Đưa con đi học các môn năng khiếu vào dịp hè, phần lớn các bậc phụ huynh không kỳ vọng tất cả các bé sẽ phát triển thành “ngôi sao”, quan trọng hơn, họ mong các thiên thần nhỏ có thể học thêm được những kỹ năng mới, những “giá trị cộng thêm” bổ ích và cần thiết trong cuộc sống.
Các em nhỏ say sưa học thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. |
Nhu cầu học năng khiếu hè tăng cao
Ông Trần Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết, các lớp học năng khiếu hè tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng đồng loạt khai giảng từ ngày 1-6, hiện đã kín chỗ, gồm 23 bộ môn như: múa, khiêu vũ thể thao, nhảy hiện đại, thể dục nhịp điệu, vẽ, rèn chữ, thanh nhạc, cờ vua, bóng đá, bóng bàn, võ thuật… So với các năm, hè năm nay Nhà Thiếu nhi mở thêm hai môn mới là dẫn chương trình (MC) và ảo thuật. Số lượt học sinh đăng ký học năm nay lên đến 1.800 em, tăng hơn 400 em, so với hè các năm 2014, 2015… Còn so với trong năm học, số lượng học sinh tham gia và các suất học tăng hơn gấp đôi: Nếu như trong năm học, Nhà Thiếu nhi chỉ tổ chức được những suất học năng khiếu ngoài giờ hành chính, thì dịp hè tổ chức đến 6 suất (3 suất sáng, 3 suất chiều)/ngày.
Chị Đinh Thị Mỹ Hương, Chủ CLB Xuân Hương (số 259 Trường Chinh), chuyên đào tạo các môn năng khiếu cho lứa tuổi thiếu nhi, với gần 5 năm kinh nghiệm, cho biết, dịp hè số lượng học viên đăng ký bao giờ cũng tăng gấp 2, 3 lần so với trong năm học. Năm mới mở, CLB chỉ thu hút được gần 80 học viên, nhưng đến nay hơn 200. Hay lớp học vẽ tại gia của thầy Nguyễn Trường Chinh (số 38 Phan Kế Bính), dù chủ yếu nhận học viên qua người quen cũng là địa chỉ đi về quen thuộc của các em nhỏ yêu hội họa, mỗi dịp hè về.
Không chỉ tập trung tại các địa bàn trung tâm, theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu ngày càng cao của các bậc phụ huynh, các lớp học năng khiếu dưới nhiều hình thức đã có mặt ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các bé từ 4-15 tuổi, thậm chí mới 3 tuổi, bố mẹ đã cho con đi theo học lớp năng khiếu. Ngoài những môn học truyền thống như múa, nhạc, vẽ, các lớp học năng khiếu hiện nay mở rộng, giúp rèn luyện và phát huy nhiều kỹ năng quan trọng cho các bé như: nhảy hiện đại, MC, các lớp kỹ năng sống...
Lớp học năng khiếu đàn tranh miễn phí tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. Ảnh: T.T |
Phát triển khả năng và kỹ năng
“…Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/ Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…”. Tiếng hát trong trẻo vút ra từ dàn đồng ca của lớp học thanh nhạc, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng như xua tan không khí nóng nực mùa hè. Đã lâu lắm tôi mới có dịp nghe lại bài hát Nói với con (nhạc Phan Bá Chức, thơ Vũ Quần Phương) đượm sắc màu cổ tích này, nhất là qua phần trình bày say sưa, hào hứng của các “thiên thần nhỏ”, cảm giác thật thú vị. Cô giáo Nguyễn Phương Thúy, giáo viên đứng các lớp thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng hơn 4 năm nay cho biết, việc lựa chọn ca khúc cho chương trình dạy là khâu quan trọng. Như lớp chúng tôi đang xem là lớp học thanh nhạc cơ bản, dành cho các bé từ 5-7 tuổi, còn rất nhỏ nên phải chọn các ca khúc có ca từ, giai điệu, tiết tấu dễ hiểu, gần gũi với lứa tuổi các em. Nói với con là một ca khúc như thế. Theo “gửi gắm” của các bậc phụ huynh khi đem con đi học thanh nhạc hay các bộ môn năng khiếu trong dịp hè, họ không kỳ vọng con mình sẽ trở thành “ngôi sao” trong tương lai, điều quan trọng, các “thiên thần nhỏ” sẽ học thêm được những kỹ năng mới, những “giá trị cộng thêm” bổ ích và cần thiết trong cuộc sống. Vì vậy, nguyên tắc bất di bất dịch trong các lớp học của cô Thúy là tất cả các em đều được lên sân khấu, được học kỹ năng biểu diễn trước đám đông. “Nhiều em lúc đầu rất rụt rè, nhưng qua gần một tháng theo lớp đã trở nên mạnh dạn, tự tin hẳn”, cô Thúy cho biết.
