Nhượng Tống là gương mặt tài hoa và minh triết của văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông có một cuộc đời phong phú về hoạt động yêu nước và đa dạng về học thuật, sáng tác. Tên tuổi ông gắn với một giai đoạn lịch sử cam go, phức tạp, đa chiều, vì thế, dần theo thời gian, việc đánh giá và trả lại vị trí về sự đóng góp của ông trên nhiều mặt, đang được các thế hệ sau ông nghiêm cẩn trong bàn luận học thuật.
Nhượng Tống và các tác phẩm mới xuất bản và tái bản những năm gần đây. |
Một cuộc đời sôi động
Ông tên thật là Hoàng Phạm Trân, người làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, Nhượng Tống được học chữ Hán ngay từ nhỏ, sau mới tự học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông tinh thông và uyên bác văn chương và triết học phương Đông, dù không có một văn bằng nào cả. Nhượng Tống là một tấm gương của “lớp trước”, người mà những Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901-1947), Vân Hạc Lê Văn Hòe (1911-1968) hay Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) từng dùng những từ ngữ đẹp đẽ nhất để ca ngợi. Theo gia phả, ông sinh năm 1904 và mất 1949. Đến nay, cái chết của Nhượng Tống vẫn còn là một ẩn số.
Khởi viết năm 1921 khi báo Khai hóa ra đời, kể từ đó, ông lần lượt viết cho các báo: Nam thành, Thực nghiệp dân báo, Hồn cách mạng, Hà Nội tân văn...
Cuối năm 1926, Nhượng Tống tham gia Nam Đồng thư xã và trở thành một thành viên nòng cốt. Nam Đồng thư xã chuyên xuất bản các sách tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nhượng Tống cùng với các đồng chí tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng tại làng Thể Giao, Hà Nội. Ông là ủy viên Trung ương Đảng bộ, phụ trách vai trò trọng yếu trong việc biên soạn văn thư tuyên truyền và huấn luyện đảng viên.
Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống được giao nhiệm vụ vào Huế gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu, mời Cụ làm Chủ tịch đảng danh dự. Việc chưa thành, Nhượng Tống bị mật thám Pháp bắt. Hội đồng đề hình tuyên án ông 10 năm tù, rồi đày ra Côn Đảo, mãi đến năm 1936 mới được tha. Khi Nhượng Tống đang còn bị giam tại Côn Đảo, thì các đồng chí của ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930). Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài.
Những ngày tháng bị cầm tù tại Côn Đảo, Nhượng Tống vừa giữ vững khí tiết vừa dốc sức vào học tập, nghiên cứu văn chương, triết học phương Đông, tạo nội lực cho những sáng tác vào thập niên 40. Những tác phẩm mà Nhượng Tống để lại cho văn học thật đồ sộ, tạo nên chân dung một học giả uyên thâm, sâu sắc, đời sau ít có người sánh kịp. Hội thảo ngày 9-12-2015 tại Hà Nội đã khẳng định những đóng góp to lớn của Nhượng Tống và cống hiến đó bắt nguồn từ tình yêu đất nước của ông.
Một dịch giả uyên bác
Kim Thánh Thán (1608-1661) là học giả, nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc, một người đọc rộng, tài năng, đã cho rằng, trong thiên hạ có 6 bộ sách tài tử, gồm: Đệ nhất tài tử thư: Nam Hoa kinh của Trang Tử, Đệ nhị tài tử thư: Ly tao của Khuất Nguyên, Đệ tam tài tử thư: Thủy hử của Thi Nại Am, Đệ tứ tài tử thư: Sử kí của Tư Mã Thiên, Đệ ngũ tài tử thư: Thơ luật của Đỗ Phủ, Đệ lục tài tử thư: Tây sương kí của Vương Thực Phủ.
Trong 6 bộ sách nổi tiếng đó, Nhượng Tống đã dịch đầy đủ, trừ Thủy hử. Ngoài ra, Nhượng Tống
còn dịch Đạo đức kinh của Lão Tử, Kinh thư của Khổng Tử, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi. Đến nay, các bản dịch của Nhượng Tống đã tái bản, được giới nghiên cứu đánh giá cao.
Ly tao là bài thơ cổ nổi tiếng của Khuất Nguyên (340-278, trước Công nguyên). Đó là lời oán thán của một bậc đại trượng phu, yêu nước, có hoài bão và lý tưởng cao đẹp, một hoàng tộc của nước Sở, bị gièm pha, vu cáo, cuối cùng nhảy xuống sông Mịch La trầm mình. Nhượng Tống dịch thiên tuyệt bút này ra tiếng Việt bằng lối thơ song thất lục bát với sự đồng cảm sâu sắc. Cũng cần nói thêm là, khi biên soạn Sở từ của Khuất Nguyên, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm đã đưa bản dịch của Nhượng Tống vào (Xem, Sở từ, NXB Văn học, HN, 1974, trang 123).
Hiện nay, Nam Hoa kinh của Trang Tử có nhiều bản dịch, đó là bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Tôn Nhan. Mỗi bản đều có ưu điểm, Riêng, bản dịch của Nhượng Tống (NXB Tân Việt, HN, 1944 và NXB Văn học-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 2001) vẫn được bạn đọc tin cậy, tìm đến. Đây là bản dịch đầu tiên về Nam Hoa kinh, “nó có vẻ giống với nguyên bản, tức là thứ bản tương đương trong tiếng Việt, hơn là một bản dịch”, “Có thể mạnh dạn nói bản dịch Nam Hoa kinh của Nhượng Tống là một cái mới đánh dấu trình độ tư duy của người Việt và tiếng Việt một thời” (Vương Trí Nhàn, Sđd, trang 6).
