Đà Nẵng cuối tuần

Mưu sinh trên sông nước

07:23, 21/08/2016 (GMT+7)

Mùa mưa lũ, dòng nước sông Cu Đê cũng không kém phần hung hãn dồn dập đổ về xuôi  khiến nghề khai thác thủy sản trên sông phải dừng lại. Những tháng khác trong năm, sông cho con cá, con tôm tươi rói, nuôi bao người no ấm, hình thành bên sông những làng chài nhỏ bình yên.

Cha con ông Đặng Tứ chuẩn bị giong ghe đi đặt lưới ghẹ trên sông Cu Đê.
Cha con ông Đặng Tứ chuẩn bị giong ghe đi đặt lưới ghẹ trên sông Cu Đê.

Giữa dòng xóm Huế

Ngày trước, không biết những người đi khai hoang, mở rừng có dùng nỏ săn cá trên dòng sông xanh biếc quanh năm này không, chứ bây giờ hỏi người dân quanh vùng, được biết nhiều loài cá trên sông như cá dày, cá cồi, cá rằn ít đi trông thấy, thậm chí biến mất trong tấm lưới bà con dùng bắt cá. Thay vào đó là những loài cá nước mặn, nước lợ như cá đối, cá liệt, cá móm. Loài tôm đất trên sông thì vẫn búng tanh tách trong chiếc chậu nhựa của cô bán cá ở chợ dù đã lên khỏi mặt nước vài giờ đồng hồ… Những sản vật ấy đã giúp những đứa trẻ lớn lên, hình thành nên một “xóm Huế” với chừng 30 hộ dân sống quây quần bên nhau dọc con lộ nối phố thị với 2 xã Hòa Liên và Hòa Bắc.

Xóm Huế giờ là thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Gốc tích của bà con vốn ở vùng nước lợ Cầu Hai, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. Mà cả xóm giờ chỉ có người già nói giọng Huế, chứ lớp trẻ phần lớn lên, phần được sinh ra trên doi đất mảnh sát dòng Cu Đê này thì nói giọng Quảng hết ráo. Ông Trần Niệm, 70 tuổi, di cư khỏi làng năm 1979 do cửa Tư Hiền bồi đắp. Người vô Nam, kẻ ra Bắc, ông Niệm cùng 4 gia đình khác dạt vô đây dựng nhà, tiếp tục theo nghề sông nước.

Ông được coi là tay “sát cá”, vậy mà: “Hồi trước còn làm ăn được chứ bây giờ khó lắm, chủ yếu đánh bắt tôm và các loài cá nước mặn bơi ngược dòng lên sống trên sông. Mỗi đêm được chừng 2 ký tôm cá các loại, bán đi rồi mua gạo, mắm muối, rồi còn để dành cho mùa sau”. Mùa đánh cá trên sông chỉ làm được từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch thì hết nghề. Cá thiên nhiên không có, những cơn mưa rừng và mưa lũ tràn về, người làm nghề cá ngồi day mặt ngó ra sông, đành ăn dè vô số tiền bán cá đã được quy ra lúa, ra khoai.

Thiên nhiên chỉ ưu đãi vài tháng trong năm, vậy mà nhờ cá, nhờ tôm, ông Niệm nuôi được 8 đứa con, 4 trai, 4 gái. Các con ông đều theo nghề sông nước của cha mẹ. Con ra riêng thì ông mua cho cái ghe, tấm lưới. Hai vợ chồng anh Trần Giác, con trai đầu ông Niệm cũng làm nghề cá, nhưng các con anh thì đi làm công nhân, cho “ổn định hơn”.

Đoạn ngang qua xã Hòa Liên, qua thôn Trường Định, sông Cu Đê còn được gọi là sông Trường Định, coi như là đoạn giữa dòng sông. Một số hộ mấy năm gần đây nuôi cá lồng bè trên sông, nhưng năng suất không đạt do thời tiết nắng nóng kéo dài, nước sông nhiễm mặn nặng; do chất thải của việc nuôi một số loài thủy sản khác, chưa kể đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan đang thi công, khi trời mưa làm đất đỏ theo nước mưa tràn xuống cũng khiến cá tôm “tổn thọ”.   

