Mùa tuyển sinh đại học năm ngoái, lời thú nhận của một ông bố “Cha con tôi đã thất bại trong mùa thi này” trên một tờ báo làm nhiều phụ huynh giật mình, nhìn lại cách giáo dục con. Nhưng một bài báo chỉ mới nói nỗi lòng của những bậc cha mẹ vốn “úm” con từ nhỏ, còn giáo dục con như thế nào, buông tay ra cho con trưởng thành vẫn còn xa vời lắm.
Bìa cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết! |
Ông bố đó thừa nhận, chính vì quá thận trọng khi yêu thương con, giáo dục con nên việc con nộp hồ sơ vào trường nào, ngành nào, cha hỏi con, con lại quay ra hỏi cha. Cuối cùng người quyết định lại là cha. Con đã không thể trở thành người lớn dù đã đủ tuổi trưởng thành. “Tôi thất vọng vì con trượt thì ít mà buồn vì con không đủ bản lĩnh thì nhiều. Tôi còn biết trách ai, ngoài chính bản thân mình?” (báo Tuổi trẻ, 25-8-2015).
Nguyên nhân là bởi những ông bố, bà mẹ không nỡ “thả” con ra vì những nỗi lo không bao giờ hết của người cha, người mẹ. Việc gọi dậy buổi sáng, rồi việc soạn thời khóa biểu, hay dò bài, hay kiểm tra bài, việc mua đồ dùng, tới thi trường gì, học nghề gì... toàn là ba mẹ làm. Những đứa con 18, 19 tuổi lớn xác điềm nhiên ngồi sau xe để mẹ chở đến trường. Thì tất yếu sẽ có những đứa con rụt rè, không đủ tự tin, quen “đặt đâu ngồi đấy”. Nên lỗi tại ba mẹ xem ra rất đúng.
Tôi vẫn không hiểu sao nhiều gia đình bảo bọc con như vậy, rồi đùng một ngày trọng đại, ngày con sẽ quyết định học ngành gì cho tương lai của con, thì nhiều ông bố bà mẹ bắt con tự quyết định lấy. Bắt con khi ra đường là đủ bản lĩnh, tự tin. Bắt con trưởng thành ngay lập tức mà không cần phải nỗ lực tập luyện. Tưởng cuộc sống vốn nhiều bất trắc, việc thi cử học hành ngày càng khó, cần phải để con rèn luyện qua làm việc nhà, qua giao tiếp ngoài xã hội, qua việc suy nghĩ độc lập để tự quyết định…, thì cha mẹ làm thay hết, rồi thất vọng về con và biết bảo bọc con sẽ sinh ra nhiều hệ lụy nhưng vẫn không thay đổi.
Trong cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết!, tác giả Thu Hà chia sẻ những câu chuyện của chính chị như Con còi - mỗi ngày là một cuộc chiến/ Nụ cười tươi hay ly sữa đắt tiền/ Tôi không cho con học chữ trước khi vào lớp 1/ Nét chữ không hẳn là nết người/ Làm sao để con tự giác học…
Đây là những bài viết được đúc rút từ quá trình làm mẹ, nuôi hai đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi lớn; từ chính kinh nghiệm của chị khi chị có 3 năm đứng trên bục giảng, 17 năm làm ở báo Hoa Học Trò, đọc hàng nghìn tâm sự của các bạn tuổi hoa. Những bài viết chia sẻ trong cuốn sách còn là những góp ý, chia sẻ của rất nhiều bà mẹ khác khi chị đưa những câu chuyện dạy con lên Facebook cá nhân. Những trải nghiệm trong việc nuôi dạy con này có thể là một cẩm nang cần thiết cho phụ huynh trong việc dạy con lối sống tự lập.
Tác giả Thu Hà viết trong bài, cũng là tựa cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”: “Ở nhà, Xu và Sim sàn sàn nhau. Cãi nhau hả? Kệ, các con tự nghĩ cách thương lượng và dàn xếp với nhau đi! Mẹ không biết. Ráp đồ không được hả?... Tìm trên google đi! Mẹ không biết! Con muốn đề nghị với chủ tiệm cái gì? Con muốn hỏi cô giáo điều gì? Con tự đề nghị đi, mẹ không biết! Bài toán hình này giải làm sao? Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ khác nhau thế nào?... Con tìm hiểu đi, mẹ không biết! “Mẹ không biết” nghĩa là tụi nó phải làm quen với việc tự đi tìm kiếm câu trả lời. Tuy rằng có nhiều lúc tìm ra câu trả lời trớt quớt, và giải pháp thì méo mó. Kệ đi! Hôm nay không nghĩ ra kịp, không tìm kiếm thấy, thì ngày mai. Đời con còn rất dài, luôn có đủ thời gian mà”.
Thế đấy, khi con tự nghĩ, là con tự tìm ra một giải pháp cho con, giải pháp đó sẽ ngày một chín hơn theo tuổi trưởng thành của con. Đó là cách để cho con tự lập (cả trong suy nghĩ và việc làm) và kết quả một bà mẹ nhận được là tinh thần tự do tuyệt đối. Và những kinh nghiệm, những lời khuyên trong sách Thu Hà chia sẻ với bạn đọc còn là những gì tác giả trải nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia tâm lý, chuyên gia về giới tính, các bác sĩ trong quá trình tác nghiệp và khi chị xách túi đi học trong những ngày tưởng là tận cùng của bế tắc.
Trong một bài viết khác, sau khi cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” xuất bản và được tái bản chỉ sau vài tháng, Thu Hà chia sẻ rằng: suy cho cùng thì mọi sinh vật trên hành tinh đều mong muốn con mình sau này tự sống được! Suy cho cùng thì cái gốc của giáo dục cũng là để trẻ con biết tự lập, không cần phải dựa dẫm vào bố mẹ, không cần phải để bố mẹ nuôi và lo lắng cho nữa. Con tự lập thì con sẽ tự do. Dạy con tự lập, là một hành trình dài, tôi đã đi và vẫn đang tiếp tục bước.
Con trẻ dù ở lứa tuổi nào cũng mong mỏi được bố mẹ tin tưởng. Cho con cơ hội để tự lập, để va vấp và trưởng thành, đó là một tình yêu bền vững nhất.
HOÀNG NHUNG
(*) Đọc sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”. Tác giả Thu Hà, Nhà Xuất bản Văn học và nhà sách Minh Châu ấn hành tháng 3-2016.