.

Tổ quốc và bầu trời

.

Tôi nhớ có một bộ phim Liên Xô về chiến tranh thế giới thứ hai khá xúc động: “Khi đàn sếu bay qua”. Ví những chiến sĩ hồng quân hy sinh giống như đàn sếu vẫn đập cánh giữa bầu trời tự do; vẫn sống trong ánh mắt dõi theo của bao người thân trên mặt đất. Và nhà văn Bảo Ninh - tác giả của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” nổi tiếng cũng đã từng có truyện ngắn khá ám ảnh về một bà mẹ khi bay từ Bắc vào Nam qua địa phận cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã bất ngờ bày ra bàn thờ và châm lửa đốt nhang khiến cho kíp bay và hành khách hốt hoảng. Thì ra ở địa danh này đứa con thân yêu nhất của mẹ là một phi công đã hy sinh trong trận không chiến với máy bay Mỹ. Anh với chiếc máy bay như một quả tên lửa đâm thẳng vào máy bay của địch và tan thành mây khói. Mẹ ao ước qua vùng trời này thắp hương để tưởng niệm con mình. Bởi bầu trời chính là Tổ quốc của các anh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một nhà thơ đã từng viết “Đất nước hết chiến tranh - Vẫn chưa nguôi báo động”. Vẫn còn những cơn báo động trong cuộc sống đời thường của thời hậu chiến. Vẫn còn những hy sinh oanh liệt. Hy sinh trong chiến tranh đã là một tổn thất lớn lao nhưng hy sinh trong thời bình tổn thất này lại càng nhân lên gấp bội. Những ngày này cả nước bàng hoàng, xúc động nghẹn lòng trước sự ra đi của phi công, đại tá Trần Quang Khải.

Cánh én và anh đã vĩnh viễn rời khỏi bầu trời thân yêu trong khi làm nhiệm vụ. Bầu trời của anh cũng có những cánh đồng mây ngổn ngang như cánh đồng làng Bắc Giang quê anh đang vào mùa gặt. Rơm thì vẫn thơm, nắng thì vẫn vàng mà sao nỗi lòng se thắt. Mây trắng hay dải khăn tang trắng rối bời. Và cuối chân trời tháng 6 âm ỉ những cơn giông. Những cơn giông không có chớp giật mà quặn lòng mà oi bức mà ngột ngạt. Giông trời hay giông lòng người, giông từ âm âm đất mẹ. Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất tuy xa nhưng những cánh bay én bạc cất lên từ đường băng - đường băng không chỉ xây từ bê-tông mà từ lòng người từ niềm tin khát vọng đã rút ngắn lại.

Các anh bay trong biên giới của Tổ quốc mình. Trong vòng tay của đất mẹ thân thương. Cánh bay của anh như cánh diều ngày xưa đã từng chao liệng. Và biển - màu xanh của biển, màu xanh của trời, màu xanh của hy vọng cũng hóa vào nhau da diết. Thế mà biển hôm nay xanh đến xót lòng. Biển hôm nay sâu đến thót lòng. Biển mặn hơn như đã từng mặn với những cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất tấc đảo. Cũng như cánh bay của các anh để giữ yên lành từng tấc đất tấc trời của Tổ quốc. Khi rơi biển đã đón anh vào lòng cạnh hòn đảo mang tên Hòn Mắt. Đôi mắt đảo chong chong  trong đêm cũng như bao đôi mắt chong chong trắng đêm để tìm kiếm anh, để đón anh về với đất mẹ. Ôi, cánh dù lẽ ra phải nở bung thành cánh phao cho anh, lại vô tình gói anh lại. Tôi cứ nghĩ trong rối bời dây nhợ chằng chịt, phút cuối cùng người phi công quả cảm này sẽ nhìn lên bầu trời khô ráo, nắng nung hút kiệt sức người và anh đã thốt lên trên đôi môi nứt nẻ: “Nước”. Nước ngọt - nước của giếng làng -  nước của đất - Đất Nước!.

Đọc tên anh tôi lại cứ nghe âm vang tên của một danh tướng đời Trần: Trần Quang Khải! Đồng đội đón anh về trong hàng tiêu binh, trong tiếng kèn trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”. Lá cờ Tổ quốc có ngôi sao như ngôi sao trên cánh bay ôm anh vào lòng. Gia đình anh, làng quê Bắc Giang mất đi một người con, người chồng, người cha. Đồng đội anh từ nay vắng một cánh bay quả cảm. Nhưng trong lòng mọi người anh vẫn đang bay như “Đàn én bay qua bầu trời nước Việt” mỗi khi xuân về. Én bạc vẫn trong đội hình chiến đấu, vẫn trong đội hình biên đội huấn luyện của mình. Mây vẫn còn kia hình bóng của anh. Biển vẫn còn kia sâu thẳm lòng anh. Và anh có biết không, 9 đồng đội của anh trên chiếc máy bay Casa 212 tìm anh cũng bị nạn. Chắc giờ này các anh đã về bên nhau như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc ngày nào. Các anh đã hóa thân vào Tổ quốc cho “Thêm một lần Tổ quốc đã sinh ra” (Thơ: Nguyễn Việt Chiến) khi các anh hy sinh quên mình, trở thành những con én bay giữa bầu trời thân yêu của Tổ quốc.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.