.

Thật, giả khó lường

.

Là mặt hàng hiếm, rất khó định giá nên bên cạnh thú vui tao nhã, người chơi đồ cổ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro như mua phải sản phẩm giả cổ hoặc giá thành bị đẩy “lên trời” cho một món hàng không ưng ý.

Được bày biện trong không gian chật chội nên việc đồ cổ đổ, vỡ thường xuyên xảy ra tại nhà anh Sang.  Ảnh: T.Y
Được bày biện trong không gian chật chội nên việc đồ cổ đổ, vỡ thường xuyên xảy ra tại nhà anh Sang. Ảnh: T.Y

1. Thú chơi này muôn phần khắc nghiệt nhưng thiêu đốt ngọn lửa đam mê của những ai trót đắm mình trong thế giới cổ vật. Họ xem đó là hành trình “chinh phục” những vật phẩm thấm đẫm nét văn hóa trong lịch sử phát triển của loài người. Không một ai trong nghề dám vỗ ngực bảo mình chưa từng trả một khoản “học phí” trong quá trình mua đi, bán lại. Bởi hàng giả cổ bây giờ được chế tác tinh vi, nếu vội vàng, không quan sát kỹ thì người sưu tầm cổ vật rất dễ bị “dính bẫy lừa”. Chưa kể, đồ cổ cũng là món hàng đặc biệt, đã mua không được trả lại, không phiếu bảo hành, không khuyến mãi và không ít người tan gia bại sản hoặc ôm về mình những món hàng không còn giá trị.  

Anh Hồ Anh Tuấn (Đà Nẵng), chủ nhân của hơn 2.000 cổ vật Chămpa khẳng định 10 năm trở lại đây, 99% sản phẩm được cho là “cổ vật Chămpa” trôi nổi trên thị trường là giả. Giới buôn bán thường đánh lừa người mua bằng cách nhập hàng từ Indonesia hay sử dụng đồ Khơme giả Chăm.

Từng bỏ ra hàng chục lượng vàng chỉ để mua về cặp khuyên tai Chăm cổ nhưng Anh Tuấn không bạ đâu mua đấy mà tự đặt ra nguyên tắc cho riêng mình. Những cổ vật Chăm anh sưu tầm được phần lớn mua từ người dân cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, thị trường đồ cổ Chăm chưa được chú ý nên giá thành rất rẻ, ít ai có suy nghĩ làm giả mặt hàng này nên việc anh mua được hàng thật là điều không khó. Là chủ nhân của những bộ sưu tập liên hoàn, từ trang sức phụ nữ đến vật phẩm trang trí, thờ cúng của người Chăm, Hồ Anh Tuấn từng mở nhà hàng, văn phòng luật sư cũng như bỏ ra số tiền bao năm ky cóp, dấn thân vào cuộc chơi không kém phần may-rủi nhưng đầy ma lực hấp dẫn này.

2. Nhiều người chơi đồ cổ thuộc nằm lòng câu nói “re thì rẻ, bể thì bỏ”. Đại ý nói mặt hàng cổ chỉ cần xuất hiện một vết nứt thì giá thành “giảm không phanh”, thậm chí cho không cũng không ai lấy. Tương tự, có người phải bươn bả một chuyến đi xa hàng trăm cây số để mua về một bình gốm quý nhưng không may nhỡ tay làm bể thì coi như mọi công sức, tiền bạc đều “đi tong”.

Anh Nguyễn Đức Sang (1978) ở tổ 62 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết do không gian nhà ở chật chội, hai con còn nhỏ, đồ cổ xưa bày biện chật cả lối đi nên việc đổ, vỡ thường xuyên xảy ra. Mặt khác, công việc sưu tầm hay buôn bán đồ cổ phải đánh đổi rất nhiều. Có món đồ anh mua 300.000 đồng về bán được 30  triệu đồng nhưng cũng có món đồ mua về tiền triệu nhưng khi bán lại chỉ vài chục ngàn đồng. Cũng không hiếm người, mua về món hàng tiền tỷ, khư khư cất giữ không mang ra cho người khác chiêm ngưỡng, sau một thời gian mới vỡ lẽ đây chỉ là món hàng giả cổ, không có giá trị. Thế nên, một lần mua phải hàng giả cổ là một lần rút ra bài học kinh nghiệm xương máu. Bởi đó không đơn thuần là câu chuyện mất tiền, mất công sức đi lại, mà còn chứng tỏ khả năng thẩm định đồ cổ của người mua có - vấn - đề, hoặc người mua quá chủ quan trong quá trình giao dịch nên họ cảm thấy xấu hổ, ít chia sẻ về điều đó. Đối với mặt hàng gốm sứ, anh Sang đưa ra khuyến cáo cần phải dựa vào mô-típ, họa tiết, hình dáng, hoa văn và sự lên men của gốm. Cũng như nhiều nhà sưu tập đồ cổ khác ở Đà Nẵng, anh Sang không đủ tài lực để chơi đồ cổ mà chọn hình thức “mua 10, bán 7, còn 3”, để lại những món hàng ưa thích cho bản thân mình.

