.

Tên tôi không phải "Người tị nạn"

.

Cuốn truyện tranh dành cho trẻ em “My name is not refugee” (Tạm dịch: “Tên tôi không phải Người tị nạn) về cuộc sống của trẻ em trong trại tỵ nạn, đoạt giải V&A Illustration Award (Giải thưởng Minh họa V&A) năm 2016. Họa sĩ Kate Milner, tác giả cho biết, cuốn sách muốn thông tin về những đứa trẻ đang có đời sống ấm cúng, an vui lại phải suy tính những gì sẽ xảy đến khi phải rời bỏ quê nhà để bước vào cuộc hành trình vô định.

“Chúng tôi sẽ nghe những từ chúng tôi không hiểu”,  ghi trên tranh minh họa
“Chúng tôi sẽ nghe những từ chúng tôi không hiểu”, ghi trên tranh minh họa

Hình ảnh minh họa từ một cuốn truyện tranh về những trải nghiệm của một cậu bé khi trở thành người tị nạn. Chủ đề về một người mẹ nói với đứa con trai nhỏ của mình những gì sẽ đến như thế nào khi họ bắt đầu một cuộc hành trình dài đến nước khác. Câu chuyện được tường thuật cố tình tránh các vấn đề chính trị lớn và các trải nghiệm tồi tệ mà những người tị nạn phải chịu đựng. Thay vào đó, cốt truyện cố gắng thể hiện những gì sẽ gặp khi một người muốn rời khỏi đất nước của mình để đến với một nền văn hóa khác nhau, có ngôn ngữ khác nhau. Kết thúc câu chuyện khá lạc quan: Cậu bé tháo bỏ những gì đã mang theo từ quê nhà và bắt đầu sống hòa đồng, hiểu ngôn ngữ, kết bạn với trẻ em từ nơi ở mới.

Bìa cuốn “Tên tôi không phải Người tị nạn của Kate Milner
Bìa cuốn “Tên tôi không phải Người tị nạn của Kate Milner

Phát biểu với tờ Independent về mối quan hệ mẹ - con trong cuốn sách, Kate Milner cho biết: “Bà mẹ trao cho người con trai một cái nhìn tích cực, giống như tất cả chúng ta sẽ làm với những đứa trẻ của mình. Bà mẹ đã nói với con mọi thứ con gặp ở đây, có lẽ, sẽ có một chút nhàm chán - ngay cả một chút đáng sợ - nhưng, miễn là mọi người giữ lấy tay của nhau, họ sẽ ổn và cuối cùng, họ sẽ đạt đến một nơi mà họ có thể cảm thấy bình an vô sự, tương tự như sự an vui đã trót mất ở quê nhà.

Một đoạn trích từ cuốn sách nêu rõ, vì lợi ích của con trai, người mẹ cố gắng đưa sự lạc quan, tích cực về cuộc sống của người ly hương. Ở đây, không hẳn chỉ có sự đói khát, kiệt sức, sợ hãi mà nên tìm thấy nơi chốn tị nạn này một kinh nghiệm thực tế. Cũng là bậc cha mẹ, trong suốt thời gian thực hiện cuốn sách, Milner đồng cảm với các bà mẹ vì cô có thể hình dung các bà mẹ phải làm thế nào để chăm sóc miếng ăn giấc ngủ con cái của họ và thường xuyên truyền đạt cho con sự ấm áp, nhiệt tình. Milner cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt bài trên BBC Radio 4 về một gia đình từ Syria mong mỏi đến Đức. Cô thực sự hiểu rằng ước mơ đơn giản của các bà mẹ tị nạn là mong muốn nấu được bữa cơm đầy đủ hương vị gia đình, một bữa ăn ấm cúng, trọn vẹn, không chỉ có những lát khoai tây ngày này qua ngày khác. “Khi bạn xa lìa quê hương, bạn phải mang theo thứ gì? Tôi nghĩ rằng đó là sự tưởng tượng sáng tạo và sự cảm thông lẫn với sự chịu đựng… có thể bạn sẽ làm quen với trường hợp, hằng đêm phải ngủ trên đường sắt xe lửa hay tự tìm lấy chỗ đánh răng, rửa mặt hay thay áo quần mỗi ngày”, Milner nói.

Cô bé Syrian, Zubaida Faisal, 10 tuổi, nhảy dây trong khi những đứa trẻ khác chơi gần lều của họ tại một khu định cư không chính thức gần biên giới Syria ở ngoại ô Mafraq, Jordan, ngày 19-7-2015.
Cô bé Syrian, Zubaida Faisal, 10 tuổi, nhảy dây trong khi những đứa trẻ khác chơi gần lều của họ tại một khu định cư không chính thức gần biên giới Syria ở ngoại ô Mafraq, Jordan, ngày 19-7-2015.

Trước đây, báo Time trong bài viết “Tuổi thơ không tồn tại” đã phản ánh cuộc sống của trẻ em sống trong các trại tị nạn đầy bụi gần biên giới Jordan-Syria. Các em tự châm ngòi niềm vui. Các em lấp kín ngày dài  bằng cách chơi nhảy dây, chuyền đá bằng xô nước, trí tưởng hoạt động thường xuyên trên các trò chơi để tìm lại tuổi thơ đã mất vì chiến tranh. Hầu hết các em nhỏ theo gia đình chạy trốn cuộc nội chiến Syria, tìm kiếm sự an toàn bên kia biên giới ở Mafraq, phía đông bắc Jordan. Nhưng sau bốn năm, cuộc xung đột vẫn còn hoành hành nên nhiều trẻ em chưa bao giờ biết đến một cuộc sống bên ngoài trại tị nạn.

Họa sĩ Kate Milner nói về hy vọng của mình khi mong cuốn sách sẽ được sử dụng trong các lớp học để giáo dục trẻ em về cuộc khủng hoảng tị nạn, chủ yếu là nhằm vào trẻ em ở các nước châu Âu, những cháu bé  có thể gặp một đứa trẻ tị nạn ở trường của họ hoặc trên đường phố.

Họa sĩ Kate Milner ( trái) nhận giải thưởng V&A’s Illustration Awards 2016.
Họa sĩ Kate Milner ( trái) nhận giải thưởng V&A’s Illustration Awards 2016.

Qua truyện tranh “Tên tôi không phải Người tị nạn”, họa sĩ Kate Milner muốn gửi gắm thông điệp của chính mình: Một đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ, cho dù họ bắt đầu cuộc sống của họ ở Syria hoặc Anh, Libya hay Đức. Các em nhỏ lạc quan, tràn đầy năng lượng, cởi mở, và vì lý do gì chúng bị đưa đến nơi chốn bừa bộn, bẩn thỉu nhếch nhác như thế này, điều đó chắc chắn không phải là lỗi của các em.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.