.

Tiền nào của nấy

.

Mỗi khi muốn “xách ba-lô lên và đi” đâu đó, một trong những điều quan tâm hàng đầu là chọn một trong ba phương tiện: máy bay, ô-tô hay tàu hỏa? Dù đi bằng gì thì cũng không ngoài nguyên tắc gần như bất di bất dịch: tiền nào của nấy.

Muốn đi đâu, cứ lên thẳng bến xe. TRONG ẢNH: Một góc Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.
Muốn đi đâu, cứ lên thẳng bến xe. TRONG ẢNH: Một góc Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống

Anh Kevin Le, giám đốc một doanh nghiệp, do yêu cầu công việc phải thường xuyên dịch chuyển từ Đà Nẵng đến các tỉnh, thành khác. Đi máy bay, tùy công việc mà anh chọn giá rẻ hay giá thường (anh gọi là hàng không truyền thống). So với giá thường, hàng không giá rẻ có dịch vụ kém hơn, tỷ lệ trễ chuyến/đổi chuyến cao hơn. Trong cùng một chuyến bay cũng có hai loại vé giá rẻ và vé giá thường, do đó cho dù vé thường của hàng không giá rẻ thì cũng không thoát được nạn trễ máy bay.

Vé thường, khi đổi vé cùng hạng sẽ không mất phí, hoàn vé sẽ mất phí ít hơn, nếu không sử dụng thì vé vẫn có thể dùng được trong 1 năm. Vé rẻ thì hoàn/đổi vé phải tốn phí cao, nếu không sử dụng thì coi như... cho không vé cho hãng hàng không! Khi sử dụng hàng không giá rẻ thì coi như đã chấp nhận rủi ro trễ chuyến/đổi chuyến cao hơn, nên cách tốt nhất để tránh “mua bực vào mình” là sử dụng hàng không truyền thống.

Kinh nghiệm của anh khi đi máy bay, trước hết phải xác định mục đích công việc, lộ trình, kinh phí. Sau đó vào trang thông tin điện tử của các hãng hàng không kiểm tra lộ trình bay trong cùng 1 ngày và so sánh giá vé giữa các hãng này. Nếu muốn tìm giá rẻ thì ưu tiên chọn Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air, Jetstar bởi vì trong hàng không truyền thống (VNA) vẫn có giá vé rẻ, có khi còn rẻ hơn giá vé của hàng không giá rẻ nữa là đằng khác.

Nếu chọn hàng không giá rẻ thì nên chú ý các mục chi phí về hành lý, chỗ ngồi, bảo hiểm; nếu không sử dụng các mục này thì có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền. Ví như Đà Nẵng đi TP. Hồ Chí Minh bằng máy bay hãng Vietjet Air, nếu không gửi hành lý (tối đa 20kg) thì không mất 150.000 đồng, không chọn chỗ ngồi đỡ mất 30.000 đồng, không mua bảo hiểm khỏi mất 55.000 đồng.

Tuần rồi, đưa một nhóm du khách Hàn Quốc bay đi TP. Hồ Chí Minh, Kevin Le chọn mua giá thường, bởi với họ, giá cả không phải là vấn đề lớn. Thêm nữa, để được thoải mái, anh đặt vé đi các chuyến bay sớm, bởi các chuyến bay đầu ngày thường có rủi ro trễ chuyến thấp hơn vì máy bay sẽ được điều phối đi nhiều tuyến trong ngày, nếu một tuyến có sự cố sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến những tuyến còn lại.

Đi du lịch bằng đường hàng không vẫn được nhiều người lựa chọn. Ảnh: V.T.L
Đi du lịch bằng đường hàng không vẫn được nhiều người lựa chọn. Ảnh: V.T.L

Hàng hóa “biết nói”

Ông Huỳnh Kim Rin, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cho biết: Hiện có trên 130 hãng xe, nhà xe lớn nhỏ thường ngày qua lại ở Bến xe Trung tâm. Thời bao cấp xin - cho đã qua, bến xe giờ như một người bán hàng, bán cái gì khách cần chứ không phải bán cái gì mình có. Vì thế, khách đến đây sẽ được phục vụ tận tình cùng với nụ cười “khuyến mãi”.

Khách đi theo đoàn sẽ được nhân viên của bến xe tư vấn mua vé tập thể để được ưu đãi, còn mua hãng nào là tùy họ lựa chọn. Ví như Đà Nẵng đi Nha Trang có hai hãng xe Phương Trang và Quang Hạnh, cả hai đều đưa ra những tiêu chí phục vụ hành khách trong cạnh tranh lành mạnh. Ông Rin ví von: Cân bán 4 trái táo, sau thêm vào 1 trái nữa, khách sẽ thấy mình được; trái lại, cân 6 trái mà lấy ra 1 trái là khách cảm thấy mình bị mất, mặc dù hai kết quả như nhau. Trong thực tế, có hãng xe biết trước sắp có đợt giảm giá xăng dầu bèn nhanh chóng giảm giá vé và hút khách ngay tức thì.

