.
Phương hay Thuốc quý

Rau má thanh nhiệt giải độc

.

“Rau má giải độc, bổ âm/ Nhuận gan, lợi tiểu, lại cầm huyết rong”. Đó là câu vè chúng tôi soạn để tóm tắt tính năng vị thuốc rau má tại các phòng thuốc nam Tuệ Tĩnh đường.

Rau má - Centella asiatica. Ảnh: P.C.T
Rau má - Centella asiatica. Ảnh: P.C.T

Rau má là loài cây thuốc - cây rau quen thuộc, phân bố khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra còn có ở các nước nhiệt đới châu Á, Ôxtrâylia, châu Phi và châu Mỹ.

Rau má – tên khoa học Centella asiatica, thuộc họ Hoa tán - Apiaceae. Là cây thảo mọc bò, phân nhánh nhiều trên mặt đất. Rễ mọc từ các mấu của thân. Lá có cuống dài, phiến hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo. Cụm hoa hình tán đơn mọc ở nách lá gồm 1-5 hoa nhỏ không cuống, màu trắng hoặc phớt hồng. Quả dẹt, có sống hơi rõ.

Ngoài công dụng làm rau ăn sống hay nấu canh, hoặc xay lấy nước sinh tố uống giải khát trong mùa hè, rau má còn được thu hái, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô làm thuốc, gọi là Tích tuyết thảo hay Liên tiền thảo.

Theo Đông y, Rau má có vị hơi đắng, ngọt, tính hơi mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ chỉ thống, lương huyết sinh tân, lợi niệu. Thường dùng trị cảm mạo phong nhiệt, thủy đậu, sởi, sốt, viêm gan vàng da, viêm họng, sưng amygdal, viêm khí quản, ho, viêm đường tiết niệu, đái dắt đái buốt, còn dùng trị thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới, giải độc lá ngón và nhân ngôn. Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, lở ngứa và vết thương chảy máu.

Ngày dùng 30-40g tươi. Dùng ngoài đắp chữa các vết thương do ngã gãy xương, bong gân và làm tan mụn nhọt. Người ta đã chế Rau má thành những dạng pomat để chữa các vết thương phần mềm cho mau liền da, liền sẹo.

Ðơn thuốc theo Từ điển cây thuốc Việt Nam:

1. Chảy máu chân răng, chảy máu cam và các chứng chảy máu: Rau má 30g, Cỏ mực và Trắc bá diệp mỗi vị 15g sao, sắc nước uống.

2. Khí hư bạch đới: Rau má phơi khô làm thành bột uống mỗi sáng dùng 2 thìa cà-phê.

3. Thống kinh, đau lưng, đau bụng, ăn kém uể oải: Rau má 30g, Ích mẫu 8g, Hương nhu 12g, Hậu phác 16g. Ðổ 600ml nước, sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.

4. Viêm hạch hạnh nhân (amygdal): Rau má tươi giã lấy nước cốt, hòa ít giấm nuốt từ từ.

5. Ho, đái buốt, đái dắt: Rau má tươi giã lấy nước cốt uống hoặc sắc uống.

6. Viêm tấy, mẩn ngứa: Rau má trộn dầu giấm ăn, hoặc giã nát vắt lấy nước, thêm đường uống.

7. Thuốc lợi sữa: Rau má ăn tươi hay luộc ăn cả cái và nước.

Đơn thuốc dịch theo  Nam phương trung thảo dược:

1. Trị viêm gan vàng da cấp tính: Rau má, Rễ tranh đều 30g; Cỏ ban 15g. Sắc uống.

2. Nhiễm trùng đường tiểu: Rau má 30g, Cỏ bờm ngựa, Rau mã đề, Tử hoa địa đinh đều 15g. Sắc nước uống.

3. Trúng nắng thổ tả: Rau má 30g, Cúc hoa 10g, Cam thảo 6g. Sắc uống.

4. Cổ họng sưng đau: Rau má 30g, Bản lam căn 15g. Sắc uống.

5. Viêm tuyến nước bọt cấp tính (Quai bị): Rau má30g, Bọ mẩy 15g. Sắc uống. Ngoài dùng rau má tươi lượng vừa đủ giã vắt nước hòa chút bột Thanh đại bôi.

6. Trúng độc nấm: Rau má 120g, Cải củ 500g. Giã nắt vắt nước uống.

Đối với người viết bài này, nếu được phép chọn  2  bài thuốc nam tâm đắc nhất trong đó có Rau má là đầu vị. Xin được đề cử là:

1. Bài thuốc nam trị ngứa “Rau má, Cỏ sữa, Khoai lang/ Đậu săng, Chó đẻ, miếng gan, cục đường”:  Rau má, Chó đẻ, Cỏ sữa nhỏ lá, Đậu săng, mỗi thứ một nắm (khoảng 60g tươi hoặc 30g khô), Khoai lang (một củ), đường bát (1/4 tán), gan heo tươi (1 lạng). Tất cả rửa sạch cho vào ấm sắc thuốc, đổ 2 bát nước, sắc còn 1 bát, chia uống 3 lần trong ngày. Không để qua đêm vì dễ thiu. Dùng 1 đến 3 thang là có kết quả cho các chứng ngứa ngoài da do huyết nhiệt, gan nóng hoặc do bệnh thận, rối loạn chức năng thần kinh, dị ứng…

2. Toa căn bản: Rau má 8g, Rễ tranh 8g, Lá muồng trâu 4g, Cỏ mần chầu 8g, Cỏ mực 8g, Cam thảo đất 8g, Ké đầu ngựa 8g, Củ sả 4g, Gừng tươi 4g, Vỏ quít 4g. Có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận gan, nhuận trường, lợi tiểu, giải độc và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tùy theo tình trạng của người bệnh và điều kiện của địa phương mà linh động gia giảm vị thuốc hoặc liều thuốc.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.