Đó là Trường ĐH Massachusetts Boston, trường có Trung tâm William Joiner (WJC) đã có quan hệ gắn bó với Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam hơn 30 năm qua. Và tôi, sau mươi lần tới Boston, làm việc cùng WJC từ năm 1994 đến nay (5-2016) đã không ít lần được dự những buổi lễ phát bằng tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ rất hoành tráng của trường đại học công lập lớn nhất miền Đông nước Mỹ này. Nhưng cuộc phát bằng vào cuối tháng 5 vừa qua lại gây cho tôi một ấn tượng mới mẻ.
Hội trường buổi lễ trao bằng tốt nghiệp.Ảnh: DIỆU LINH |
Trước hết là công việc giữ an ninh cho buổi lễ được tiến hành quá nghiêm ngặt. Dĩ nhiên không ai kêu ca, vì lúc này cứ hở ra là rất dễ bị khủng bố ra tay. Giấy mời từng người được kiểm tra, các túi xách tay được máy rà quét kỹ cộng với lục soát bằng tay và bằng mắt. Chưa hết. Mỗi người còn chìa bàn tay ra: một "khuôn mộc" ấn vô mu bàn tay một dấu xanh - như chíp điện tử! Có dấu in xanh này mới có thể vô - ra khi cần. Nhưng khi trở vào thì các túi xách vẫn bị kiểm tra lại.
Ấn tượng khá mạnh với tôi là so với mươi năm về trước, số tân tiến sĩ và tân thạc sĩ da màu, kể cả các giáo sư chủ chốt của trường (những người sẽ trao bằng, khoác áo vinh danh và bắt tay chúc mừng các tân tiến sĩ), cả vị giám đốc khả kính và có tài ăn nói không kém gì ông Barack Obama, đã chiếm phần lớn hơn nhiều so với người da trắng.
Trước khi trao bằng, nhà trường mời một số nhân vật đặc biệt tới nói chuyện khoảng 15-30 phút với các tân khoa. Đó là người phụ nữ đang làm giám đốc của hãng Coca Cola tại châu Phi. Đó là vị giáo sư đã được giải thưởng Nobel Hòa bình vì hoạt động giúp rà phá bom mìn chiến tranh ở nhiều nước. Đó là người thanh niên đầu tiên của một làng quê nghèo ở Kenya được đi học và nay là một giáo sư, tiến sĩ giảng dạy xuất sắc của trường... Thật sâu sắc trong ý tưởng giáo dục các tân tiến sĩ và thạc sĩ bài học lý luận học được dù cao siêu đến mấy cũng phải trực tiếp giúp ích cho cuộc sống hiện tại của con người. Ông giám đốc nói những điều tâm huyết đó sau mỗi diễn giả, nói toát mồ hôi vẫn không dừng.
Bởi là một đại học lớn, có nhiều trường thành viên như Khoa học tự nhiên, Quản trị kinh doanh, Nghệ thuật, Sư phạm... và đào tạo cho gần như "cả thế giới" nên số thạc sĩ tốt nghiệp năm nay lên tới 1.200 người. Riêng tiến sĩ, dĩ nhiên ít hơn, chỉ có 56 người. Các tân khoa áo mão xúng xính, nhìn... ngợp cả mắt! Tiến sĩ thì áo thụng màu xanh, có 3 vạch lớn nơi tay áo, có giải tua vàng đeo từ mũ xanh, khác với thạc sĩ chỉ áo thụng đen, mũ đen. Hội trường kín mít người, dễ tới 5.000 người. Mà lạ quá, rất nhiều các tân khoa là người Trung Quốc. Thế là mình lại có dịp "múa môi" tiếng Tàu vốn đã để "rét gỉ" bấy lâu nay!
Mà, tôi nói ngay chuyện hát Quốc ca Mỹ khi bắt đầu buổi lễ ở đây. Bên nhà đang tranh cãi việc Mỹ Linh hát Quốc ca (theo cảm xúc và suy nghĩ của cô) khi đón Tổng thống Barack Obama, tôi không tham gia tranh luận. Nhưng tôi nhớ ngay chuyện này, khi một cô sinh viên nhỏ thó của trường, lại là người gốc Trung Hoa, một mình lên khán đài cầm micro hát Quốc ca Mỹ. Mấy người rành nhạc xung quanh tôi có lúc thì thầm "lạc tông rồi", nhưng khi đến đoạn cao trào, giọng cô vẫn réo lên được nên cả loạt bạn trẻ la to hoan hô. Ở Mỹ hát Quốc ca vui vẻ quá. Tôi đã nhiều lần nghe các ca sĩ chuyên nghiệp một mình hát Quốc ca Mỹ trong những dịp lễ trọng. Họ hát hay lắm. Cô sinh viên gốc Tàu xuống chỗ ngồi mà ông giám đốc còn đề nghị mọi người vỗ tay hoan hô cô lần nữa. Lại một đợt sóng vang dội.
TÔ NHUẬN VỸ (Từ Boston)