Với Mái tây (Tây Sương ký - NXB Tân Việt, HN, 1943 và NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 2011), qua thử thách của thời gian, đến nay, vẫn là một tác phẩm dịch duy nhất, chưa có bản thứ hai, được các học giả Hán Nôm đánh giá cao về nghệ thuật chuyển ngữ, nhất là những câu thơ lục bát xao xuyến lòng người về mối tình Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh. Lưu Trọng Lư, bạn văn của Nhượng Tống, viết: “Nhượng Tống dịch Mái tây kể cũng đã xứng với cái công việc mà mình đã tự ủy thác cho mình. Vì không những là một nhà nho, Nhượng Tống còn là một thi sĩ nữa. Cái thú vị đọc Mái tây ở chỗ đó vậy” (Sđd, trang 299, 302).
Nhượng Tống đặc biệt yêu quý Đỗ Phủ (712-770), một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, ông tự nhận:
Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ,
Trong thơ riêng thích thơ Đỗ Phủ.
Đỗ Phủ là ngọn Thi sơn, sừng sững soi bóng xuống mọi thời đại thơ ca Trung Quốc. Thơ Đỗ Phủ là tiếng khóc của một tâm hồn đau đớn trước một không khí đao binh với những cuộc chia ly thời chiến, loạn lạc, thuế khóa... Tất cả được Nhượng Tống lột tả qua thể thơ lục bát, đường luật hoặc ngũ ngôn... làm xúc động lòng người. Cuộc đời và sáng tác của Đỗ Phủ chạm đến tận cùng những sợi tơ lòng của Nhượng Tống (Xem Thơ Đường, tập I, tập II, NXB Văn học, 1987).
3. Một cây bút tài hoa
Ngoài dịch thuật, Nhượng Tống còn làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ký lịch sử. Thơ ông chưa sưu tầm đầy đủ, song, qua các bài như Cảm đề lịch sử, Khóc Nguyễn Thái Học, Cảnh nhà tù, Vô đề, Tắm trong tù, Từ giã Tuyên Quang,... cho thấy một trái tim dạt dào cảm xúc. Trong nhiều bài thơ viết về cái chết lẫm liệt của Nguyễn Thái Học, thì những dòng thơ của Nhượng Tống thống thiết, bi tráng:
Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt;
Cười khóc canh khuya chén rượu nồng.
(Khóc, Nguyễn Thái Học)
Bài thơ Từ giã Tuyên Quang có 24 câu, câu nào cũng nghèn nghẹn tình sông núi, tình bạn hữu. Bài thơ chất chứa tâm sự của một người có tấm lòng với non sông, chưa đạt nguyện ước. Giọng thơ mang âm hưởng u uẩn, có chất riêng của thời đại.
Nhân kỷ niệm 15 năm Khởi nghĩa Yên Bái (1945), Nhượng Tống viết truyện ký Nguyễn Thái Học. Sách chỉ có 141 trang, chia thành 43 chương. Tập sách mỏng nhưng lại là tư liệu quan trọng về cuộc đời cách mạng của Nguyễn Thái Học. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét trong Lời giới thiệu: “Sách chứa đựng nhiều tư liệu có giá trị để các thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và viết về Nguyễn Thái Học, tổ chức Việt Nam Quốc Dân Ðảng cùng cuộc Khởi nghĩa Yên Bái”.
Đằng sau những trang viết về Nguyễn Thái Học, người đọc dễ nhận ra hình tượng của tác giả. Đó là một trái tim thổn thức về tình bạn, tình yêu nước, cao hơn là sự nghiêng mình trước anh linh các đồng chí, bạn bè hy sinh cao cả, vì nước vì dân. Cho đến nay, có thể khẳng định, đây là tác phẩm quan trọng nhất, chân thực nhất và xúc động nhất về chân dung Nguyễn Thái Học. Nhượng Tống đã viết: “Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa”. Hiện nay, sách đã được tái bản (2014).
Tiểu thuyết Lan Hữu, do Lê Cường in và phát hành, 1940. Nay, NXB Văn học tái bản, 2015. Lan Hữu là câu chuyện về mối tình đầu trong trẻo, thuần khiết, đẹp như nắng xuân của chàng thư sinh mười sáu tuổi hiền lành tên Ngọc. Suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết, người đọc được sống trong những cảm xúc đa dạng, nhiều cung bậc của tình yêu: có nhớ nhung, có đau khổ, có hờn giận, có tiếc nuối nhưng không hề bi lụy.
Nhượng Tống để lại một di sản văn chương đa dạng về nhiều thể loại. Những bản dịch vào thập niên 20 và 40 đã làm phong phú và hiện đại hóa tiếng Việt. Cho đến nay, về phương diện dịch thuật những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, Nhượng Tống có một đóng góp to lớn. Cuộc đời và số phận của các nhà thơ, nhà văn được Nhượng Tống ký thác tâm sự cũng đa đoan như chính cuộc đời gấp gãy của ông.
HUỲNH VĂN HOA