Theo ông Trần Hiệp, ngoài học năng khiếu, cứ kết thúc mỗi khóa học, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng sẽ tổ chức các chuyến dã ngoại tìm hiểu các bảo tàng, di tích lịch sử trong, ngoài thành phố. Riêng năm nay, để thu hút các em nhỏ đến gần hơn với các loại hình nghệ thuật truyền thống, lần đầu Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng đã tổ chức các lớp học miễn phí đối với môn đàn tranh, đàn mandolin. Hiện lớp đàn tranh tại Nhà Thiếu nhi thu hút khá nhiều em nhỏ theo học. Cô Hồ Thị Lý, giáo viên dạy đàn tranh gần 20 năm tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết, các bạn nhỏ đã theo học các lớp đàn tranh tỏ ra rất thích thú với loại hình nhạc cụ dân tộc này, nhiều em theo học suốt 5 năm tiểu học. “Những giai điệu dân ca em theo suốt mấy năm nay, qua lớp học đàn tranh khiến em thêm yêu quê hương, đất nước. Em đã được học, được tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ, nhưng với em, đàn tranh luôn có một sức hút đặc biệt”, Bảo Nhi - một học trò môn đàn tranh 4 năm nay thổ lộ.
Học theo sở thích, không ép trẻ
Anh Huỳnh Tấn Tùng (quận Hải Châu), có con trai đang theo học môn cờ vua tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết, con anh vốn rất thích đánh cờ vua nên vừa vào hè, anh đăng ký cho cháu học lớp này. Từ khi học, các nước cờ của cháu “lên tay” nhiều. Tuy nhiên, anh Tùng thấy nhiều cha mẹ đăng ký cho con học dàn trải nhiều môn năng khiếu, lịch học dày đặc trong tuần làm các em căng thẳng, không có thời gian vui chơi. Trong khi đó, việc phát triển năng khiếu cần tập trung vào một môn cụ thể. Một số cha mẹ đăng ký học lớp năng khiếu cho con theo nhu cầu của cha mẹ, không theo sở thích của trẻ nên các cháu không hào hứng học. Có cha mẹ ép con học môn năng khiếu trong khi con không hề có năng khiếu về môn đó. Như trường hợp của chị Trúc Quỳnh (quận Sơn Trà) do thấy nhiều bạn học của con đi học piano, chị cũng cho con đi học nhưng cháu hoàn toàn không muốn học môn này và cũng không có năng khiếu. Sau vài tháng học nhưng cháu vẫn chưa đánh được bản nhạc nào hoàn chỉnh. Cuối cùng chị đành “bó tay chịu thua” và bé nhà chị phải bỏ giữa chừng.
Theo kinh nghiệm dạy vẽ hơn 20 năm của thầy Nguyễn Trường Chinh, đối với trẻ, không nên gò ép bất kỳ điều gì, đặc biệt với việc học các bộ môn nghệ thuật thì càng không. Vì vậy, các em nhỏ đến với lớp học tại gia của thầy Chinh, bao giờ cũng bắt đầu với việc “chơi với màu” sau vài tuần học, để các em tự do bộc lộ cá tính, khả năng, thầy Chinh mới đưa ra các bài học phù hợp với sở trường của từng em. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trâm, giáo viên các lớp múa tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cũng đồng quan điểm, cho rằng, múa là một bộ môn nhọc nhằn, nếu không thích, các bé không thể theo học. “Qua thời gian học, nếu bé nào không thích múa, chúng tôi sẽ định hướng và sẵn sàng để các bé chuyển lớp”, cô Trâm cho biết. Mặt khác, có một thực tế là các em theo học các môn năng khiếu nghệ thuật thường chỉ kéo dài từ 4-5 tuổi đến hết bậc tiểu học, bước qua bậc THCS, dù có khả năng đến mấy, cũng đành gác lại vì dồn sức cho các môn văn hóa. Trong khi tài năng và tình yêu đối với nghệ thuật cần được nuôi dưỡng lâu dài, liên tục. Đó là một trong những điều khiến những người tâm huyết với những tài năng trẻ trăn trở.
THANH TÂN