3. Hiện nay, bất cứ sản phẩm gì cũng có thể trao đổi, mua bán trực tuyến trên mạng Internet. Đồ cổ cũng vậy. Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ cho biết, từ khi thế giới mạng vào cuộc, họ ít bị mua “hớ” bởi khi rao bán công khai, món hàng được nhiều con mắt thẩm định nên người bán khó “nói thách”. Tuy nhiên, cũng tại diễn đàn này, không ít người đã mắc phải cú lừa ngoạn mục khi mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Nhiều mặt hàng giả cổ hiện nay được chế tác rất tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó nhận thấy. Thủ thuật của giới làm đồ giả cổ là gom nguyên liệu thật từ mảnh vỡ được đào lên từ những cuộc khai quật rồi mang về nghiền thành bột mịn, sau đó cho vào khuôn đúc hoặc cho vào máy ép thủy lực được thiết kế phôi sẵn, cộng thêm vài kỹ thuật chế tác, “trang trí” lớp men hoặc chôn sản phẩm xuống bùn ẩm một vài năm để tạo vỏ bọc thời gian. Bằng cách đó, nhiều người mê đồ cổ đã bị lừa mua phải hàng-giả-cổ-nhưng-y-như-thật này.  

Một nhà sưu tập (xin giấu tên) ở Đà Nẵng cho biết cách đây 7 năm, bản thân ông từng mua về một bình gốm cổ thời Lý với giá hơn 9 triệu đồng vì tự tin vào khả năng thẩm định sản phẩm của mình. Là người cẩn thận, khi thấy mặt hàng này được rao bán trên mạng, ông không kích chuột đặt mua ngay mà vào tận Sài Gòn để tận mắt “mục sở thị” chiếc bình gốm này. Sau khi chắc chắn đó-là-hàng-thật ông mới trao tiền rồi ra máy bay về lại Đà Nẵng, lòng khấp khởi vui vì nghĩ mua được giá hời. Tuy nhiên, trong một lần mang bình gốm ra “giao lưu”, ông mới tá hỏa khi nhiều người sành cổ vật khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng bình gốm của ông là giả. “Khi mua, tôi đã săm soi rất kỹ, từ nốt gỉ sắt, nước men đến vết tạp chất của bình gốm mà vẫn mua phải hàng giả. Đến nay, đó vẫn là bài học đắt giá cho tôi trong hành trình chinh phục những mặt hàng quý hiếm này”, ông nói.

Do việc mua bán trực tuyến mặt hàng cổ mang nhiều rủi ro tiềm ẩn nên không mấy người chọn hình thức giao dịch này. Anh Nguyễn Đức Sang có thâm niên gần 15 năm sưu tầm, mua bán đồ cổ, đồ xưa, có trong tay hàng chục cổ vật giá trị niên đại đời nhà Nguyễn hay nhà Thanh (Trung Quốc). Tuy nhiên, chỉ đôi lần anh chọn mua hàng qua mạng vì lo ngại tính rủi ro của nó. Anh chia sẻ, có lần đặt mua một bình gốm thời Nguyễn trên mạng nhưng khi lấy về thì sản phẩm thật khác xa với hình ảnh được giới thiệu trước đó nên rất ấm ức. Theo anh, với mặt hàng này, nếu không thận trọng thì ai nhìn nhầm người ấy chịu thiệt. Do đó, ngoài kinh nghiệm và kiến thức về hàng hóa, cần phải mắt thấy, tay sờ, tai nghe âm thanh phát ra từ chúng mới hy vọng không mua phải hàng giả cổ. Ngoài ra do tính chất thuận mua vừa bán, nên nếu không may mua phải hàng giả thì người mua cũng không biết kêu ai.  

4. Ở Đà Nẵng, tầm 15 giờ đến 18 giờ, tại quán cà-phê Phố Đà thành số 1 Võ Văn Tần có hàng chục người có nhu cầu trao đổi, giao dịch mặt hàng đồ cổ, đồ xưa tụ tập. Nhiều người trong số họ là lái buôn. Ở những không gian mang tính giao dịch, thẩm định tập thể như thế này, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, với những khách hàng thường xuyên đến đây, kiến thức về đồ cổ cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, những mặt hàng được giao dịch ở quán cà-phê Phố Đà thành thường có giá trị tài sản không lớn, từ vài trăm đến vài triệu đồng. Bởi, những món hàng có giá trị lớn thường được giao dịch mua bán ở nơi riêng tư, kín kẽ hơn để tránh ánh mắt dòm ngó của bọn tội phạm chuyên trộm cắp cổ vật.

Theo ý kiến của nhiều người, quán cà-phê Phố Đà thành là địa chỉ giao dịch tạm bợ và chưa chính thống. Nếu như ở Hà Nội có chợ phiên Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn có quán cà-phê Cao Minh chuyên tổ chức những buổi giới thiệu, trưng bày, giao lưu đồ cổ thì ở Đà Nẵng vẫn chưa có một địa điểm nào như vậy.

Ngoài thú chơi tao nhã, thì săn tìm đồ cổ để mua đi, bán lại cũng là một nghề mưu sinh. Nhờ họ, theo thời gian, những món đồ quý hiếm không bị lãng quên mà được tìm thấy và được nâng niu, gìn giữ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.