.

Sinh kế và cơ hội việc làm cho cộng đồng

.

Ngày 7-5-2015, Đà Nẵng chính thức khởi động quá trình xây dựng Chiến lược về Khả năng chống chịu của thành phố Đà Nẵng thuộc phạm vi “Dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu” (100 Resilience Cities – 100RC) do Quỹ Rockefeller, Hoa Kỳ, khởi xướng. Hoạt động chính của dự án nhằm hỗ trợ thành phố xây dựng bản Chiến lược về khả năng chống chịu, dự kiến được công bố vào cuối tháng 9-2016.

Đa dạng về sinh kế và cơ hội việc làm cho cộng đồng là một trong 4 “trụ cột” của Chương trình 100RC. Ảnh: V.P.Q
Đa dạng về sinh kế và cơ hội việc làm cho cộng đồng là một trong 4 “trụ cột” của Chương trình 100RC. Ảnh: V.P.Q

Tại Đà Nẵng, kết quả đánh giá sơ bộ về khả năng chống chịu của thành phố cho thấy, các “cú sốc” thiên tai gồm có bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Từ tác động của thiên tai đã nảy sinh các “áp lực” như: vấn đề nhà ở của người dân; vấn đề về sinh kế - việc làm của người dân đặc biệt ở các khu vực tái định cư, vùng chuyển đổi đô thị; vấn đề hư hỏng, xuống cấp của giao thông đô thị, cấp nước, môi trường; vấn đề sức khỏe, khả năng phục hồi của cộng đồng, doanh nghiệp sau các cú sốc thiên tai cực đoan,…

Để làm rõ các thách thức chính và xây dựng các giải pháp khả thi liên quan đến vấn đề “đa dạng về sinh kế, cơ hội việc làm cho cộng đồng”, một nhóm nghiên cứu gồm cán bộ Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Nước biển dâng thành phố Đà Nẵng (cơ quan tham mưu UBND thành phố triển khai Chương trình 100RC), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội và Sở LĐ-TB&XH thành phố đã được thành lập.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cho biết, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về thực trạng lao động và việc làm ở Đà Nẵng, tiến hành khảo sát, phỏng vấn sâu những người dân liên quan ở khu vực tái định cư, khu vực ven đô thị và nhập cư. Qua đó, nhóm phân tích các điểm mạnh/yếu, cơ hội và thách thức theo các nhóm đối tượng cũng như vai trò của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp liên quan; từ đó, thực hiện đề xuất các giải pháp bao gồm cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho các đối tượng dễ bị tổn thương trước “cú sốc” và “áp lực” có thể xảy ra đối với thành phố Đà Nẵng.

Về các giải pháp dành cho đối tượng tái định cư, ông Mai Quốc Quang, Phó trưởng phòng
LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn, trả lời phỏng vấn sâu của nhóm nghiên cứu: “Các resort ven biển, sân golf, công trình của Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trên địa bàn quận thu hút nhiều lao động, kể cả lao động lớn tuổi. Ngũ Hành Sơn đang có nhu cầu cao về lao động dịch vụ du lịch và công nghệ thông tin (phục vụ khu phức hợp FPT Complex), quận chủ trương hướng đến học nghề để phục vụ du lịch và đã kết nối được 2.000 lao động. Tuy nhiên, có khó khăn trong việc đào tạo nghề bởi đơn vị dạy nghề yêu cầu học viên phải có bằng cấp”.

Qua các đợt tham vấn cấp địa phương và các bên có liên quan, nhằm đa dạng sinh kế, việc làm của người dân thành phố, Ban chỉ đạo đã đưa ra 3 mục tiêu cụ thể, trong đó chú trọng đến các giải pháp dành cho các đối tượng tái định cư, chuyển đổi việc làm để họ có công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và điều kiện gia đình. Cùng với đó là các giải pháp, hành động ưu tiên như: đối thoại với doanh nghiệp địa phương về chính sách lao động – tiền lương, việc làm, đào tạo nghề, tổ chức cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan của quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu; tư vấn hướng nghiệp cho các đối tượng có mong muốn học nghề; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề có tính linh động cao; nhân rộng các mô hình khởi nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi (mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học, mô hình nuôi giun quế và các mô hình hữu cơ khác)…

Các giải pháp này, theo nhận định của bà Kim Hà, nếu được triển khai thì sẽ góp phần làm tăng khả năng chống chịu của thành phố trước các cú sốc thiên tai và áp lực nảy sinh, bảo đảm hoạt động phát triển kinh tế thành phố luôn có sự kết nối và tham gia của cộng đồng. Mục tiêu trước mắt là chính quyền, doanh nghiệp và người dân được kết nối, chia sẻ thông tin về cung cầu lao động - việc làm; người dân ở các khu vực dễ bị tổn thương do phát triển đô thị được quan tâm, cải thiện đời sống thông qua các kênh tiếp cận việc làm, sinh kế.

Về lâu dài, người dân “các khu vực dễ bị tổn thương” này sẽ ổn định về sinh kế, nhiều cơ hội có việc làm hơn trước bất kỳ cú sốc hay áp lực trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động.

Với cách tiếp cận của Chương trình 100RC, để hướng tới xây dựng Chiến lược về khả năng chống chịu của thành phố Đà Nẵng, Ban điều hành Chương trình 100RC đã thống nhất tổ chức nghiên cứu 4 trụ cột liên quan, gồm: (1) Cộng đồng thành phố an toàn, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng nhà ở cho cộng đồng; (2) Kinh tế thành phố năng động, trong đó chú trọng việc đa dạng về sinh kế và cơ hội việc làm cho cộng đồng; (3) Hạ tầng thành phố linh hoạt, thích ứng, hướng tới phát triển đô thị bền vững; (4) Thành phố có sự kết nối, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả của hệ thống thông tin trong quản lý thiên tai.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.