Không ai phủ nhận việc buôn bán nơi vỉa hè của một bộ phận người dân giúp họ duy trì cuộc sống, nuôi con cái ăn học nên người. Nhưng để bảo đảm vỉa hè làm đúng công năng của nó các địa phương đang nỗ lực hết sức để trật tự vỉa hè được giữ vững và “kinh tế vỉa hè” được nhìn nhận như một thực thể của nền kinh tế.
Vỉa hè đường Hải Phòng được quy hoạch, sắp xếp lại cho trên 80 hộ dân kinh doanh, buôn bán. Ảnh: H.L |
Chị Vân, nhà ở trong một con hẻm trên đường Hải Phòng, bán bánh mì và mì Quảng trên vỉa hè con đường này gần chục năm. Ngày nắng chị còn che dù bán nửa buổi, ngày mưa thì đành ngồi nhà. Những ngày đó tiền học của con phải “ăn dè” vô tiền tiết kiệm. Năm ngoái đến nay, đoạn đường Hải Phòng trước nhà ga được sắp xếp lại, thêm vài chục hộ bán đồ ăn, nước uống trên đường Lê Duẩn chuyển về. Chị Vân cũng được một suất “biên chế” trên vỉa hè này, lại có thêm mái che do một công ty nước giải khát tài trợ. “Bữa ni không lo mưa nắng chi nữa, mưa vẫn có thể kiếm được tiền cho con ăn học rồi”, chị cười vui trong khi lo dọn hàng quán sau giờ bán buổi sáng.
Vỉa hè đường Lê Duẩn trước đây tấp nập đủ mọi quán ăn sáng, ăn chiều. Con đường này từng được giới học trò và công chức gọi là đường “ram cuốn cải” vì quy tụ đến vài chục người bán món ăn này, chưa kể các quán ốc hút, sinh tố... từng “nằm lòng” trong nỗi nhớ của nhiều người xa xứ. Cuối năm 2014, khi đường Lê Duẩn được quy hoạch thành phố chuyên doanh thời trang, 67 hộ kinh doanh vỉa hè trên tuyến đường chấp nhận di dời, chuyển nghề, trả lại vỉa hè thông thoáng.
Phường Tân Chính, quận Thanh Khê, nơi có đến 49 hộ dân mưu sinh nhờ vỉa hè được nhận hỗ trợ của thành phố với mức 2-7 triệu đồng/hộ để sắp xếp, chuyển đổi nghề. Ông Phạm Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, 49 hộ này hầu hết là hộ nghèo hoặc khó khăn, sống trong các con hẻm dọc đường Lê Duẩn. Hầu hết thu nhập chính của bà con dựa vào việc bán đồ ăn, nước uống; gia đình tự cắt cử phụ nhau buôn bán. Khi có chủ trương trả lại vỉa hè thông thoáng, 29 hộ (chủ yếu bán đồ ăn) được phường sắp xếp về buôn bán tại đường Hải Phòng (đoạn khu vực trước các công ty của Đường sắt Đà Nẵng).
Mỗi hộ được phân chia 4m2 vỉa hè, bán hàng theo giờ (buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 4 giờ đến tối). Yêu cầu các hộ cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ an ninh trật tự… Các hộ cũng tùy theo món ăn đã đăng ký buôn bán phân chia thời gian bán hàng hợp lý, để người bán buổi sáng, người bán buổi chiều riêng rẽ, trong khi vẫn tận dụng được diện tích vỉa hè. Sau khi sắp xếp trên đường Hải Phòng đoạn do phường Tân Chính quản lý có trên 80 hộ kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Trong khi vẫn bảo đảm lối đi 1,2 m dành cho người đi bộ, có chỗ để xe gọn gàng. Phường cũng khảo sát và nhận được kết quả khả quan là 5 hộ/29 hộ chuyển về đây đã thoát nghèo bền vững.
