.

Trào lưu xăm hình nghệ thuật

.

Hiện nay giới trẻ tìm đến xăm nghệ thuật ngày càng nhiều và xã hội ngày càng cởi mở hơn với những hình xăm.

Khách xăm phải mất từ 2-3 tiếng, chịu đau đớn để có hình xăm đẹp. Ảnh:Q.T
Khách xăm phải mất từ 2-3 tiếng, chịu đau đớn để có hình xăm đẹp. Ảnh:Q.T

Như là món trang sức

“Hình xăm chỉ đóng vai trò như một món trang sức, hoàn toàn không liên quan gì đến phẩm chất đạo đức của mỗi con người”, Lê A. (sinh viên Trường ĐH Duy Tân) khẳng định. Kéo tay áo lên để “khoe” hình xăm là dòng chữ Ả Rập: Tự tin và bản lĩnh. A. kể, em đã xăm câu này khi học năm thứ 2. Lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản đi xăm vì thấy nhiều người có hình xăm rất đẹp. Khi đến tiệm xăm em mới chọn câu ý nghĩa để khắc lên cơ thể mình. Đến giờ, em chưa bao giờ hối hận vì đã đi xăm. Em thấy xăm hình nghệ thuật vừa mang lại giá trị thẩm mỹ, vừa mang lại giá trị tinh thần.

Cũng xem xăm mình là một trào lưu làm đẹp, là một phong cách sống mới của giới trẻ hiện đại, Thanh T. (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa-nghệ thuật Đà Nẵng), cho biết, cô sở hữu hai hình xăm: một nốt nhạc trên mu bàn tay và một bảng kẻ nhạc trên cánh tay. Hai hình xăm này nhắc cô đến niềm đam mê muôn thuở là âm nhạc. Cô yêu âm nhạc, yêu tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật và mượn hình xăm để tỏ bày. T. nhớ như in lần đầu mũi kim xăm chạm lên da thịt mỏng manh của mình. Mũi kim đi đến đâu, cô nhức nhối đến đó. Phải dùng lý trí để đấu tranh với thể xác rằng: xăm mình cũng giống như một lát cắt của cuộc sống. Nếu kiên định vượt qua khó khăn thì thành quả nhận được sẽ rất ngọt ngào.

Hai năm trở lại đây, trào lưu xăm hình nghệ thuật phát triển khá mạnh mẽ. Xã hội Việt Nam cũng dần có cái nhìn cởi mở với trào lưu này. Điển hình là vào cuối tháng 6 vừa qua, đại hội xăm hình nghệ thuật quốc tế (International Tattoo Convention 2016) lần đầu tiên được tổ chức tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội); quy tụ các nghệ sĩ xăm hình hàng đầu Việt Nam và thế giới, với mục đích đem nghệ thuật xăm “bước ra ánh sáng”, giúp công chúng hiểu rõ hơn về môn nghệ thuật vốn chịu định kiến thuộc “thế giới ngầm” trong một thời gian dài. “Xăm nghệ thuật không có “cửa” cho sự đua đòi, bồng bột. Đã qua rồi cái thời thất tình, chán đời… là đi xăm. Việc lựa chọn hình xăm cũng nói lên trình độ thẩm mỹ, sự am hiểu nhất định về xăm nghệ thuật của một người”, anh B. chủ tiệm xăm trên đường Lê Độ, cho biết.

Thợ xăm là một nghệ sĩ

Hầu hết những tiệm xăm hình đều có không gian khá nhỏ nhắn và được trang trí rất đẹp, đúng “chất” với đủ các loại hình xăm treo trên tường. Những người chọn nghề xăm đều có khiếu thẩm mỹ, có sự am hiểu về mỹ thuật, hội họa. Bước chân vào căn phòng nhỏ của tiệm Tattoo Lee Tuấn Tim trên đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, nghe vang lên những giai điệu nhạc Trịnh du dương, thi thoảng có tiếng xuýt xoa khe khẽ của khách hàng. Cả người thợ xăm và khách dồn hết sự chú ý vào đường đi của từng mũi máy. Cả hai đang trông đợi hình xăm - một “tác phẩm nghệ thuật” sắp hoàn thành. Nhìn anh Tuấn lúc này không khác gì một nghệ sĩ điêu khắc đang tập trung cao độ và say mê vào tác phẩm.

