.

Đông y trong uống ngoài xoa

.

Từ xa xưa, nhiều bài thuốc y học cổ truyền được chị em phụ nữ áp dụng nhằm giữ gìn vẻ đẹp, sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa của da. Hiện những bài thuốc này được nhiều người áp dụng theo một quy chuẩn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ CK1 Huỳnh Thị Xuân bắt mạch, tư vấn cho khách hàng lần đầu tiên đến điều trị.
Bác sĩ CK1 Huỳnh Thị Xuân bắt mạch, tư vấn cho khách hàng lần đầu tiên đến điều trị.

Hiệu quả làm đẹp từ Đông y

Không ít chị em sau khi đã thử qua rất nhiều liệu trình điều trị mụn không thành công mới tìm đến phương thuốc Đông y như giải pháp cuối cùng. Huỳnh Ngọc P.N (1997), sinh viên năm 2 khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Duy Tân đang điều trị mụn tại Phòng khám Cơ sở 2, Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng cho biết mình bị mụn từ năm lớp 10. N. nghe bạn bè mách gì làm nấy, từ tinh bột nghệ, mật ong sữa chua đến bôi thuốc này kia với hy vọng da mặt của mình được cải thiện. Đến năm lớp 12, tình trạng mụn trứng cá trên mặt N. ngày càng trầm trọng khiến cô bé mất tự tin, phải điều trị tại bệnh viện. Được thời gian đầu, chỉ cần dừng dùng thuốc vài ba tháng, mặt cô bé lại “rỗ hoa” như cũ. 2 tháng nay, khi chuyển sang điều trị bằng các bài thuốc Đông y, da mặt của N. đã được cải thiện rõ.

Hồ Huỳnh Ng. (1998) từ năm lớp 6 mặt đã bắt đầu có mụn, trong khi lũ bạn học của Ng., da mặt đứa nào cũng mịn màng, tươi trẻ khiến cô bé càng thêm buồn và tủi thân. Mẹ dẫn Ng. đến Bệnh viện Da liễu chữa bệnh. Chỉ được 2 tháng đầu điều trị, các nốt mụn xẹp hẳn, da đều màu, sáng và mịn màng hơn, các vết thâm cũng mờ dần. Nhưng sau một thời gian ngưng điều trị, mụn lại mọc lên dày hơn trước.

Năm 2014, mẹ dẫn Ng. đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng với hy vọng những vị thuốc nam có thể giúp con mình diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây nên mụn trứng cá. Lúc này, da mặt của Ng. đã bị tổn thương như thường xuyên đỏ ửng, mụn mưng mủ, những nốt sần, vết thâm nằm rải rác khắp khuôn mặt. Sau khi được bác sĩ kê đơn, cho thuốc và nghiêm túc thực hiện, sau 2 tháng tích cực điều trị, da mặt Ng. đã hoàn toàn sạch mụn.

Nhiều người bị mụn khi tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đều trong tình trạng nặng, mưng mủ, sưng, viêm. Chị Huỳnh Nguyễn Ngọc Diệp, kỹ thuật viên tại đây cho biết, với những người viêm da nặng, điều trị bằng gói Đông y có tính chất lâu dài hơn lại không can thiệp bằng phương pháp lấy nhân mụn, tránh để lại vết thâm nám trên da.

Rất nhiều chị em tin tưởng sử dụng dịch vụ chăm sóc da bằng Đông y. Ảnh T.Y
Rất nhiều chị em tin tưởng sử dụng dịch vụ chăm sóc da bằng Đông y. Ảnh T.Y

Phương pháp dành cho người kiên nhẫn

Những năm gần đây, chăm sóc da theo xu hướng điều trị thẩm mỹ nội khoa, không can thiệp bằng phẫu thuật đang được đông đảo chị em phụ nữ và một bộ phận nam giới tín nhiệm. Tháng 6-2014, sau khi tiếp nhận chuyển giao mô hình từ Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng ra đời Đơn vị Chăm sóc Da điều trị các bệnh về da như mụn, nám, trị thâm do mụn, thâm vùng nách, chăm sóc da cơ bản, chăm sóc các loại da khô, sạm, mẫn cảm, dị ứng; làm khít lỗ chân lông, trẻ hóa da, trắng sáng da; chống nhăn, chảy xệ…

Để chuẩn bị cho việc thành lập dịch vụ này, bệnh viện đã cử các y, bác sĩ đi đào tạo tại khoa Chăm sóc Da - Bệnh viện Da liễu Trung ương; đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy chăm sóc da bằng sóng siêu âm, máy trị liệu da bằng ánh sáng sinh học, máy xông hơi nóng lạnh, kính phóng đại kiểm tra da; chuẩn bị các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị và chăm sóc da.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đón gần 2.000 lượt khách đến thăm khám, điều trị các vấn đề về da. Trong đó có hơn 70% lựa chọn phương pháp Đông y để cải thiện sắc diện của mình.

Một số vị thuốc Đông y giúp thanh lọc cơ thể, giải độc nên được nhiều chị em tin dùng để chữa mụn, da sạm, thâm nám, da thường. Ngoài tính mát, trong các bài thuốc Đông y còn có Kim ngân hoa (hoa của cây kim ngân) có tác dụng như một loại kháng sinh, chống viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol trong máu, ức chế nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn ho gà, thương hàn, mủ xanh, lao, phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng và các loại nấm ngoài da.

Hay như vị thuốc Liên kiều, còn gọi là Trúc căn, Hoàng thọ đan, Hạn liên tử là quả phơi hay sấy khô của cây Liên kiều (Forsythia suspensa Vahl) có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt giải độc. Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, vị thuốc này còn có tác dụng kháng khuẩn rộng, chống viêm, hạ huyết áp, bảo vệ gan… BS.CK1 Huỳnh Thị Xuân, Trưởng phòng khám Cơ sở 2, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, trong các loại thuốc thì Đông y – nếu dùng đúng cách – sẽ ít gây ra tác dụng phụ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tuyệt đối không được thức khuya, ăn đồ cay nóng, uống nước đầy đủ thì hiệu quả càng cao. Cũng trong thời gian này, bệnh nhân nên hạn chế tối đa việc dùng mỹ phẩm nhằm giảm tác dụng phụ.

Công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thị Ái Lan cho biết, con trai chị được áp dụng phương pháp điều trị mụn bằng Đông y và đã có hiệu quả. Chị Lan tin tưởng rằng, chỉ có Đông y “trong uống ngoài xoa” giúp con chị vượt qua độ tuổi dậy thì không mụn.

Hiện nay, ngoài sự kết hợp giữa Đông – Tây y trong việc điều trị, chăm sóc da, chị em phụ nữ chuyền tay nhau rất nhiều bài thuốc làm đẹp từ Đông y. Có thể nói, trong các phương pháp làm đẹp, Đông y phần nào đáp ứng được mục tiêu chữa trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Nhược điểm của chăm sóc da bằng Đông y là cho kết quả chậm, thông thường phải mất tối thiểu 3 tháng mới có kết quả. Do đó, nếu không có sự kiên nhẫn, chị em dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng mà chưa thấy hiệu quả nhờ các vị thuốc mang lại trên cơ thể mình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.