Vùng đất ngập mặn thuộc thôn Trường Định, nằm sát sông tưởng không nuôi trồng được gì, lại cho bà con cuộc sống sung túc khi trở thành vùng nuôi tôm. Từ năm 1997, con tôm “bén duyên” với ao hồ ở đây, trên diện tích hơn 20ha. Năm ngoái, bà con khai hoang thêm gần 2ha nữa, giờ 36 hộ nuôi tôm có 18ha mặt nước/28ha cả vùng tôm. Ông Mai Phước Binh, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ thôn Trường Định, cho biết bây giờ bà con nuôi theo hình thức thâm canh. Vụ 1 kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 4 hằng năm cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ; vụ 2 thấp hơn và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nên 3 năm lại đây có 10 hộ chuyển sang nuôi cua, lãi không cao bằng nuôi tôm nhưng nhàn rỗi hơn.

Ông Lê Thành (bên phải) sống nhờ vào những chuyến đò dọc hiếm hoi xuôi ngược dòng Cu Đê. Ảnh: H.N
Ông Lê Thành (bên phải) sống nhờ vào những chuyến đò dọc hiếm hoi xuôi ngược dòng Cu Đê. Ảnh: H.N

Xuôi dòng Cu Đê

Ngày xưa, nhắc đến Thủy Tú là nghĩ ngay đến một làng quê nghèo, rất nghèo, mỗi bước đi là cát ngập dưới chân. Giờ, đường vào làng Thủy Tú có tên hẳn hoi, trải nhựa nối với đường ADB5 từ Nam Ô lên Hòa Bắc, ngang dọc trong xóm là những con đường bê-tông phẳng lì. Ngôi làng bên dòng sông này nhờ đường sá dọc ngang trở nên hiền hòa, lung linh với những bụi tre ngà, hàng dừa soi bóng xuống dòng sông xanh. Nhà nào cũng mở cửa nhìn ra sông, trước mặt là hàng chục rớ cá ban ngày được cất lên, chờ ban đêm hạ xuống mặt nước. Đối diện với làng Thủy Tú bên kia sông là làng Xuân Dương của phường Hòa Hiệp Nam, có vẻ không đẹp bằng làng bên này, có phải do thiếu nghề chài lưới?

Ở đầu nguồn, thôn Tà Lang của xã Hòa Bắc nằm phía đầu dòng sông, thì cuối nguồn, làng chài Thủy Tú của phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu “đứng chốt”. Làng có nghề chài lưới trên sông là nghề chính, lâu đời. Hầu hết người dân các tổ 96, 97 và 98 bây giờ sống dựa vào sông.  Bà Nguyễn Thị Kiều Liên, tổ trưởng tổ 96 cho biết: “80% người dân 2 tổ 96 và 98 làm nghề sông nước. Ở đây người lớn tuổi khá nhiều, hết tuổi để làm công nhân nên ban ngày giữ cháu cho con đi làm, tối thì làm nghề lưới. Không có ai giàu, chỉ đủ ăn”.

Sông cho gì thì người dân nhận lấy, không giành giật, không cố để vơ vét, con cá, con tôm vì thế vẫn được nuôi dưỡng dưới sông cho những ngày sau. Ông Đặng Văn Lô (chồng bà Liên),  theo cha mẹ, theo ông bà nội làm nghề lưới trên sông từ khi mới 10 tuổi. Nửa thế kỷ gắn bó với mặt nước, con thuyền, ông thuộc dòng sông như lòng bàn tay. Ở phía trước mặt làng, đoạn sông sâu nhất chỉ 3-4 thước, nhưng chỉ cần bơi ra một đoạn, ở chỗ cầu Nam Ô thì độ sâu đã đạt đến khoảng ba chục thước. Người làng Thủy Tú chỉ quen bơi lội trên đoạn sông này (người địa phương gọi là rào), nên cũng không có ai làm nghề trên biển. Cuộc sống ở làng do đó cứ bình bình trôi, ít xáo động. Ngày xưa cả làng chỉ có hơn chục cái rớ, giờ những anh trai trẻ sắm mỗi người 2-3 cái, cả làng có đến gần 60 cái rớ, giăng kín mặt sông.

Bà Liên vốn dân gốc Túy Loan, xã Hòa Phong, về làm dâu làng chài này, đêm đêm theo chồng ra sông thả rớ, đặt rớ, từ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng mới về. Nghề sông nước ngấm vào bà lúc nào chẳng hay, kể cả trong cách phát âm nằng nặng của người vùng biển. Bà bảo, ngày xưa cá về bến, mỗi lần theo mẹ chồng gánh cá qua chợ Nam Ô, chân phải bấm vào cát mới bước nổi. Giờ bạn hàng chạy xe vào làng, cá được chở đi khắp nơi. Hôm nào được nhiều, giắt lưng được vài trăm ngàn, hôm ít được sáu, bảy chục ngàn. “Làm nghề ni vô chừng lắm, chỉ đủ ăn”, tôi nghe câu này không biết bao nhiêu lần, khi hỏi chuyện người dân ở Hòa Liên, và giờ ở Thủy Tú.

