Đà Nẵng cuối tuần

Du lịch toàn cầu phát triển mạnh

07:54, 17/07/2016 (GMT+7)

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, ám ảnh khủng bố hay dịch bệnh, người dân trên toàn thế giới vẫn không thể từ bỏ đam mê du lịch, thậm chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc là thị trường kinh doanh du lịch lớn nhất thế giới.
Trung Quốc là thị trường kinh doanh du lịch lớn nhất thế giới.

Báo cáo thường niên của Hiệp hội Du lịch thương mại toàn cầu (GBTA) cho biết, người dân trên toàn thế giới đã bỏ ra 1.200 tỷ USD cho du lịch trong năm 2015. Con số này tăng 5% so với năm 2014 và dự kiến sẽ lên mức 1.300 tỷ USD trong năm 2016. Trong 15 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu thì chỉ có Brazil và Nga là không tăng trưởng ở lĩnh vực này. Hiệp hội có trụ sở đóng tại Mỹ này viết rằng “Mặc dù toàn cầu còn nhiều thứ bất ổn như kinh tế suy yếu, các vụ khủng bố, vấn đề sức khỏe (dịch bệnh), nhưng có thể dự báo hết sức lạc quan về kinh doanh du lịch sẽ tăng trung bình 5,8% trong vòng 5 năm tới để đạt mốc 1.600 tỷ USD vào năm 2020”.

Trung Quốc nổi lên sáng nhất trong lĩnh vực du lịch toàn cầu khi vượt qua Mỹ để trở thành thị trường kinh doanh du lịch lớn nhất thế giới năm 2015 với số tiền lên tới 291,2 tỷ USD. Mỹ đứng thứ nhì với 289,8 tỷ USD; Đức 63,5 tỷ; Nhật Bản 62,1 tỷ và Anh 47,1 tỷ với mức tăng trưởng so với năm 2014 lần lượt Trung Quốc 11,4%, Mỹ 2,2%, Đức 9,8%, Nhật Bản 1% và Anh 8,3%. Trong khi đó, Nga có tỷ lệ tăng trưởng - 18,2% và Brazil - 4,1%. GBTA dự báo Mỹ chỉ tăng khoảng 0,9% trong năm 2016 vì Anh rút khỏi EU, cuộc bầu cử Tổng thống và kinh tế phát triển chậm lại nên tổng chi phí năm 2016 sẽ đạt khoảng 292,5 tỷ USD trước khi tăng trưởng 4,2% trong năm 2017 để đạt mức 304,9 tỷ USD.

Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ, nhưng đó không phải là tín hiệu bền vững. Do nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phát triển chậm lại nên GBTA dự báo là thị trường du lịch của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ tụt xuống là thị trường phát triển lớn thứ 5 thế giới trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, cả Ấn Độ và Indonesia sẽ tăng trưởng trung bình 2 con số trong chi tiêu du lịch ở 5 năm tới. Tác động của việc Anh rút khỏi EU cũng được đánh giá do có những biến động tài chính trong giao dịch, quy định về nhập cư có thể làm nhiều người thắt chặt kế hoạch chi tiêu cho du lịch.

Tuy nhiên, David Henstock là Phó Chủ tịch Giải pháp kinh doanh toàn cầu của Công ty Visa (công ty chuyên về công nghệ thanh toán toàn cầu có trụ sở tại Mỹ) nhận định “Kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển bởi vì thế giới ngày càng kết nối với nhau nhiều hơn. Việc chuyển sang thanh toán điện tử cũng giúp cho chuyện du lịch giảm được chi phí hơn và việc chi tiêu cũng thuận tiện hơn. Mục tiêu 1.600 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được”.

ANH THƯ (Theo Travelmarketreport)

.