Tham gia trại hè, học kỳ quân đội, đi biển, về quê thăm gia đình kết hợp du lịch… là những trải nghiệm tuyệt vời trang bị cho trẻ kỹ năng xử lý các tình huống tốt hơn trong cuộc sống.
Điều phối viên chương trình Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà đang giới thiệu cho các em nhỏ quả cây sim mọc trên núi. Ảnh: T.Y |
Mùa gắn kết gia đình
Chị Nguyễn Thu Hà, sống tại tầng 10 tòa nhà La Paz Tower, đường Nguyễn Chí Thanh cho rằng mùa hè chính là mùa - gắn - kết gia đình, đặc biệt là những gia đình có con ở tuổi thanh, thiếu nhi. Mấy tháng con nghỉ học ở trường là chừng đó thời gian vợ chồng chị cố gắng dành cho con sự quan tâm, chưa kể việc cả hai cùng nghỉ phép đưa con về thăm ông bà hoặc cùng nhau đi du lịch. Trên cánh cửa tủ lạnh, chị Hà dán chi chít những điều cần nhớ, đôi khi rất đơn giản như: “Chiều thứ bảy dẫn Bin đi biển”, “Sáng thứ sáu chuẩn bị đồ cho Bin đi dã ngoại với lớp”… Thỉnh thoảng, chị thấy cậu con trai học lớp 3 của mình đứng trước cánh cửa tủ lạnh, đọc và cười tủm tỉm. Chị Hà nhớ, cách đây hơn một năm, lúc mở tủ lạnh, chị đã cảm động biết chừng nào khi nhìn thấy một mảnh giấy cu Bin ghi rất nắn nót “Con yêu ba mẹ, con rất thương ba mẹ”. Từ đó, góc bếp vừa là nơi chị chuẩn bị bữa cơm, vừa là nơi để chị chăm chút sợi dây gắn kết và tình yêu thương gia đình.
Sau lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008 đến nay, chương trình “Học kỳ quân đội” đã trở nên quen thuộc và nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh mỗi khi hè đến. Được xem là xu hướng mới trong huấn luyện kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội tại Việt Nam những năm gần đây, chương trình ngày một hoàn thiện về phương thức tổ chức cũng như chú trọng hơn về mặt kịch bản, nội dung phù hợp với quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Không quá kỳ vọng thời gian 15 ngày huấn luyện có thể thay đổi tâm tính một đứa trẻ. Tuy nhiên, với 3 mảng huấn luyện, đào tạo, trải nghiệm được tập trung khai thác tốt, chương trình đang từng ngày thực hiện chiến lược “bình cũ rượu mới” để thu hút học viên.
Anh Nguyễn Ngọc Toàn, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho biết đây là mùa hè thứ 2 anh đăng ký cho con trai tham gia chương trình do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức. Là một người ba rất quan tâm đến tâm sinh lý của con, anh Toàn chia sẻ rằng thời gian con đi “Học kỳ quân đội” cũng là lúc cả nhà bước vào thử thách mới, xa con để hiểu và thương con hơn. Và anh hiểu, lá thư con gửi về cho vợ chồng anh không đơn giản là viết theo yêu cầu của chương trình, mà đó là sự trải lòng với ba mẹ, nói lên những gì mình đã trải nghiệm, đã học hỏi, đã đúc rút trong những ngày rời xa vòng tay bảo bọc của gia đình.
Trải nghiệm để trưởng thành hơn
Thực tế cuộc sống cho thấy, không ít gia đình đã quá chăm chút, bảo bọc và lo lắng, dần biến trẻ thành “những chú gà công nghiệp”, sống thiếu tư duy, thụ động, không biết giải quyết vấn đề… Nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại thành phố đã không phân biệt những con vật nuôi quen thuộc. Chị Thu Hồng, nhà trên đường Hùng Vương cho biết chị rất bất ngờ khi đọc bài làm văn tả về cây chuối của học sinh: “nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh”, hay tả về con gà trống: “nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp, em rất yêu nó. Hằng ngày, em cho nó ăn. Chiều chiều, em dắt nó đi dạo mát 15 phút”. Sự tưởng tượng ngây thơ của trẻ con khiến chị Hồng giật mình và quyết định cho con về với vùng nông thôn nhiều hơn. Tại đó, chị chỉ cho con thấy những loài vật gần gũi với con người và giới thiệu một số đặc tính cơ bản của chúng.
