.

Đường chạy không huy chương

.

Va vào sải chân của một đối thủ chạy trước mình, Nikki Hamblin bất ngờ ngã nhào xuống đường chạy. Cô đau đớn ôm chân nằm co quắp bên đường trước bóng dáng lướt qua vội vàng của các đối thủ. Sẽ cô đơn biết mấy với vận động viên người New Zealand này nếu như cùng lúc không có cánh tay đưa ra của vận động viên Mỹ Abbey D’Agostino, người cũng ngã sóng soài vì vấp chân vào thân hình vừa ngã xuống của Hamblin. Nén đau đớn, D’Agostino vừa kịp gượng dậy đã không chịu nhập vào đám đông đang băng băng về đích mà quyết định dừng lại để chìa bàn tay về phía đối thủ lúc này hãy còn mếu máo vì đau đớn. “Cố đứng dậy bạn ơi. Hãy cùng tôi về đích. Đây là sân chơi Olympic mà bạn!”, giọng D’Agostino ân cần, dứt khoát. Bàn tay chìa ra của D’Agostino liền được Hamblin nắm lấy. Đường chạy vòng loại 5.000 mét ở Rio de Janeiro sáng ấy lại hào hứng bóng dáng của hai người.

Hamblin dừng lại đỡ D’Agostino.  Ảnh: Getty Images
Hamblin dừng lại đỡ D’Agostino. Ảnh: Getty Images

Cả Hamblin và D’Agostino đã về đích trong nhóm cuối cùng và bị bỏ khá xa sau thời gian phải tự chăm sóc cho nhau vì bất ngờ vấp ngã. D’Agostino thậm chí phải ngồi xe lăn sau lúc chạm đích đến vì chấn thương và kiệt sức. Nhưng hình ảnh của họ - từ gương mặt mếu máo tuyệt vọng của Hamblin đến cánh tay quàng vai ân cần của D’Agostino- thì sinh động hẳn lên trong xúc cảm của khán giả và cả cộng đồng theo dõi thế vận hội Rio. Nhiều người  gọi đấy là khoảnh khắc đẹp nhất, giàu ấn tượng nhất của thể thao, khắc họa trọn vẹn giá trị cao cả mà tinh thần Olympic muốn truyền đạt đến con người. Hơn cả các bộ huy chương quý giá chứng nhận nỗ lực phi thường trong luyện tập, thi đấu, hình ảnh dìu nhau về đích của hai vận động viên xây nên một tượng đài đầy rung cảm về tình người.

Hamblin sau đó gọi đấy là giây phút đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thể thao của bản thân mình, hơn cả thành quả các loại mà cô giành được trên đường chạy: “Trong tuyệt vọng, tôi đã được đối thủ truyền cảm hứng”. Chắc hẳn bàn tay vỗ về của D’Agostino không hề có trong giáo án luyện tập của các huấn luyện viên. Chỉ tình người và lòng yêu chuộng cái đẹp mới dạy cô cách hành xử nhân văn. Và hình ảnh tưởng chừng cô đơn nhất khi hai vận động viên điền kinh lẻ loi tự chăm sóc, an ủi, động viên nhau về đích sau tai nạn bỗng hóa thành khoảnh khắc ấm áp lay động hàng triệu người…

Có lẽ vì vậy mà ở Rio lần này, những gì đi ngược với các giá trị nhân văn thường bị phê phán, tẩy chay. Khán giả năm châu cảm thấy xa lạ, dị ứng với tiếng la ó mà một dúm người Brazil bản địa, do quá cay cú ăn thua, đã hướng về vận động viên nhảy sào Pháp Lavillenie lúc anh bước lên bục nhận huy chương vàng. Những người này làm thế vì vận động viên nhà đã bị Lavillenie đánh bại. May mắn thay, ngay cả những khán giả Brazil chân chính cũng thấy khó chịu với thái độ cổ vũ thiếu lành mạnh.

Tội nghiệp cho Lavillenie, trên bục chiến thắng hôm ấy, anh đã chịu đựng nỗi buồn. Mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, anh cố nén tiếng nấc vì tổn thương. Cuộc chơi nào cũng có hai mặt và may thay, mặt tươi xinh luôn chiếm phần sinh động để chuyển tải thông điệp rạng rỡ về tình người.

Như D’Agostino và Hamblin trên đường chạy không cần huy chương!

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.