Người khuyết tật (NKT) thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho họ còn khá nhiều hạn chế, bởi nhiều người đã được đào tạo nghề một cách bài bản nhưng vẫn không tìm được việc làm.
Học được nghề làm bánh, nhưng anh Phan Xuân Hoàng chỉ có thể đứng bán bánh. |
Cơ hội “lên đời”
Trước ngôi nhà số 89 Đồng Kè, thuộc tổ 39A phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu có một xe bán các loại bánh: bánh ga-tô, bánh lồng đèn, bánh bông lan cuốn, bánh mì ngọt... sáng sáng người qua kẻ lại tấp nập. Mọi người ghé mua bánh không chỉ vì chất lượng bánh mà còn muốn chia sẻ chút ít khó khăn với anh chủ xe bánh không được “lành lặn” so với người thường.
Anh Phan Xuân Hoàng, 49 tuổi, bị di chứng bệnh bại liệt từ nhỏ nên không làm được việc gì cho đến đầu đến đũa. Mấy năm trước, chị gái gửi anh đến Trung tâm Bánh mì Hoa Mai (trực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng) ở phường Hòa Hiệp Nam để học nghề làm bánh. Ra nghề, đi làm ở đâu cũng chỉ được thời gian ngắn là... thất nghiệp. Cái chứng bệnh cũ vẫn không thôi “hành” anh.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Bánh mì Hoa Mai, cho biết: “Mình đào tạo nghề, nhưng một số anh chị có tình trạng khuyết tật nặng quá không làm nghề được nên năm ngoái phải chuyển qua chương trình hỗ trợ phương tiện sinh kế. Đã có 12 xe bán bánh được tặng cho 12 NKT ở các quận Liên Chiểu (7 người), Cẩm Lệ (4 người), Thanh Khê (1 người), nguồn kinh phí từ dự án DAI”.
Anh Hoàng là một trong 12 NKT được tặng xe bán bánh cùng các phụ kiện như đồng phục, dù, ghế, dao, khay… trị giá 6 triệu đồng. Mỗi hai ngày anh được Trung tâm Hoa Mai giao bánh một lần, mùa mưa kiếm được mỗi ngày 100 nghìn đồng, mùa hè nắng nóng bánh bán ít chạy nên thu nhập chỉ còn một nửa. Trung tâm bao tiêu sản phẩm, bánh hư được trung tâm nhận về.
Người NKT thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, nếu được hỗ trợ phương tiện sinh kế, họ sẽ đỡ vất vả hơn trong mưu sinh, ít nhất là có thể tự tin trong việc nuôi sống chính mình.
Chị Lê Thị Diễn ở thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, bị khuyết tật bàn chân trái, làm nghề may nhưng máy may sửa lên sửa xuống mấy lần không được. Đúng lúc đó, Tổ chức Children of Vietnam thông qua Hội LHPN xã đã hỗ trợ cho chị một máy may, một bàn tiếp khách, cho con chị một bàn học cùng với học bổng. Ngoài ra chị còn được chăm sóc sức khỏe, được dự các lớp tập huấn để nâng cao năng lực… Máy mới may cũng nhanh và đẹp hơn. Bà con trong xóm tới đo áo, có người nói vui: Chị Diễn bữa ni “lên đời” rồi hỉ!
Chiếc máy may mới đã giúp chị Lê Thị Diễn có được thu nhập ổn định, tạm trang trải cuộc sống. Ảnh: V.T.L |
Hiệu quả hơn với hình thức phi chính quy
Năm 2014, Hội NKT Đà Nẵng tiếp nhận dự án “Nâng cao năng lực hoạt động Hội và phát triển các cơ hội việc làm cho NKT thành phố Đà Nẵng” do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ thông qua tổ chức DAI và VNAH (lúc đó 2 tổ chức này đang hoạt động tại Đà Nẵng). Dự án có tổng kinh phí trên 500 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng dành cho hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật đơn thân đang nuôi con trong độ tuổi đi học.
Theo bà Đặng Hương Giang, Phó chủ tịch Hội NKT Đà Nẵng, qua đó, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 12 phụ nữ khuyết tật đơn thân đang nuôi con các phương tiện để sản xuất/buôn bán như: máy may, máy vắt sổ, xe nước mía, tủ đá, hàng hóa (để bán tạp hóa), dụng cụ bán đồ ăn, hàng hóa và dụng cụ để bán chè... Với mỗi suất từ 5 - 8 triệu đồng, hầu hết các chị sử dụng các trang thiết bị có hiệu quả, tạo ra thu nhập cho bản thân, góp phần cải thiện đời sống.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thu Hương ở tổ 3B phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, được hỗ trợ bàn ghế, xoong nồi, dù che, nguyên vật liệu.., chị mở quán bán bánh căn. Mỗi sáng chị lãi bình quân 100 nghìn đồng, chiều có lúc bán thêm xu xoa hoặc làm thêm để tăng thu nhập; khoản tiền này giúp chị đảm bảo đời sống cho 2 mẹ con và học phí cho con.
Việc hỗ trợ sinh kế cho NKT không chỉ các cơ quan/đơn vị thực hiện, theo bà Giang, mà cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp nào vì đặc thù kinh doanh của mình mà không nhận NKT vào làm được thì có thể đỡ đầu hỗ trợ sinh kế cho NKT. Nếu vậy, Hội sẵn sàng đứng ra phối hợp với doanh nghiệp trong việc tìm kiếm NKT phù hợp, theo dõi sau khi hỗ trợ. Việc làm này cũng là cách doanh nghiệp thực hiện một phần trách nhiệm xã hội của mình” - bà Giang bày tỏ.
Thời gian qua, Dự án Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp NKT tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2015 đã mở nhiều lớp đào tạo nghề bài bản trong hệ thống chính quy nhằm hỗ trợ sinh kế cho NKT. Tuy nhiên, các lớp này không mấy hiệu quả bởi ít người tham gia vì đi lại khó khăn, trang thiết bị đào tạo nghề chưa phù hợp, cơ sở dạy nghề ở xa so với nơi cư trú của NKT.
Để tiếp tục duy trì và đảm bảo tính bền vững các hoạt động của Dự án, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết, Sở đã đề nghị UBND thành phố có thư kêu gọi Tổ chức USAID (đơn vị tài trợ dự án) tiếp tục hỗ trợ cho Đà Nẵng một số hoạt động trực tiếp cho NKT. Trong đó, chú trọng các hỗ trợ mang tính bền vững như hỗ trợ sinh kế tự tạo việc làm tại chỗ, đào tạo nghề kết hợp giải quyết việc làm cho NKT theo hình thức phi chính quy, hỗ trợ vốn vay, giúp NKT phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng bền vững…
Dự án Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp NKT tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn Dự án đã hỗ trợ khám sàng lọc, vật lý trị liệu, cấp xe lăn, chân tay giả, phẫu thuật chỉnh hình cho 2.186 NKT; Hỗ trợ, vận động trẻ đến lớp, cấp học bổng cho gần 1.000 trẻ; đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, cải thiện nhà ở, vay vốn cho gần 600 người khuyết tật (nhà ở: 87 người; đào tạo nghề, sinh kế/giải quyết việc làm: 408 người; vay vốn: 57 người)… Nguồn: Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