Trong giới chơi cổ vật không ai dám vỗ ngực tự xưng ta đây tài giỏi. Nhiều nhà sưu tầm cho rằng, đam mê này có cái lạ, càng học càng thấy mình… ngu.
Một thời, chiếc bàn ủi (từ thời Pháp thuộc) này được giới đồ cổ săn lùng vì tưởng trong đó có đồng lạnh (một kim loại cực quý) mà không biết rằng khi Pháp sang nước ta chỉ mang theo một vài cái. Sau đó, nhà Nguyễn đã học tập theo nguyên mẫu và chế ra một loạt bàn ủi tương tự. Tuy nhiên, trong đó lại không chứa đồng lạnh. Ảnh: Q.T |
Những kinh nghiệm xương máu
Một người chơi đồ cổ lâu năm ở Đà Nẵng chia sẻ, hầu như người chơi cổ vật nào cũng thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn hưng phấn nhưng thiếu kinh nghiệm nhất. Mới chân ướt chân ráo nên hầu như người chơi thường “bạ đâu mua đó”, nghe thấy cái gì có hơi hướng cổ vật đều muốn đến xem để mua, cốt làm sao sở hữu được nhiều cổ vật. Vì mua quá tay nên “học phí” cho giai đoạn này không hề rẻ! Giai đoạn thứ hai: Do đam mê nhưng chưa có đủ kiến thức, chưa có tay nghề vững, dẫn đến thường thích mua các cổ vật có hình thức “hào nhoáng” mà chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí đặc trưng cũng như dấu tích văn hóa có giá trị của mỗi cổ vật. Đây là giai đoạn thường bị những người buôn bán cổ vật “chăm sóc, hướng đạo” nhiều nhất. Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian chạy theo số lượng cổ vật, người chơi bắt đầu ngồi lại lựa chọn, chỉ “tuyển” một số các cổ vật có giá trị để lưu giữ, bởi vì lúc này “tay nghề” đã cao lên và quan hệ trong “làng đồ” cũng từng trải hơn, cho nên mới tự nhìn ra được những cái quý, cái đẹp của từng món cổ vật để tự nhận biết và so sánh về thẩm mỹ, về giá trị.
Nói vậy để thấy, muốn “học giỏi” môn cổ vật này không dễ dàng. Người mới chơi cũng va vấp nhiều mà người lâu năm cũng vấp không ít. Ông Dương Thái Bình (một người chơi đồ cổ Đà Nẵng) kể về “kỷ niệm đau thương” của mình trong một lần lên Nam Giang “săn” hàng độc. “Tôi lặn lội vào bản làng của người dân tộc với niềm tin người dân tộc rất thật thà. Tâm trạng háo hức vì sắp được sở hữu món đồ quý cũng làm mờ mắt tôi. Lại thêm cả ngày trèo đèo lội suối nên rất mệt mỏi. Đến nơi, thấy món đồ là tôi rút ví ra mua. Một thời gian sau, tôi đành nuốt nước mắt vào trong khi một đàn anh trong làng cổ vật nói đó là đồ giả cổ”, ông Bình cho biết, đó chỉ là một trong hàng trăm lần ông vấp phải khi đến với thú chơi này.
Hay như anh Lê Vũ Bảo (kỹ sư môi trường) cũng từng mất nhiều lần “học phí” cho môn học này. Là người trẻ, anh Bảo thường lân la mua đồ trên mạng. Một lần, thấy một anh ở Hải Dương bán bình gốm Vạn Ninh rất đẹp. Chiếc bình này anh đã tìm từ lâu nên mới gặp là mê ngay, lại thêm người bán mô tả chi tiết về thực trạng khiến anh tin “sái cổ”. Mua về rồi, anh ngắm mãi, ngắm chán chê thì rủ bạn bè đến chiêm ngưỡng cùng. Có lẽ nhờ ngắm kỹ quá mà anh phát hiện ra trên miệng bình hằn mờ mờ một vệt của dấu hiệu bình vỡ đã được trám lại. Lúc anh phát hiện ra thì cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi “tiền trao cháo múc” rồi.
Còn rất nhiều câu chuyện mua phải hàng giả mà nâng niu như hàng thật được truyền tụng trong giới cổ vật Đà thành. Từ những kinh nghiệm xương máu đó, câu cửa miệng mà người chơi thường tự an ủi nhau, đó là “xem như bỏ tiền ngu để mua kiến thức”.
“Gừng càng già càng cay”
Môn học nào cũng có người giỏi người kém, người có năng khiếu người không. Không thể lấy kinh nghiệm của người này áp dụng cho người khác và riêng đối với thú chơi này, rất khó để “bày vẽ” nhau cách mua. Cốt yếu là mỗi người tự học, tự chơi, tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Càng chơi lâu năm, người chơi sẽ càng hạn chế rủi ro khi mua bán.
Sau 4 năm đến với đồ cổ, anh Lê Vũ Bảo tự nhận, mình đã “già” lên rất nhiều. Anh không còn mua vô tội vạ theo sở thích nữa mà mua có chọn lọc và chắt lọc những người bán hàng uy tín. “Nếu mua gốm Nam Bộ thì nên liên hệ với những người ở miền Tây, gốm thời Lê, Trần, Lý thì mua của những người ngoài Bắc. Còn nếu thích mua trên mạng thì phải tham khảo từ nhiều nguồn. Mua trên mạng chủ yếu là “mua” cái giá trị con người, cái thật thà của con người chứ đồ cổ cầm trên tay còn “hố” huống chi là chỉ nhìn qua màn hình”, anh Bảo nói.
Theo những nhà chơi đồ cổ, hiện nay, đồ giả cổ còn… mênh mông hơn đồ thật. Cứ sau mỗi đợt các nhà khoa học khai quật được một di tích khảo cổ mới là thể nào, số đồ cổ trước đây ngỡ đồ thật giờ hóa đồ giả. Vì lý do này, đây có lẽ là môn học không có kết thúc vì học viên phải học cả đời. Ông Dương Thái Bình nói vui, mỗi cuộc đi mua đồ cổ là mỗi cuộc… đấu trí. Sống càng lâu với đam mê thì người chơi càng sành, khó bị lừa. Thế nhưng, người chơi sành thì người bán cũng sành không kém. Những món đồ giả cổ vì thế cũng càng tinh vi hơn. Ông Nguyễn Hữu Thắng (đường Hải Hồ) chia sẻ một số kinh nghiệm mà ông đúc kết qua nhiều năm; đó là, ví dụ cầm một bình gốm xưa trên tay, người chơi cần coi thật kỹ màu sắc men; đánh giá niên đại; xem đây là đồ nội phủ (đồ vua quan dùng) hay đồ dân dụng (dân chúng dùng), đồ nội phủ có giá trị cao hơn; số lượng mặt hàng được sản xuất thời kỳ đó như thế nào (số lượng càng hạn chế càng có giá); tích vẽ trên đó ra sao (những tích vẽ người thường khó nên đắt hơn, đến tích vẽ đồ vật, sau cùng là tích vẽ con vật)… những yếu tố cơ bản trên đây sẽ quyết định giá tiền của món hàng.
Tuy vậy, nhiều người chơi đồ cổ khẳng định, đồ cổ là vô định giá (chứ không phải vô giá), giá trị của nó phụ thuộc vào sở thích của người mua. Đến với cuộc chơi này, người mua phải luôn trong tâm thế tỉnh táo, thận trọng, cộng với thường xuyên học hỏi từ sách vở, từ bạn “đồng môn”, người chơi sẽ hạn chế việc mua nhầm.
QUỲNH TRANG