Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vượt đèn vàng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8, nhưng mấy ngày qua, vấn đề nổi cộm không phải là sự thay đổi trước vạch dừng khi đèn giao thông đổi màu, mà là những ồn ào xung quanh chuyện vừa có đèn vàng, vừa có đèn đỏ, coi bộ bị dư.
Thực ra, chỉ có khác biệt duy nhất ở nghị định mới này so với các nghị định, quy định trước đó là ở mức xử phạt, còn cách đánh giá về “vượt” hay “không vượt” đèn vàng bao lâu nay vẫn vậy. Chưa đến vạch dừng mà đã thấy đèn vàng thì phải dừng; lỡ trớn qua vạch dừng khi đèn chuyển vàng thì nghiễm nhiên được quyền đi luôn.
Cơ bản chỉ có vậy, nhưng lại lắm cái cơ bản khác phát sinh. Chẳng hạn, nhiều người thắc mắc thấy đèn vàng ngay trước vạch dừng nhưng phanh không kịp thì sao? Ai đứng ở các chốt giao lộ để bắt quả tang cho hết? Nếu không có camera quay chậm thì làm sao phân xử cho xong chuyện lỡ trớn hay cố tình lỡ trớn… Nói chung rất nhiều ý kiến đa chiều và thực tế là mấy hôm nay người vượt đèn vàng vẫn nhiều hơn người chấp hành dừng khi có đèn vàng.
Sáng 4-8, như mọi ngày, ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Lê Duẩn náo nhiệt, vội vã cùng dòng người đổ ra đường đi làm. Đèn giao thông phía đường Lê Duẩn chuyển vàng, dòng người vẫn nối nhau… chạy trơn tru cho đến khi có đèn đỏ mới bắt đầu ngắt quãng. Anh cảnh sát đứng ở góc đường nếu có gọi người tham gia giao thông vào nhắc nhở thì một mình anh không làm xuể!
Xử phạt vượt đèn vàng không là vấn đề quá lớn, chỉ là bước tiến cứng rắn hơn trong quy định chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Tuy nhiên, với thói quen thấy đèn vàng là rồ ga, tăng tốc nhằm “trốn” đèn đỏ, rất nhiều người tham gia giao thông cảm thấy khó chịu, bối rối với quy định mới lần này. Với Nghị định 46, đèn vàng được “trở lại chính mình” khi đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở người tham gia giao thông: Hãy quan sát, hãy đi chậm lại, hãy dừng đúng lúc và hãy nhớ đường là của chung mọi người nên phải nhường nhau chứ không phải của riêng mình mà cắm đầu cắm cổ phóng trước, vượt lẹ!
Không chỉ từ chuyện đèn vàng, đèn đỏ mới cho thấy việc yêu cầu không phóng nhanh, vượt ẩu, không bất chấp luật lệ giao thông là điều thực sự nan giải. Ngay cả việc sử dụng còi xe thôi cũng đủ thấy cách chúng ta tham gia giao thông như thế nào. Ai đó có dịp sang nước ngoài cũng trở về với sự ngỡ ngàng: Sao trên đường phố người ta ít nghe tiếng còi xe, thậm chí không hề có tiếng còi bíp bíp inh ỏi. Chuyện bình thường hóa ra lại bất thường. Cái còi sinh ra để làm công việc báo hiệu. Trong một số tình huống, xe dùng đến còi ắt hẳn cần báo hiệu chuyện gì đó để những đối tượng khác phải chú ý hoặc đáp ứng.
Trong khi lưu thông bình thường thì việc gì phải nhấn còi như muốn la toáng lên: Tôi cần đi trước! Chỗ này của tôi! Xích mau cho tôi đi! Tất cả mọi người (trừ những người ngồi trên xe ưu tiên) đều bình đẳng trên đường, chẳng ai có quyền la lối buộc người khác phải dành sự ưu tiên cao nhất cho mình cả. Thế nhưng, những giờ đông đúc thì nhu cầu “gây sự chú ý”, “đòi quyền ưu tiên” bằng tiếng còi xe lại tăng theo cấp số nhân. Đường sá vì thế càng hỗn loạn. Anh bóp, tôi cũng bóp, giống như ai bóp còi nhỏ hơn thì sẽ không có cơ hội trườn tới…
Qua các gác chắn tàu hỏa lại càng chứng kiến cảnh tượng: đèn vàng, đèn đỏ, đèn nhà ga, còi lệnh, cờ lệnh bật, phất cả lên mà vẫn có những người xem như chẳng nghe thấy gì. Không hiếm những cuộc giằng co giữa người giữ thanh chắn với người đi đường. Có khi đường ray đang trong giai đoạn sửa chữa nên thanh chắn được thay bằng sợi dây mỏng manh, thế là nhân viên gác tàu chỉ còn biết bất lực nhìn những con người “dũng cảm” chui qua dây, vượt lên ngon lành mặc con tàu đùng đùng đang lao tới.
Các loại đèn giao thông không thiếu, quy định dừng, đỗ không thiếu, mức độ xử phạt, xử lý được siết chặt theo thời gian, giờ chỉ còn đợi “đèn ý thức” bật lên nữa thôi để giao thông không con là “chiến trường” nghiệt ngã.
CHÍCH BÔNG