Kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái. Yêu cầu thúc bách được các nhà phân tích kinh tế thế giới đưa ra: toàn cầu hóa là con đường duy nhất để khôi phục kinh tế.
Công nhân điện tử làm việc tại Indonesia. |
Lòng tin của công chúng về hội nhập toàn cầu sứt mẻ nghiêm trọng khi mà kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, các thỏa thuận thương mại và niềm tin kết nối rộng rãi hơn trong tương lai bị lung lay. Tính cô lập và chính sách bảo hộ đã phá vỡ động cơ kinh tế, thương mại làm nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng suốt mấy thập niên qua.
Rất nhiều các nhà kinh tế thế giới đặt câu hỏi vì sao nền kinh tế toàn cầu phải thoát khỏi chủ nghĩa dân túy (những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường) và vì sao toàn cầu hóa lại “tai tiếng” như vậy? Đơn giản là sức ép và mục tiêu toàn cầu hóa gây khó khăn cho cả các nước phát triển và đang phát triển trong việc xây dựng chính sách thương mại có thể đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ở các nước phát triển, thương mại đảm nhận tăng trưởng kinh tế và sự tiến bộ của khoa học.
Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 1990 thương mại đã giúp giảm đi một nửa số lượng người nghèo đói cùng cực. Nhưng con số đó không thực sự ấn tượng bởi tính chất kém bền vững. Lý do là nếu như các nước có thu nhập cao không tích cực trong quá trình toàn cầu hóa thì những người nghèo nhất thế giới sẽ chịu hậu quả nặng nề.
Thương mại giúp thịnh vượng trong môi trường rộng mở với điều kiện mọi người sẵn sàng hành động cùng với những điều luật rõ ràng. Bằng không, sức ép nhiều phía của toàn cầu hóa có thể chuyển từ hợp tác sang… xung đột. Đó là lý do mà các nhà hoạch định chính sách tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất là các nước phải tháo dỡ tất cả các chính sách bảo hộ, cam kết không “bóp méo” thị trường toàn cầu. Thứ hai là các nước phải hợp lực để xây dựng luật thương mại quốc tế một cách hoàn chỉnh và tính hiệu quả trong việc thực hiện các cam kết đàm phán.
Thứ ba là các nước thành viên và các tổ chức như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần phải hợp tác làm việc để loại bỏ những rào cản làm tăng chi phí thương mại. Cụ thể là bãi bỏ trợ cấp nông nghiệp, loại bỏ các hạn chế về thương mại dịch vụ, cải thiện khả năng kết nối, thúc đẩy đầu tư - thương mại xuyên biên giới và tăng cường tài chính. Yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là các nước giàu hỗ trợ cho các nước đang phát triển để hòa nhập nhanh hơn vào quá trình toàn cầu hóa mà cụ thể hơn là xóa đói giảm nghèo. Đó không chỉ là mệnh lệnh của lương tâm mà còn là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Toàn cầu hóa phải len lỏi tới tất cả các nước, tới tất cả người dân, từ những công nhân bị thất nghiệp ở châu Âu hay Mỹ cho tới nông dân ở châu Phi hay Nam Á. Toàn cầu hóa còn đặt ra thử thách là phải bắt kịp công nghệ mới và cơ hội “làm lại từ đầu” cho những người thất bại. Nên nhớ rằng, khi chỉ mới có khái niệm tự do thương mại thì nhiều nước, nhiều người đã hưởng lợi từ sự thay đổi công nghệ nhanh chóng và các rào cản được dỡ bỏ. Nói như thế để thấy toàn cầu hóa là con đường duy nhất để khôi phục kinh tế thế giới.
ANH THƯ (Theo World Bank)