đánh giá các đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời giải tỏa trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng mới tập trung vào con số “người lao động được giải quyết việc làm” hay “người lao động được đào tạo nghề” ở thời điểm đó. Chưa có những đánh giá cụ thể, chính xác bao nhiêu hộ dân, người lao động duy trì được công việc ấy sau vài năm. Ví dụ, mô hình trồng nấm từng được xem là cơ hội của người dân vùng giải tỏa nhưng khi chúng tôi về thực tế tại cơ sở, nhiều lãnh đạo xã, phường than rằng, một khóa học nghề đào tạo được 30 người thì chỉ có khoảng 20 người áp dụng sau khi học xong, qua vài ba tháng số người duy trì nghề đếm chưa hết đầu ngón tay, thu nhập cũng trồi sụt theo năng suất.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết thời gian qua đơn vị tập trung giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi nên chưa có những đánh giá cụ thể về tính hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm cho bà con nông dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, ngoài độ tuổi không còn phù hợp với việc làm ở khu công nghiệp, nhiều lao động là nông dân gặp khó khăn khi thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, trình độ văn hóa thấp, nhiều hộ ở nơi này về nơi khác TĐC khiến công tác theo dõi bị gián đoạn. Những hộ nông nghiệp, ngư nghiệp được bố trí vào ở nhà chung cư không có điều kiện hành nghề cũ. Chế độ hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đối với nông dân được đảm bảo, song đa số người dân không dùng vào đúng mục đích đầu tư sản xuất hoặc tham gia học nghề nên cơ hội tìm được việc làm ổn định rất khó.

Đến nay, sau hơn 10 năm thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời giải tỏa trên địa bàn, chi hàng chục tỷ đồng cho công tác đào tạo dạy nghề, hỗ trợ vốn ban đầu. Các trung tâm, cơ sở dạy nghề đều nhắm vào đối tượng lao động nông thôn độ tuổi từ 40 đến 55 để dạy các nghề như nội trợ, may công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí, điện lạnh, điện tử, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ... Nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thì vẫn còn đó hàng ngàn gia đình có cuộc sống bấp bênh, lâm vào cảnh nghèo khó, tạm bợ. Đây thực sự là những thách thức không nhỏ được đặt ra trong bài toán an cư, chăm lo sinh kế cho các hộ dân vùng giải tỏa.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.