Tôi gặp ông Đặng Tứ, 76 tuổi, ngồi nướng những trái bắp non dưới khóm tre trước nhà, sát mép nước mặt sông Cu Đê. Trông ông bình yên và nhàn tản. Nhưng đó chỉ là giờ “nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu”. Ông và anh Tiến, con trai giữa của ông mới rời sông một giờ trước. Lịch xuống ghe của hai cha con bắt đầu lúc 4 giờ sáng, bủa 10 tấm lưới ghẹ xong, chờ hai giờ sau thì ra gỡ lưới. Đến khoảng
9 giờ, họ xuống ghe lần nữa, bủa lưới xong đến chừng 12 giờ trưa thì thu lưới.

Một ngày có 2 lần xuống sông kiếm lộc thiên nhiên. Hơn một năm nay nhà anh Tiến ở bên làng chài Nam Ô giải tỏa, anh dọn về ở với cha, công việc gỡ lưới của ông Tứ nhẹ bớt. Mỗi lần bỏ lưới, hai cha con kiếm được chừng 2 ký ghẹ, giá bán khoảng 300.000 đồng. Vợ ông đi chợ trực tiếp bán cá, ghẹ, không phải qua thương lái nên thu nhập cũng đỡ. Nhưng làm lưới ghẹ thì cỡ nửa tháng phải thay lưới một lần, do ghẹ cắn đứt lưới. Mỗi tấm lưới giá 180.000 đồng, nên ông Tứ cho rằng “mô vô đó”. “Trước cá nhiều, chừ cá ít đi, nên cũng không có là bao. Vùng này nước lợ, chỉ làm nghề được khi nước êm; cỡ tháng 9, tháng 10 mưa xuống, nước săn quá phải nghỉ”.

Coi vậy chứ nghề đánh bắt thủy sản trên sông vẫn cho bà con cái ăn, cái mặc, sự ổn định trong đời sống. Chứ cái nghề đưa đò, chở cá tôm lên vùng thượng nguồn, chở sản vật của rừng về xuôi gần như “đi đứt” mấy năm nay. Trước năm 2000, 30 ghe thuyền làm nghề đò dọc của Hợp tác xã Hòa Hiệp Nam chuyên chở hàng hóa, chở người lên núi làm nghề rừng còn hoạt động, giờ chỉ còn 4 chiếc ghe tồn tại.

Thế nhưng, thực chất chỉ còn một chiếc của ông Lê Thành, 61 tuổi, ở tổ 121 Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam là còn hoạt động cầm chừng. Hôm tôi hẹn gặp được ông Thành, ông đang chất một ghe đá cuội lớn cho nhà hàng gỏi cá Thanh Hương. Ở đây, một số nhà sát bờ sông năm nào cũng thuê người lên Hòa Bắc khuân đá cuội về gia cố phần móng phía bờ sông, chống sạt lở khi đá bị chuồi đi. Để nhận được 1 triệu đồng tiền công cả khai thác đá ở Bến Sạn, khuân vác lên ghe và đưa về, ông Thành phải rời khỏi nhà từ 5 giờ sáng, thuê thêm hai người cùng xóm hết 400.000 đồng. Ông bảo “Vậy mà thỉnh thoảng mới có việc.

Từ đầu năm đến giờ ghe của tui mới chạy được có 4-5 chuyến, phải nằm không. Trước đây ngày nào cũng chạy chở khách, chở hàng, giờ có đường bộ nên chẳng ai thuê mình. Bến đò Hòa Hiệp cũng bị xóa sổ. May mà Nhà nước miễn phí đăng kiểm”. Hơn 30 năm làm nghề chạy ghe, đưa đò dọc dọc sông Cu Đê của ông Thành giờ thỉnh thoảng được “khơi” lại bằng hợp đồng chở đá cuội, rất nặng nhọc. Nhưng có việc để làm còn hơn chơi không, nên ông Thành không hề từ chối những việc đã gắn với cái nghề mà ông chọn.

Hy vọng tương lai tuyến du lịch đường sông này mở ra, ông Thành và “con ngựa chiến” trên sông của mình được dọc ngang qua những địa danh như Thủy Tú, Trường Định, Bến Sạn… đẹp mênh mang như bức tranh thủy mặc của quê hương.

HOÀNG NHUNG

.