Chị Mai Hạnh, một du khách chờ mua vé về lại Đăk Lăk, từng vì ham rẻ mà đi xe giường nằm của các nhà xe “trời ơi”. Xe chỉ được chở 41 người tính cả ghế tài xế, nhưng nhồi nhét, lắp thêm ván dọc theo các lối đi để nâng thêm cả chục giường. Từ đó, đi đâu chị cũng chọn các hãng xe uy tín như Hoàng Long, Mai Linh, Phương Trang, Quang Hạnh,… các hãng xe này tuy có giá cao hơn chút, nhưng tiền nào của nấy, họ không rước khách bừa bãi, không sang xe. Muốn đi đâu, đừng đón xe dọc đường mà cứ lên thẳng bến xe, dù vé có mắc thêm vài chục ngàn đồng cũng khỏe hơn là bị nhồi nhét, bị hành ra bã suốt chuyến đi.

Ông Rin nói một câu rất chí lý: “Trong vận tải, hành khách là “hàng hóa biết nói”. Thời buổi cạnh tranh, chỉ những hãng xe nào uy tín, thực tâm phục vụ khách hàng, thường xuyên nâng cấp chất lượng phương tiện thì mới tồn tại với thời gian và luôn được “hàng hóa biết nói” nhắc đến. Hành khách khi chọn đi lại bằng ô-tô hãy cân nhắc, đừng vì ham rẻ trước mắt mà đi các xe không có thương hiệu, coi chừng “một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”.

Vi vu đường tàu

Ngoài máy bay, ô-tô thì tàu hỏa là phương tiện được nhiều người lựa chọn để thực hiện những chuyến du lịch. Kinh nghiệm của anh Phan Đức Chính (ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), để có một chuyến tàu thực sự thoải mái, cũng phải để ý từng chi tiết một. Như việc chọn một chỗ ngồi ưng ý để có thể dễ dàng thưởng ngoạn cảnh đẹp trên đường, muốn vậy phải đặt vé tàu càng sớm càng tốt. Để được thoải mái, đừng tiếc tiền. Tiền nào của nấy: bình dân có ghế cứng không có máy lạnh, ghế cứng có máy lạnh, cao cấp hơn là ghế mềm có máy lạnh, giường mềm có máy lạnh. Nếu đi dài ngày, để tiện lợi và thoải mái, nên cân nhắc đến việc chọn giường nằm.

Ngoài ra, đi du lịch bằng tàu hỏa thì hành lý càng gọn nhẹ càng tốt, anh Chính khuyên. Thêm nữa, để có một chuyến “vi vu đường tàu” thoải mái nhất có thể, cũng nên mang theo những món ăn mình khoái khẩu. Bởi khác với tàu hỏa tại các nước khác, tàu hỏa ở Việt Nam chỉ phục vụ các món ăn toàn đồ khô, bao gồm mì gói, bánh phồng tôm đôi khi có cả sữa hộp, sữa đậu nành nấu, và cả súp.

Với Kevin Le, do tuyến Đà Nẵng – Quảng Trị chưa có đường bay nên anh chọn đi tàu hỏa. Đi trên tuyến đường sắt này dù có chậm hơn, nhưng so với ô-tô, lại an toàn hơn rất nhiều; so với máy bay, ô-tô lại thoải mái hơn vì có thể đi lại được, có nhiều lựa chọn ghế ngồi, giường nằm. Tình trạng trễ tàu hiện cũng giảm nhiều, thủ tục mua vé qua mạng rất tiện lợi.

Khi được hỏi giá như Đà Nẵng - Quảng Trị có tuyến bay thì có còn chọn tàu hỏa nữa không, anh bảo, lúc đó, nếu không bị trễ thì tổng thời gian nhanh nhất từ khi làm thủ tục, bay và đáp từ Đà Nẵng đi Quảng Trị mất khoảng 1 giờ đến 1,5 giờ - nhanh hơn đi bằng ô-tô (mất khoảng 3 giờ đến 3,5 giờ) và tàu hỏa (mất khoảng 4 giờ đến 5 giờ. Do đó, nếu xét về thời gian thì anh sẽ chọn đi máy bay, nhưng nếu xét về chi phí thì vẫn sẽ chọn đi tàu, tiền nào của nấy mà.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.