Thực thể nền “kinh tế vỉa hè”
Vẫn biết buôn bán trên vỉa hè khiến vỉa hè bị chiếm mất công năng dành cho người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị. Cũng nên nhìn nhận rằng, buôn bán vỉa hè đang phù hợp với nhu cầu ăn uống của người lao động, sinh viên, nó thiết yếu cho cuộc sống ở các đô thị. Cảm giác không khí đường phố ở bất cứ đâu, dù là các thành phố hiện đại trên thế giới hay ở một thành phố nhỏ như Đà Nẵng, đều được khách du lịch mong muốn trải nghiệm.
Điều quan trọng là những người không có việc làm ổn định, không có chỗ buôn bán cố định phải “mượn đỡ” vỉa hè để mưu sinh. Đa số họ là những người nghèo, kinh tế khó khăn, nguồn sống duy nhất của họ và gia đình là những gánh hàng rong. Nhiều người khi được hỏi, đều có một câu trả lời chung nhất là cả vợ, chồng đều không có nghề ổn định, chồng làm nghề chạy xe ôm, vợ bán bún hoặc bán bánh mì buổi sáng, con cái đều đang ở tuổi đi học. Nếu họ phải nghỉ bán một ngày thôi thì hôm đó và hôm sau nữa cả nhà sẽ không có tiền đi chợ và hàng chục thứ tiền cần đến để trả hóa đơn điện, nước, tiền học cho con…
Nhiều người chấp nhận chiếm một khoảng vỉa hè để buôn bán, dù biết đó là đoạn đường bị cấm, chấp nhận thấy bóng nhân viên kiểm tra quy tắc đô thị là xách đồ chạy, chấp nhận bị thu hết đồ nghề. Nhiều người còn cãi tay đôi, gây ầm ĩ với mấy anh nhân viên phường hòng mong họ xót thương mà “tha” cho. Và họ dành hết hy vọng cho thế hệ tương lai đang cắp sách đến trường. Muôn mặt thách thức những người sống bám vào vỉa hè là vậy. Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều là khi họ tự mưu sinh bằng sức của mình, chính quyền đỡ một phần gánh nặng an sinh xã hội, trong khi chưa thể lo hết được cho đời sống của những người nghèo, người yếm thế.
Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu, người phải thực thi “công lý vỉa hè” có một cái nhìn nhân văn: chấp nhận tồn tại nền “kinh tế vỉa hè”, cần phải đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị và an sinh xã hội. “Chúng ta phải chấp nhận họ tồn tại nhưng họ phải đồng hành cùng cơ quan nhà nước, bảo đảm phần nào được sử dụng trên vỉa hè.
Không thể đổ thừa cho chuyện nghèo để xả rác, đổ nước thải gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường khi buôn bán; chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thêm dù, bạt che, bàn ghế để các điểm buôn bán này đỡ nhếch nhác. Và quan trọng là phải cải tạo các điểm buôn bán này trên cơ sở hiện tại, kiên quyết không bổ sung thêm chỗ bán cho người mới. Quy hoạch cho buôn bán theo giờ, địa điểm mới quản lý tốt được”.
Hiện Hải Châu có trên 900 hộ buôn bán trên vỉa hè, tập trung ở các phường Thạch Thang, Phước Ninh, Hải Châu 1, Hải Châu 2. Những vỉa hè rộng 3m trở lên được phép sắp xếp buôn bán. Từ năm 2014, những hộ kinh doanh dọc tuyến đường Bạch Đằng được phép sử dụng vỉa hè từ 18 giờ hằng ngày. Quận Hải Châu có chủ trương đến năm 2020 sẽ chấm dứt chuyện buôn bán trên vỉa hè. Nhưng để thực hiện được điều này hay không vẫn cần có thời gian, cần sự chung tay hơn nữa để cuộc sống người dân ổn định, có mức thu nhập tương xứng giữa một đô thị đang ngày càng phát triển.
HIỀN LƯƠNG