Đà Nẵng cuối tuần
Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Cần sự chung tay
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chiếm phần lớn là do sự bất cẩn của người lớn. Phòng tránh TNTT cho trẻ, cần nâng cao ý thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, tập cho trẻ các kỹ năng giữ an toàn. Nhiều quan điểm hiện được các bậc cha mẹ ủng hộ là “theo sát trẻ không bằng dạy cho trẻ những kỹ năng đối phó với tai nạn”.
Trẻ học bơi trong dịp hè tại hồ bơi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Q.T |
Vì một phút chủ quan của người lớn
Đưa tay xoa vết sẹo dài trên trán cậu con trai 6 tuổi, chị Hồng Lụa (số nhà 392/29 Trưng Nữ Vương) kể, trong một lần chở con đi mua hàng, chị để con đứng phía trước nhưng lại quên tắt máy xe, cu cậu nghịch ngợm rồ ga phóng đi, đổ cả xe và người xuống đất. Cậu bé sợ hãi khóc thét, may mắn là chỉ phải may… 5 mũi.
Tai nạn nhớ đời đó khiến chị Lụa ân hận rất nhiều; bởi vẫn biết là do trẻ con hiếu động nhưng nếu mình cẩn thận hơn thì đâu đến nỗi. Hoặc nhiều gia đình có sở thích nuôi chó, mèo với tâm lý: trẻ con chơi với động vật sẽ có tâm hồn đẹp, biết yêu thương mọi người. Thế nhưng, những động vật bé nhỏ này có nguy cơ gây thương tích rất cao cho trẻ.
Mới đây, một gia đình ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà đã phải đưa một cậu bé 9 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng dại vì trong lúc chơi đùa với chú chó, cậu bé đã bị chó cào vào giữa mặt. Dù con chó đã được tiêm chủng nhưng do vị trí cắn gần các dây thần kinh trung ương nên bác sĩ khuyến cáo buộc phải tiêm ngừa.
Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích sao chép hành động của người lớn nhưng kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ gần như chưa được hình thành nên rất dễ bị TNTT. Đôi khi, chính căn nhà lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì cầu thang, ổ điện, các thiết bị nhà bếp, kể cả nhà tắm… đều có khả năng gây thương tích cho trẻ.
Tại khoa nhi các bệnh viện, vào mỗi dịp hè, Tết - thời điểm các bé ở nhà nhiều nhất, thì lượng bệnh nhi khám, cấp cứu vì tai nạn thương tích cũng theo đó tăng rõ rệt. Theo số liệu từ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trong 3 tháng hè vừa qua, bệnh viện tiếp nhận tổng cộng 319 ca cấp cứu TNTT trẻ em. Trong đó, tai nạn nhiều nhất là té ngã với 193 ca, 54 ca bị bỏng. Còn trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 của Sở Y tế thành phố, số trẻ bị TNTT ở trường học là 410 ca, cộng đồng là 621 ca, tại nhà là 989 ca.
Những TNTT nặng xảy ra với trẻ có thể để lại nỗi ân hận đeo đẳng các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ nhưng nhận thức của các bậc phụ huynh với việc phòng chống TNTT trẻ em lại chưa cao.
Hiện nay, khi lưu thông ngoài đường, không khó để bắt gặp hình ảnh những ông bố, bà mẹ chở con đến trường, bản thân thì đội mũ bảo hiểm nhưng không đội mũ bảo hiểm cho con. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan về phía trẻ em, người chăm sóc trẻ, cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan gây TNTT cho trẻ.
Đó là, Đà Nẵng nằm trên trục giao thông Bắc - Nam có nhiều tuyến quốc lộ, đường sắt đi qua; đường bờ biển dài, có sông và nhiều ao hồ, là một trong các tỉnh miền Trung hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng của bão lũ… là những nguyên nhân gây tử vong, TNTT cho trẻ em.
Bên cạnh đó, thành phố đang trong quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều công trình đang xây dựng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây TNTT. Vụ đuối nước thương tâm tháng 8 vừa qua tại khu vực điều tiết thuộc khu đô thị Phước Lý, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) khiến 2 bé gái học lớp 2 tử vong là một minh chứng đau lòng như vậy.
Nên dành sự quan tâm cho trẻ
Không thể tiên liệu trước vấn đề tai nạn xảy ra cho trẻ em nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể phòng, tránh TNTT. Nhiều quan điểm hiện được các bậc cha mẹ ủng hộ là “theo sát trẻ không bằng dạy cho trẻ những kỹ năng đối phó với tai nạn”. Như kỹ năng bơi lội, tham gia giao thông một cách an toàn… ngày càng được các trường học chú ý.
Dịp hè vừa qua, hơn 14.000 học sinh tiểu học, THCS học bơi là kết quả sau gần 2 tháng ngành giáo dục Đà Nẵng phát động phong trào dạy bơi – học bơi trên toàn thành phố. Con số này tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái.
Ông Trần Quốc Phong, chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết, nhận thức được tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc trang bị kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu Hội đồng Nhân dân thành phố đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5, khóa VIII nội dung “phổ cập bơi cho học sinh tiểu học”.
Chương trình dạy bơi được đưa vào các trường tiểu học, phấn đấu đến năm học 2016 - 2017 tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học của thành phố đều biết bơi. Ngành giáo dục phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính… đầu tư cơ sở hạ tầng và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
Theo ông Phong, việc đầu tư cho con em học bơi với các gia đình có điều kiện là đơn giản nhưng đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thì gần như đó là một gánh nặng.
Vì thế, ngành GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố ưu tiên xây dựng bể bơi cho các trường vùng khó khăn, bảo đảm kinh phí hoạt động để đào tạo miễn phí cho học sinh.
Trẻ em như búp trên cành, nếu được sống trong môi trường sống an toàn và lành mạnh, trẻ sẽ phát huy hết năng lực bản thân. Để làm được điều đó, cần sự chung tay góp sức của gia đình và cả cộng đồng.
Từ năm 2013-2015, toàn thành phố có 4.749 trẻ em bị TNTT, trong đó có 23 em tử vong. Nhóm trẻ em bị TNTT chủ yếu do té ngã, bỏng, đuối nước, tai nạn giao thông, súc vật cắn và ngộ độc thức ăn chiếm 92,7%. Tỷ lệ trẻ em nam bị TNTT cao hơn trẻ em nữ, số trẻ em TNTT chủ yếu ở độ tuổi 6-16 tuổi. Tỷ lệ trẻ em lứa tuổi tiểu học và THCS biết bơi và có khả năng tự cứu đuối thấp (32,6% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 39,3% số trẻ em THCS). (Nguồn: Kế hoạch Phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố). |
QUỲNH TRANG