Đà Nẵng cuối tuần

Hỗ trợ giảm nghèo ở Hòa Vang

07:26, 31/07/2016 (GMT+7)

Theo Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang Trần Văn Liên, hầu hết các hộ nghèo ở Hòa Vang đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu nguồn lực vật chất và vốn, tỷ lệ người già, người tàn tật và đau ốm phải nuôi dưỡng rất cao. Phần lớn các hộ nghèo đều đông con hoặc nuôi dưỡng người phụ thuộc, già yếu, khuyết tật... hưởng chế độ hỗ trợ xã hội là chính.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền chuẩn bị mang nước uống cho công nhân sau bữa trưa. Ảnh: L.G.L
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền chuẩn bị mang nước uống cho công nhân sau bữa trưa. Ảnh: L.G.L

Sống ở nông thôn song sinh kế chủ yếu lại là làm thuê chứ không phải làm nông nghiệp. Nghịch lý này, theo ông Liên, là do giá trị sản xuất nông nghiệp của người dân Hòa Vang không cao, đất đai có nhưng vốn thì không. Huyện đang tập trung giải quyết các hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.

Đầu năm 2016, toàn huyện có 5.216 hộ nghèo, 1.186 hộ cận nghèo theo chuẩn mới của Đà Nẵng; 6 tháng đầu năm đã giảm được 500 hộ nghèo (42,3% so kế hoạch), 135 hộ cận nghèo (37,4% so kế hoạch). Đây là kết quả của Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện, được thực hiện đồng bộ theo phương pháp tiếp cận đa chiều, giúp các hộ nghèo cải thiện toàn diện cuộc sống về ăn ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh, thông tin liên lạc, phương tiện nghe nhìn... Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã giúp đỡ hộ nghèo như: Nuôi cá nước ngọt (Hòa Khương); Trồng hoa cúc, làm nấm rơm (Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Phong); Góp vốn quay vòng giúp nhau trong cuộc sống (Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Sơn…)…

Với các hộ phụ nữ đơn thân không thể tham gia các mô hình trên, huyện khảo sát thực tế và vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ cho các chị. Ví như Dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ nghèo đơn thân” do Tổ chức Chirldren of Việt Nam (COV) tài trợ, triển khai tại hai xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn với 69 hộ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, COV đã giải ngân 562,5 triệu đồng cho dự án này. Đây là mô hình được đánh giá rất hiệu quả, các hộ không chỉ được hỗ trợ một lần (như các dự án khác) mà cứ mỗi 6 tháng nhà tài trợ sẽ khảo sát thực tế một lần, nếu thấy gì cần thêm/bớt là sẽ điều chỉnh để các hộ phát triển kinh tế gia đình nhiều hơn.

COV tổ chức đi khảo sát rất kỹ, một ngày chỉ 5 hộ - chị Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn kể. 2 phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh giống nhau, nhưng qua phỏng vấn thấy ai có tâm huyết,
có khả năng tự thân vươn lên là sẽ chọn người đó vào danh sách hỗ trợ. Như chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Thạch Nham Đông, chồng chết, một mình nuôi 2 con, được COV hỗ trợ gần 20 triệu đồng, gồm vốn, bàn ghế trong nhà, bàn học, xe đạp và học bổng cho con. Chị vừa mở tủ tạp hóa, vừa nhận nấu cơm, cung cấp nước uống, card điện thoại… cho công nhân các công ty gần nhà.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, rất phấn khởi: “Qua cách làm của COV, địa phương rút ra được 2 kinh nghiệm trong hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo: đó là khảo sát chặt chẽ, tìm hiểu nhu cầu của từng hộ; sau đó giám sát quá trình sử dụng mức hỗ trợ. Họ đã nghèo, nếu mình hướng dẫn, theo dõi thì hiệu quả giảm nghèo sẽ cao hơn”.

LÊ GIA LỘC

.