Diện tích dành cho các thiết kế nhà phố vốn eo hẹp, vì vậy chủ nhà thường không ưu tiên cho phương án thoát hiểm mà tận dụng diện tích để sử dụng. Nên khi xảy ra hỏa hoạn việc thoát thân càng trở nên khó khăn hơn do nhà bị bít kín nên khói khó thoát ra ngoài, dễ dẫn tới bị ngạt thở.
Theo các kiến trúc sư, ngay từ khâu thiết kế, mỗi phòng cần có ít nhất hai lối thoát, lối thoát xa nhất không quá 25m tùy theo từng quy mô công trình chung cư hay nhà phố.
Trong gia đình cần trang bị thiết bị thoát hiểm búa hoặc dao cắt kính nếu lối thoát hiểm được làm bằng cửa kính; cửa mở đúng tiêu chuẩn và chốt mở an toàn cho khung lưới thép bảo vệ...
Bạn không nên chọn loại cửa với thiết kế hai lớp, bao gồm cửa sắt xếp và cửa sắt pano kính vì đây chính là con dao hai lưỡi. Trong trường hợp chốt khóa phức tạp, lúc hoảng hốt càng khó để mở cửa thoát thân.
Đối với những ngôi nhà không có ban công, sân thượng thì nên lắp cửa sổ có bản lề để mở ra khi cần thiết.
Nên trang bị ô lưới bảo vệ an toàn có chốt mở nhanh, vừa đáp ứng cùng lúc hai nhu cầu là thoát hiểm và bảo vệ.
Bên cạnh đó, thông thường bất cứ căn nhà phố nào cũng sẽ có tầng mái để bồn nước nên đều có thang cố định lên thăm mái, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, bạn hãy nhớ đến lối thoát này để trèo sang nhà hàng xóm.
Một lưu ý quan trọng nữa là gia chủ cần thường xuyên kiểm tra các lối thoát hiểm, thiết bị cứu hỏa để chủ động trong việc đối phó khi có hỏa hoạn xảy ra. Bạn cũng nên trang bị camera báo cháy, nếu phát hiện trong nhà có khói thì sẽ tự động phát còi báo động.
H.L (st)