“Tưởng nhớ những người bạn của tôi đã hy sinh trên chiến trường…”. Đó là những dòng đầu tiên trong tiểu thuyết Trang trại hoa hồng (Nxb Hội Nhà văn, 2015), tác giả Đỗ Kim Cuông viết như một lời đề từ, một nén nhang tưởng niệm, thắp cho những người không trở về sau chiến tranh, hoặc trở về với những chấn thương về thể xác và tinh thần, sống trong nỗi đau của thời hậu chiến.
Tiểu thuyết Trang trại hoa hồng. |
Sinh ra ở Thái Bình, nhưng suốt một thời tuổi trẻ, Đỗ Kim Cuông gắn bó với miền Trung. Năm 1968, anh gia nhập quân đội rồi vào chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên-Huế và khu Năm, đến sau ngày thống nhất đất nước, anh trở lại với giảng đường đại học, vào học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế (1976-1980), ra trường về dạy học và làm công tác văn hóa-văn nghệ tại Nha Trang, rồi ra Hà Nội.
Hiện nay là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Rời quân ngũ đã tròn 40 năm, nhưng anh vẫn còn nặng nợ với những người đã ngã xuống, là tác giả của 14 tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn viết về chiến tranh, trong đó có những tiểu thuyết tiêu biểu như Một nửa đại đội (1987), Hai người còn lại (1987), Bắc Huế (1988), Thung lũng tử thần (1990), Giáp ranh (1995), Phòng tuyến sông Bồ (2009)…
Trang trại hoa hồng là câu chuyện về người lính chiến đấu ở vùng sâu vào những năm khó khăn ác liệt sau 1968, bị thương được nhân dân cứu và nuôi giấu, chữa lành vết thương, soi đường để đưa lên núi tìm về đơn vị nhưng bị địch phục kích, lại bị thương, lần này nặng hơn, lại tiếp tục được nuôi giấu chữa thương, được con gái chủ nhà yêu thương, nên cùng nhau trốn về một thành phố khác, sống trong tình yêu ngọt ngào và đồng đội tưởng như đã chết nên làm giấy báo tử gửi về địa phương, nhưng chẳng may trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một đồng đội, là người cùng quê phát hiện, tố giác là chiêu hồi, bị bắt vào trại cải tạo… Viết về chiến tranh, nhưng khác với những tiểu thuyết trước, lần nay Đỗ Kim Cuông không nhằm miêu tả những trận đánh, sức nóng của đạn bom, mà tập trung chủ yếu vào số phận con người, với những hy sinh mất mát không gì bù đắp được.
Thông qua số phận của nhân vật trung tâm là đại đội phó Bùi Văn Đệ, tác giả nhằm khái quát diện mạo ác liệt của cả cuộc chiến tranh và sự hy sinh vô bờ của cả quân và dân trong chiến tranh. Cuộc chiến đã chi phối số phận những người lính như Hoài, ông Bậu, ông Duy, Hai Ngạn, Hai Tân, và cả những người dân thường như ông Sáu Đến, bà cụ Mít, bác Đạo, cô nữ sinh văn khoa Hương Giang hoặc thế hệ trưởng thành thời hậu chiến như Thủy Tiên, Thoa, Thơm, Vân, nhất là những người mà cơn lốc của cuộc chiến tranh đã thổi qua cuộc đời họ, níu giữ đường đời chỉ dừng lại ở tuổi đôi mươi như Thắng, Hiển, Thành, Tý Bẹp, hoặc Nam “bị bom chết mất xác”, chết nhiều đến mức “hai mươi nhăm cái tang cho một xã vùng duyên hải. Hai mươi nhăm người con của quê hương đã bỏ mình vì nước trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1968 (…), nhưng còn một trăm bốn mươi mốt gia đình của xã Đồng Tiến lo lắng hơn… (tr.87-88). Thậm chí, cái ác của chiến tranh còn cài lại, giăng bẫy, cướp đi cuộc sống người dân lành cả vào thời hậu chiến: “Tiếng lựu nạn nổ đanh váng óc. Tôi ngã soài xuống sân, nhìn thấy một đám khói bụi bốc cao dưới chân hàng rào. Lúc những người đang làm cỏ ở rẫy kế bên nghe tiếng nổ chạy sang, bà nội tôi, mẹ tôi đã nằm im bất động. Máu thấm đỏ vạt áo ngực mẹ, mặt bà nội tôi bị một mảnh lựu đạn găm vào…
Cả hai đã chết. Không một lời trăng trối”. (tr.19). Những cuộc ra đi trong chiến tranh, không hẹn ngày về. Tâm thế của người lính một thời đã khắc họa nên chân dung thế hệ “chúng tôi không chọn để được sinh ra/ nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy” (Thanh Thảo). Dường như ở đời không có sự bất tử, chỉ có sự hy sinh vì đất nước mới có thể sống mãi trong lòng những người đang sống mà thôi!
