.
Nghĩ

Tình nguyện hay làm thay?

.

Mấy cô bác lớn tuổi trong khu phố tự nguyện đứng ra thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Công việc các bác tự giao cho mình là góp phần làm xanh, sạch một số tuyến đường, đặc biệt là những khu vực kinh doanh sầm uất và gần như thường xuyên ô nhiễm.

Ngày ra mắt câu lạc bộ, các cô bác mặc quần, áo, mũ đồng phục, nhìn vào là có thể nhận ra ngay “các bác bảo vệ môi trường”. Các bác còn sắm cả dụng cụ dọn dẹp vệ sinh, nói chung rất có sự đầu tư. Tuyến đường đầu tiên các bác “ra quân” chính là nơi luôn ô nhiễm vì rác do các hộ kinh doanh thẳng tay thải ra.

Nhìn một bên các bác lớn tuổi hăng say quét dọn như thể nếu có thêm vài đôi tay nữa các bác cũng sẵn sàng với thêm vài chiếc chổi để quét cho thật sạch, trong khi một bên, cách đó chừng hai bước chân, dọc theo lối các bác quét là dãy hàng buôn với la liệt rác. Rác khô, rác tươi, rác to, rác nhỏ cứ thế ngang nhiên được những chủ quầy trẻ trung, khỏe mạnh quăng xuống nền đường. “Lo gì, dù sao cũng có người dọn”, tôi trộm nghĩ vậy khi nhìn thấy hình ảnh này. Và cũng chợt nghĩ, việc dọn dẹp những thứ rác do các hộ kinh doanh vô ý thức thải ra phải chăng là công việc của những người làm tình nguyện?

Người kinh doanh phải có trách nhiệm bỏ rác đúng nơi quy định và có đơn vị chịu trách nhiệm thu gom dựa trên kinh phí các hộ này chi trả hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Đó là việc làm bình thường, hợp tình, hợp lý diễn ra bao lâu nay. Thế nên, có cần thiết đội tình nguyện của các bác phải “ra quân” trên những tuyến đường như thế này và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên từ nay về sau của câu lạc bộ mình. Nếu được, các bác, với vai trò người lớn tuổi có thể đến nhắc nhở những hộ kinh doanh không nên xả rác bừa bãi gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, như thế cũng đã là hành động quá hữu ích cho đời.

Nhớ lại cách đây không lâu, bỗng nhiên những buổi chiều tan tầm, trên con đường - nơi có đường sắt chạy cắt ngang và thường xuyên ùn ứ cục bộ lại xuất hiện đội thanh niên tình nguyện đứng xếp hàng, nắm tay nhau kéo dài làm “con lươn”. Những chàng trai, cô gái cứ chiều về lại chỉnh tề áo xanh tình nguyện làm “lươn” phân luồng giao thông. Nếu đây là hoạt động “ra quân” trong một dịp hoặc một sự kiện đặc biệt nào đó, như ngày có hàng ngàn học sinh đi thi, ngày có lễ hội lớn tụ tập đông người thì việc các bạn phải tăng cường nhằm giảm ùn tắc giao thông là chuyện đáng ghi nhận. Đằng này, ngày nào cũng như ngày nấy, con đường này vốn dĩ người người lao đi vô phép tắc như vậy thì lươn xi-măng cốt thép bên cạnh anh cảnh sát giao thông may ra mới có chút hiệu lực! Chưa kể, việc các bạn phải đứng chính giữa đường nhiều giờ, nơi có lưu lượng xe cộ quá đông có thể dẫn đến nguy cơ bị tai nạn giao thông, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không biết, việc “xả thân” làm “con lươn di động” là ý tưởng của ai, nhưng cũng may, một thời gian sau đó, “con lươn” này đột nhiên “lặn” đi đâu mất tăm chưa thấy xuất hiện trở lại. Không biết có ai đó cảm ơn các bạn tình nguyện đã “dũng cảm” có mặt nơi giao thông hỗn loạn này, nhưng từ ngày không thấy các bóng “áo xanh” đứng triền miên giữa đường nữa, một số người đi đường như tôi lại thấy nhẹ cả người.

“Tình nguyện” là hai chữ rất dễ hiểu và bao giờ cũng đẹp lung linh, nhưng tình nguyện chỗ nào và chỗ nào cần tình nguyện lại thật không dễ trả lời ngay lập tức, nhất là “tình nguyện” và “làm thay” đôi khi rất mập mờ.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.