Đà Nẵng cuối tuần
Những thanh âm rơi đầy ngõ nắng
Đọc Còn xanh không, thiên đường thơ ấu?* của Ngô Thị Thục Trang mà tôi lại lầm thầm thơ của thi sĩ Bùi Giáng: Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa. Cái tiêu đề của tập sách lại là một câu hỏi như muốn truy tìm cái thiên đường thơ ấu, cũng tức là cái quê nhà đã bị thời gian tước đoạt, cái quê nhà đã từng bao lần biển đã xanh dâu.
“Còn xanh không thiên đường thơ ấu?”, câu hỏi như một nỗi niềm gửi vào vô tận, đánh thức một thời quá vãng đã một đi không trở lại, cho dù tác giả của nó có nghìn lần bộc lộ niềm riêng: “Cuộc sống của một người lớn, tôi đi mãi chưa quen (Con đường tuổi dại).
Ta cũng có thể gọi “Còn xanh không, thiên đường thơ ấu?” là tập hồi ức, hồi ký viết một cách tùy hứng không tuân thủ theo một bố cục thời gian. Nhưng tựu trung lại, tất cả đều từ thăm thẳm vực sâu trí nhớ, bất chợt xuất hiện bởi một lý do nào đó, ngẫu hứng hay ngoại giới tác động khơi gợi thối thúc, để từ đó mà thành bao cuộc hội ngộ với ngày xưa: Con ngõ dài thương nhớ, Chiếc đèn dầu, Xóm nhỏ của tôi, Nhớ những mùa xoan, Giấc mơ màu đất nung... Người ta nhớ quê thì có lúc nhớ có lúc không, còn Trang thì nỗi nhớ quê đến thành bệnh. “Từ lâu tôi đã biết mình mắc căn bệnh nhớ quê mạn tính. Dai dẳng và âm ỉ, cũng có lúc bệnh bùng phát làm cả người bứt rứt như kiến cắn. Những lúc bệnh trầm trọng như thế, chỉ có một cách duy nhất: Về. Phải về thôi!” (Bệnh... nhớ quê).
Dung lượng nổi bật trong nhiều nỗi nhớ, nhiều lần hội ngộ với ngày xưa ấy, trong chuỗi hồi ức miên man của tập sách là bao kỷ niệm về ngày Tết: Đất trời ươm Tết tự bao giờ, Nhớ Tết, Mùa Tết, Mẹ kể cùng em những Tết xa, Nhớ tháng chạp, Mùa ngóng Tết thần tiên.
Kể ra tỷ lệ bài Tết nhiều như thế, lại bố cục trình bày liên tục trong một tập tản văn mỏng thì quả là cái nhược của người làm sách. Đành rằng tôi hiểu lý do để tác giả nhớ Tết tưởng như hơn bất cứ thứ nhớ gì khác, và thực sự có lẽ ngần ấy nỗi nhớ Tết cũng chưa hẳn đã là đủ. Nhất là thế giới tuổi thơ thì Tết là cả một thiên đường, thật khó lòng cho bất cứ ai vẽ vời cho hết biên giới của cái thiên đường ngập ngụa hồi quang thần thánh đó.
Thực ra cái quê nhà nhớ thương đầm đìa trong “Còn xanh không, thiên đường thơ ấu?” không chỉ là quê nhà trong địa lý, mà còn là quê nhà tình yêu, quê nhà thời gian. Và vì thế, con đường làng, bến quê, bãi chợ... đôi khi là phương tiện nhằm diễn đạt một ý thơ bất chợt thăng hoa. Ví như, nhỏ nhoi thôi, một chiếc rổ tre của mẹ được dùng để hái đậu bỏ vào, ấy vậy mà đọc nghe man mác bâng khuâng một niềm hoài cảm: Chiếc rổ tre ấy có còn không? Chiếc rổ tre đựng không biết bao nhiêu buổi chiều nắng tắt (Còn xanh không, thiên đường thơ ấu?).
Hoặc như là cái bến Đá, nơi tuổi thơ Trang từng ngụp lặn: Làm gì có ngọn gió nào mát hơn gió từ sông. Làm gì có ngọn gió nào hiền như gió từ sông trong những buổi chiều hè. Và tiếng của bọn trẻ té nước, cười đùa, cả âm thanh của cú nhảy ùm xuống nước từ tảng đá nào đó vang lại. Sông của tôi đây rồi, bến Đá đây rồi” (Bến đá của tôi). Tôi đoán chắc rằng: ngọn gió mát, gió hiền không nơi nào có được ấy, đúng là chỉ có từ bến Đá, mà phải là cái bến Đá của tuổi thơ, của hoa niên tác giả. Bây giờ thì cái bến ấy đã lở xuống sông sâu.
Mà cho dẫu bến Đá có còn thì về ngồi lại nơi đấy, chưa chắc Trang sẽ gặp lại những cơn gió hiền, gió mát của thời xưa đã góp phần nuôi dưỡng nên một Ngô Thị Thục Trang nhà giáo, nhà thơ như bây giờ.
Tản văn cũng như bút ký hay tùy bút đều không thể hư cấu mà thành. Trong Tự điển Tiếng Việt, (NXB Khoa học xã hội), tản văn được định nghĩa là loại văn gồm các thể ký và các thể văn khác, ngoài truyện, thơ và kịch (Văn học phương Tây thì chỉ dùng mỗi từ: Essai, để chỉ cho văn loại này, rồi tùy vào tình tiết, văn cảnh cụ thể của tác phẩm mà người tiếp cận có thể gọi đấy là tản văn, tùy bút, hay là bút ký). Đọc tản văn của Ngô Thị Thục Trang, điều dễ nhận ra trước hết là những cảm xúc hồn nhiên và chân thành. Dường như đọc bài viết nào tôi cũng đều nghe thấy sự xao xuyến, một rung cảm có thực như thể nghe ngày xưa lên tiếng gọi mình.
Có lẽ là những bến sông, con đò, sân đình, bãi chợ ấy đã từng gieo rắc vào tôi đầy ắp kỷ niệm chăng? Vâng, một phần là như thế thật. Nhưng có một sự thực như thế này, có lẽ là không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác nữa, khi đọc tập tản văn này, không bài nọ thì bài kia, hoặc nhiều hơn thế, đều có thể thấy bóng dáng tuổi thơ mình trong từng trang viết của Trang. Sẽ nghe ra từ đấy vang lên một thứ tiếng vọng, một thứ thanh âm vừa mơ hồ nhưng cũng vừa gần gũi “Giẫm trên lá khô rơi đầy ngõ nắng”, tôi cũng không rõ lắm Ngô Thị Thục Trang viết cho mình hay nói hộ cho nhiều người.
NGUYỄN NHÃ TIÊN
(*) Đọc “Còn xanh không, thiên đường thơ ấu?”, Tản văn của Ngô Thị Thục Trang. NXB Dân Trí 2016.