Anh Tuấn cho biết, quá trình xăm trải qua ba bước chính. Đầu tiên là đi nét, người xăm dùng kim nhỏ để đi đường viền theo mẫu scan hoặc nét vẽ trước đó. Bước này khá quan trọng, là nền tảng ban đầu quyết định vẻ đẹp của hình xăm. Tiếp đến là tô bóng. Bước này gồm hai phân đoạn là tạo mảng màu tối và lên màu cho hình xăm. Tùy theo kích thước của hình xăm, người xăm sẽ sử dụng những cỡ kim khác nhau để tô. Lưu ý ở bước này là nghệ sĩ xăm phải bảo đảm mực được xăm đều. Cuối cùng là làm sạch vùng da và bôi sản phẩm chăm sóc vết thương lên vùng da vừa được xăm. Để bảo đảm an toàn, người được xăm phải tuân thủ theo các lưu ý của người xăm về việc chăm sóc vùng da sau khi xăm.
Những năm gần đây, các tiệm xăm liên tục cập nhật những mẫu xăm mới cho khách lựa chọn. Nhiều khách hàng chuẩn bị sẵn mẫu xăm đem đến. Mẫu xăm được vẽ, tạo hình trên nền phần mềm photoshop trước rồi mới xăm nên các tiệm xăm không giới hạn mẫu. Với mẫu càng nhiều chi tiết thì càng đắt tiền. Tỷ lệ khách hàng là nam giới vẫn chiếm số lượng áp đảo với khoảng 70%.

Hiện xăm mình không còn là trào lưu tự phát: xăm tại nhà, bạn bè xăm cho nhau… nữa mà hầu hết những người muốn sở hữu hình xăm đều đến các cửa hàng uy tín. Bởi vậy, những người là thợ xăm phải trải qua một khóa học 2 năm. Tuy vậy, có trở thành thợ xăm giỏi hay không còn phụ thuộc vào năng khiếu thẩm mỹ, sự cần cù của mỗi người. Nhiều bạn là chủ tiệm xăm cho biết, “gu” xăm mình của người Việt khác với phương Tây. Người châu Âu thường xăm những hình được thiết kế công phu, mang hơi hướng ảo giác, còn người Việt Nam lại thường lựa chọn những hình thật gần như ảnh chụp. Do đó, người thợ xăm phải luôn luôn học hỏi, tiếp nhận cái mới.

Anh Minh, một thợ xăm chia sẻ thêm, ngoài tay nghề, người thợ xăm cần có cái tâm. Dẫu biết rằng, xăm hình không xấu, đó là nghệ thuật nhưng trong khi xã hội chưa hoàn toàn cảm thông thì việc muốn sở hữu hình xăm phải được suy nghĩ kỹ càng, thận trọng. Anh không bao giờ xăm cho những khách hàng dưới 18 tuổi. Thêm vào đó, anh chỉ đồng ý xăm những câu nói ý nghĩa, những hình tượng nghệ thuật, còn những từ ngữ như “Hận đời, buồn tình, khổ đau…” dù khách hàng trả bao nhiêu tiền anh cũng không làm.

Sự khác biệt bao giờ cũng gây nên tranh cãi. Nhưng đôi khi tốt hay không tốt, đẹp hay không đẹp còn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Tuy vậy, nếu chỉ xem xăm nghệ thuật đơn giản là… nghệ thuật, xã hội sẽ dễ dàng chấp nhận hình thức làm đẹp này.

QUỲNH TRANG - PHẠM HIỀN

;
.
.
.
.
.