.

Chiêm ngưỡng tinh hoa cổ vật

.

Nhiều nhà sưu tập đồ cổ cho rằng, chơi đồ cổ mà giấu khư khư thì hỏng cả tâm tình, hỏng cả khí tiết. Mỗi món đồ cổ càng tăng thêm giá trị nếu nhận được lời bình phẩm, tán dương của giới chuyên và không chuyên. Hiện nay, ở Đà Nẵng, ngoài Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng văn hóa Phật giáo đặt ở chùa Quán Thế Âm, chưa có nơi nào trưng bày cổ vật công khai. “Trưng ra cho thiên hạ biết” đang được nhiều nhà sưu tập ấp ủ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Bằng với bộ sưu tập tiền cổ mới “tậu” được.
Ông Nguyễn Đình Bằng với bộ sưu tập tiền cổ mới “tậu” được.

Cổ vật còn “trướng rủ, màn che”

Cách đây 20 năm, ông Trương Hoài Tuyên (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) biết đến những đồng tiền xu cổ do người dân nhiều nơi ở Quảng Nam đào được, khi ông làm nghề thu mua phế liệu. Nhưng bà con chưa biết giá trị nên nấu tiền thành đồng cục. Từ khi có nhiều người ở Hà Nội tìm đến ông hỏi mua đồ cổ và chỉ cho ông cách nhận biết tiền cổ, ông dấn thân vào việc sưu tầm tiền cổ và nhiều cổ vật có giá trị khác. Ông bảo “chơi đồ cổ giống như “ma làm”, nghe nói ở đâu có món đồ cổ mình đang quan tâm mà không tìm đến xem là không chịu được”. Có lần ông Tuyên chạy vô tới Quy Nhơn chỉ để mua một đồng tiền được vua ban thưởng có niên đại thời Tự Đức.

Đam mê, rồi cổ vật nó vận vào ông Tuyên như cái “nghiệp” lúc nào chẳng hay. Đến nay, ông có một bộ sưu tập tiền cổ khoảng 200kg làm bằng chì, kẽm, đồng được chế tác trong các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tiền chỉ dùng trong các căn cứ quân sự Mỹ ở Cam Ranh trước 1975. Cùng với đó là hàng trăm món đồ gốm sứ thuộc dòng gốm Chu Đậu, gốm thường và gốm cẩn men ngọc thời Lý, Trần, Lê; 30 chiếc đĩa gốm sứ có đề thơ thời Lê, Nguyễn; gốm Quảng Đức (Phú Yên), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Gò Sành (Quy Nhơn), Phù Lãng (Bắc Ninh); bộ sưu tập khuyên tai, hạt đá trang sức Sa Huỳnh. “Bị” đồ cổ dẫn dắt, đến nay ông Tuyên nhẩm tính mình có khoảng 3.500 cổ vật. Cái có niên đại lâu nhất khoảng 2.000 năm và ông đặc biệt chú tâm vào di sản văn hóa của Việt Nam.

Cùng với chuyện thu thập cổ vật, ông mua sách chữ Nho về tự học, cũng chỉ tập trung vào những chữ hay được in trên tiền, trên đồ gốm sứ, biết theo kiểu “vỡ lòng” là chính.

Ông bảo, bộ sưu tập của mình chủ yếu đón những vị khách là các anh em trong hội chơi cổ vật ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng có khách từ Hà Nội, Huế vô thăm chơi, ai mê quá ông mới nhượng lại một vài món đồ. Hồi Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng” năm 2012, lần đầu tiên những món đồ cổ trong tủ kính nhà ông Tuyên và 8 nhà sưu tập khác mới có cơ hội trưng bày cho người xem chiêm ngưỡng. Sau đó ông Tuyên hiến tặng cho Bảo tàng một cái chum Champa khoảng 2.000 tuổi.

Một nhà sưu tầm khác, ông Nguyễn Đình Bằng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) mới đây mua được bộ sưu tập tiền thời Bắc Tống, có niên đại cách nay chừng 600-700 năm. Những đồng tiền nằm lâu năm dưới biển, bị cát và con hà bám vào, kết dính lại thành khối. Ngoài tiền, ông còn có bộ sưu tập gốm Chu Đậu, Sa Huỳnh, Champa; đồ đồng thời Đông Sơn… Cũng như ông Tuyên, ông Bằng chỉ có thể khoe bộ sưu tập của mình với giới chơi đồ cổ ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác. Thỉnh thoảng có những người lái xe taxi, xe thồ chở khách đam mê đồ cổ đến nhà ông xin được “chiêm ngưỡng” bộ sưu tập.

Một góc bộ sưu tập gốm sứ của ông Trương Hoài Tuyên.
Một góc bộ sưu tập gốm sứ của ông Trương Hoài Tuyên.