Cái trang trại hoa hồng chỉ thấp thoáng xuất hiện vào cuối tác phẩm, trong hoạt động kinh tế của Thủy Tiên, còn phần lớn tác phẩm gần 400 trang sách là không gian miền Trung, gắn liền với cuộc sống của người dân quê và cuộc chiến đấu của những người lính. Nếu vẽ một sơ đồ theo đường đời của số phận nhân vật, có thể thấy sự xuyên suốt từ đồng bằng Bắc Bộ, dọc theo các tỉnh miền Trung, lên đến Tây Nguyên và vào tận Nam Bộ, trong đó có những khúc quành, những cảnh ngộ éo le của cuộc đời, lồng trong bối cảnh của chiến tranh, với thử thách khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết, giữa thiên lương và cái ác, giữa hành vi tử tế của con người và hành động bất nhân… từ đó mà khắc họa nên chân dung người lính với tất cả những phẩm chất nhân văn và nội dung mỹ cảm của nó.
Hình tượng sóng đôi với người lính, đó là nhân dân. Ông Sáu Đến - một ấp phó, một con chiên ngoan đạo của làng Dương, nơi từng là “pháo đài bất khả xâm phạm của Việt cộng từ thời Ngô Đình Diệm”, nhưng gặp người lính Việt cộng bị thương đã dám đem cả mạng sống của bản thân và gia đình mình ra cứu giúp như là vì bản chất người của con người, chứ không vì một lý do nào khác: “Chả biết chú là người tốt hay kẻ xấu nhưng thấy chú sắp chết, tôi thương” (tr. 158). Điều này thể hiện rõ cảm quan nghệ thuật của tác giả, khi ông Sáu Đến bật ra một câu trả lời nỗi thắc mắc của người lính bị thương, như từ trong bản năng: “Là người!” (tr. 159).
Lý tưởng thẩm mỹ, cảm hứng chủ đạo của tác giả, tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm gói gọn trong hai từ đó. Đó cũng là lý do buộc anh huy động hàng mấy chục nhân vật xếp hàng vào trang sách với bao chi tiết sống động, bao tình huống bất ngờ, xuyên suốt một không gian rộng lớn và một thời gian dài với ba thế hệ trưởng thành trong một gia đình.
Là thế hệ nhà văn trưởng thành sau chiến tranh, Đỗ Kim Cuông không chạy theo các mốt thời thượng như các kiểu chủ nghĩa hiện đại/ hậu hiện đại, mà vẫn trung thành theo lối viết truyền thống, có đảo ngược, xoay chiều thời gian, nhưng căn bản vẫn là thời gian tuyến tính, được trần thuật thông qua hai nhân vật, đó là người cha - người lính Bùi Văn Đệ ở ngôi thứ ba và cô con gái Thủy Tiên ở ngôi thứ nhất. Thỉnh thoảng có chen vào những trang nhật ký của cha và mẹ mà Thủy Tiên đọc được. Vì vậy, cả nghệ thuật trần thuật và ngôn từ văn chương không tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc, mà thành công lớn nhất của Đỗ Kim Cuông ở tiểu thuyết này là ở thi pháp nhân vật, nhất là nhân vật nữ.
Bà cụ Mít tiễn đứa con độc đinh của mình vào chiến trường với lời dặn dò: “Khổ mấy cũng cố mà chịu con nhé. Đừng nghĩ dại mà đào ngũ”. Vì vậy, bà quyết sống để lặn lội tìm con, tìm sự thật để bảo vệ danh dự của gia đình, của con trai đối với Tổ quốc. Những trang viết xúc động ở tiểu thuyết này, chính là bước đường tìm con của người mẹ và cảnh gặp gỡ giữa bà Mít và ông Sáu Đến thông gia.
Tính cách mạnh mẽ hơn ở người phụ nữ thứ hai là Hương Giang, cô sinh viên văn hoa Huế, dám vượt qua mọi thử thách để đến với tình yêu. Tính cách ấy còn được tiếp tục khắc họa bổ sung ở Thủy Tiên, cô con gái được học hành tử tế, đủ bản lĩnh đứng vững trên thương trường, làm chủ trang trại và chủ động đến với tình yêu của Hoài, một người lính/ người bạn chiến đấu của cha. Dường như cả ba người phụ nữ này đều có chung một tính cách, mạnh mẽ, quyết đoán và có đủ bản lĩnh để đi đến cùng con đường mình đã chọn, chỉ có điều, họ thuộc về ba thế hệ, ba thời điểm khác nhau với những mối quan hệ xã hội khác nhau, nên sự biểu hiện của tính cách ấy cũng khác nhau.
Đọc tiểu thuyết Đỗ Kim Cuông vẫn còn có thể nhận ra nhiều nhược điểm của kiểu tiểu thuyết sự kiện, ít trau chuốt về ngôn từ, nhất là những trang miêu tả về tình yêu khô khan, lạnh lẽo như vốn cố hữu của thế hệ nhà văn trưởng thành từ chiến tranh thường lấy sự kiện nói thay cho ngôn từ.
PHẠM PHÚ PHONG