Hơn một năm nay, Trung tâm Khai Thức thường xuyên chiêu sinh các lớp kỹ năng sống với những chương trình hữu ích dành cho học sinh cấp 1 như Em yêu voọc quê hương em, Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà, Trại hè tự lập - tự tin… Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, điều phối viên tại Khai Thức cho biết, trung tâm hướng đến đối tượng học sinh tiểu học vì đây là “độ tuổi vàng” cho giáo dục, là lứa tuổi bắt đầu hình thành nhân cách và định hướng tư duy. Kết quả học tập ở giai đoạn này không quan trọng bằng phương pháp học. Đây cũng là lứa tuổi bắt đầu tìm hiểu và hòa nhập, khả năng nhận thức và thích ứng rất nhanh, cũng là tác nhân thay đổi những suy nghĩ không đúng của người lớn về trẻ em. Theo chị Thu Thảo, một năm học bận rộn với thời khóa biểu ở trường và bài tập về nhà - chưa kể học thêm - khiến môi trường cho các em thích nghi và hòa nhập xã hội ngày càng bị thu hẹp.
Em Ngô Thị Phương Linh, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Thanh Khê nói em rất thích chương trình Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà. Ngồi trên ô-tô cùng 14 bạn nhỏ khác thẳng tiến Sơn Trà, Linh được nghe các anh, chị điều phối viên chương trình thuyết trình về thảm thực vật và đặc biệt là voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng nằm trong Sách đỏ cần bảo vệ. Giữa những cung đường đẹp ở núi rừng Sơn Trà, Linh được ngắm thành phố hay voọc chà vá chân nâu qua ống nhòm, biết thêm tên của một số loài cây, loài hoa hay lần đầu tiên thưởng thức quả mâm xôi, trái sim chín mọng khiến Linh cảm nhận được bao nhiêu điều thú vị. Chị Thu Thảo cho biết thêm, bên cạnh việc giúp các bạn nhỏ tận mắt chứng kiến sự đáng yêu của các loài linh trưởng, tuyên truyền cách bảo vệ động vật thì hành trình trên còn giúp trẻ tìm hiểu vẻ đẹp thiên nhiên, có được sự trải nghiệm để các em rèn luyện thêm kỹ năng thoát hiểm, giữ an toàn, kỹ năng dã ngoại và tinh thần đồng đội, xử lý tình huống trong rừng…
Theo khảo sát của chúng tôi, Đà Nẵng hiện có hơn 20 trung tâm, trường học chuyên mở lớp đào tạo kỹ năng sống và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Đơn cử hè năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh chương trình Học tập - trải nghiệm - sáng tạo dành cho học sinh từ 10 đến 18 tuổi; khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 7-7 và mở liên tục đến hết hè. Tham gia khóa học này, học viên có 1 tuần trải nghiệm tại Đà Nẵng và Hội An, trang bị kỹ năng sống, rèn luyện tính kỷ luật, lối sống tập thể, tham quan, thử sức sáng tạo với nghề làm gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, hát bài chòi, tuồng…
Đây cũng là lần đầu tiên ngành giáo dục Đà Nẵng cho học sinh nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Nhiều đứa trẻ tham gia các hoạt động như trại hè lính nhí, trại hè hướng đạo sinh, trại hè bóng đá mini có cơ hội tìm kiếm những “giá trị cộng thêm”, có điều kiện trang bị kỹ năng mềm, xử lý tình huống… Đó dường như là 90 ngày trải nghiệm vô cùng bổ ích và cần thiết cho hành trình phát triển, trưởng thành sau này của trẻ mà mỗi gia đình cần nắm bắt, đồng hành.
Một khảo sát gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy trẻ em đất nước Hà Lan được xếp hạng là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới với điểm số vượt trội ở 3/5 tiêu chí gồm giáo dục, hành vi và môi trường. Tại đây, trẻ em thường xuyên ăn sáng cùng gia đình, có quyền thể hiện ý kiến cá nhân, mỗi tuần có một ngày chơi với ông bà. Đặc biệt hơn, nhiều ông bố ở đất nước này cố gắng hoàn thành công việc trong tuần để dành riêng một ngày trọn vẹn cho con. Được biết Hà Lan có trên 1.200 bảo tàng và rất nhiều công viên có thiết kế khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ. Không riêng mùa hè mà rất nhiều thời điểm trong năm, các công viên đều chật kín người vui chơi. Sự đồng hành của cha mẹ trong suốt quá trình phát triển của con đã giúp trẻ em nước này có cảm xúc tích cực, năng động và được trải nghiệm nhiều hơn. |
TIỂU YẾN