Cổ vật cần được giới thiệu rộng rãi hơn

Năm 2012, lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng”, lựa chọn được 9 nhà sưu tập với 150 cổ vật có giá trị để trưng bày. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên vì giới sưu tập cổ vật ở Đà Nẵng thầm lặng sưu tập một lượng đồ sộ. Khi khảo sát và lựa chọn những cổ vật tiêu biểu, mới thấy có nhiều món đồ rất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, ở nhiều thời kỳ khác nhau. Nhiều anh em rất chuyên nghiệp cả về đánh giá niên đại cũng như bộ sưu tập đa dạng, và rất nhiều người đi sâu vào từng dòng cổ vật. Các anh rất tâm huyết với cổ vật, sưu tầm, gìn giữ những món đồ quý do cha ông để lại”. Như trong bộ sưu tập của ông Trương Hoài Tuyên có đến 36 đồng tiền ban thưởng (các vua, chúa thưởng cho ai có công trạng), ông Phạm Phú Khánh có những bảo vật gốm sứ độc đáo, ông Dương Thế Bình có những cổ vật độc bản…

Cuối năm 2015, Bảo tàng văn hóa Phật giáo, bảo tàng duy nhất theo dạng chuyên đề này có mặt ở Đà Nẵng. Hiện ở đây trưng bày khoảng 500 cổ vật được đánh giá là độc đáo; có nhiều cổ vật là độc bản, quý hiếm, mang tầm bảo vật quốc gia, chủ yếu là tài sản của các chùa và cá nhân một số nhà sư. Bảo tàng góp phần tạo điểm đến du lịch tâm linh trong cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn và mở cửa miễn phí đón du khách.

Qua những cuộc triển lãm mới thấy một thú chơi tao nhã của nhà sưu tập. Họ trao đổi, học tập, tìm kiếm kinh nghiệm lẫn nhau, ít coi trọng sự buôn bán. Nhưng sự giao lưu chỉ diễn ra trong giới sưu tầm. Chỉ có một số nhà báo, các chuyên gia nghiên cứu cổ vật tìm đến, lúc đó nhà sưu tập mới có cơ hội giải thích, “khoe” một chút những gì độc đáo mà mình có. Cũng chưa có mấy người có đủ điều kiện về không gian, tiền bạc để đóng riêng tủ trưng bày từng món cổ vật, có chăng chỉ là trưng dụng tủ, kệ trong nhà và sắp xếp những món đồ cổ cho ngay ngắn. Nhiều người không có điều kiện, bày luôn những món đồ trên sàn, mỗi lần bước đến khu vực này phải rất thận trọng và không phải ai trong gia đình, đặc biệt là trẻ con được phép lui tới chỗ “cấm kỵ” đó.

Ông Nguyễn Đình Bằng đang ấp ủ xây dựng một chợ đồ xưa ở Đà Nẵng, quy tụ giới chơi cổ vật để hình thành khoảng 20 gian hàng, nhằm tạo thêm một điểm đến thu hút khách du lịch, giống như chợ cổ vật ở Bangkok (Thái Lan). Chợ đồ xưa vẫn có thể tập hợp những gian hàng bán đồ mỹ nghệ hiện nay như gốm Thanh Hà (Hội An), Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chăm (Ninh Thuận)… Và các nhà sưu tập đồ cổ có nơi để trao đổi, mua bán vừa có thể mưu sinh. Đưa ý tưởng của ông Bằng đến một số nhà sưu tập đồ cổ, ai cũng đồng ý với ý tưởng này, mong muốn có một chỗ trưng bày thường xuyên và ổn định để những cổ vật thực sự sống với thời gian.

Từ năm 2014, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức thêm “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”. Năm 2015 đã có 3 phiên chợ hình thành. Thời gian 3 ngày/phiên, quy tụ trên 20 nhà sưu tập ở Đà Nẵng và Quảng Nam, đón hàng nghìn khách tham quan. Mỗi phiên chợ ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, đi theo hướng mỗi người sưu tập một loại cổ vật. Năm nay, ngoài phiên chợ dịp 30-4 vừa qua, dự kiến dịp 2-9 tới sẽ có phiên chợ lần 2. Ông Quốc Thiện cho rằng, “ban đầu chợ mang tính tự phát, khi được làm định kỳ sẽ mang tính tự giác, đi vào nền nếp để du khách có thể xem và lựa chọn mua những đồ dùng cá nhân có giá trị”. Bảo tàng Đà Nẵng hiện đã có không gian riêng để trưng bày cổ vật. Và qua các cuộc trưng bày, thông qua các nhà sưu tập, nhiều người hiến tặng những cổ vật đặc sắc cho bảo tàng. Như vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11-2014, Bảo tàng tiếp nhận 50 hiện vật. Tại triển lãm khai mạc Bảo tàng văn hóa Phật giáo, Hòa thượng Thích Minh Tông (Hà Nội) tặng cho bảo tàng 5 cổ vật có giá trị…

Nghĩ ra được những triển lãm mang tính chuyên đề và để nhà sưu tập hiến tặng hiện vật, những người làm công tác bảo tàng phải luôn trăn trở nghĩ ra cái mới, cái hấp dẫn, đây cũng là điều đau đáu của ông Quốc Thiện. Ông dự kiến vào năm 2017 sẽ tổ chức tiếp triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng” lần 2. Một tin vui là nhiều nhà sưu tập có ý định tiếp tục hiến tặng cổ vật cho bảo tàng. Như ông Trương Hoài Tuyên dự kiến sẽ tặng khoảng 200 cổ vật dùng trong gia đình từ thời Lê đến thời Nguyễn trong bộ sưu tập khoảng 1.500 cổ vật này của ông, nếu Bảo tàng Đà Nẵng sắp tới tổ chức triển lãm về những cổ vật là vật dụng sinh hoạt hằng ngày.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.