Đà Nẵng cuối tuần

Tập kinh doanh

06:58, 11/09/2016 (GMT+7)

Kinh doanh trà sữa, đồ ăn vặt đang trở thành xu hướng kinh doanh của nhiều bạn trẻ hiện nay.

Những quán ăn vặt vỉa hè chủ yếu đón khách là các bạn trẻ. Ảnh: H.A
Những quán ăn vặt vỉa hè chủ yếu đón khách là các bạn trẻ. Ảnh: H.A

Đêm đến, đi dọc các tuyến đường lớn như Lê Duẩn, Hải Phòng, Phan Châu Trinh, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Thoại, dễ dàng gặp những quán trà sữa, đồ ăn vặt… do các bạn trẻ làm chủ. Gọi là quán nhưng chỉ có vài ba bộ bàn ghế con con, chiếc xe gỗ đựng đồ ăn thức uống được trang trí đèn nhấp nháy. Thực khách của các quán ăn vặt đa phần là giới trẻ. Những “ông bà chủ” trẻ tỏ ra cực kỳ nhanh nhạy với thị trường khi thường xuyên cập nhật thực đơn mới từ giới trẻ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình là đầu tháng 7 vừa rồi, trong khi giới trẻ thành phố Hồ Chí Minh đang “lên cơn nghiện” với xoài lắc, thì tại Đà Nẵng, hầu như tất cả các quán ăn vặt đều bổ sung món này vào thực đơn. Còn hiện nay, nếu hỏi món ăn vặt nào đang “thống lĩnh” thị trường thì có lẽ bạn trẻ nào cũng trả lời, đó là bánh mỳ nướng muối ớt!

Ngô Uyên (chủ quán trà sữa gần ga Đà Nẵng, đường Hải Phòng) thổ lộ, kinh doanh đồ ăn vặt, trà sữa không khó nhưng phải… chịu khó. Bởi đây là hình thức kinh doanh theo trào lưu. Người bán phải cực kỳ nhạy bén với xu hướng của giới trẻ. Ngoài thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu, Uyên thường xuyên truy cập các trang điện tử dành cho giới trẻ để cập nhật các món ăn mới.

Theo Bích Liên (chủ quán ăn vặt đường Lê Văn Hiến, đoạn gần Trường tiểu học Lê Lai) thì kinh doanh đồ ăn vặt khá đơn giản, lợi nhuận lại cao. Muốn mở một quán ăn vặt vỉa hè cũng khá dễ dàng vì vốn ít, trung bình khoảng 20 triệu đồng là đủ cho tất cả từ đóng xe, mua bàn ghế, ly tách, nguyên liệu... Đó là lý do ngày càng nhiều bạn trẻ thử sức với hình thức kinh doanh này.

Thời gian gần đây, số lượng các quán ăn vặt ở Đà Nẵng mọc lên như “nấm sau mưa”. Người người đổ xô mở quán ăn vặt. Chỉ tính riêng 2 con đường Châu Thị Vĩnh Tế và Phan Tứ (gần Trường Đại học Kinh tế, quận Ngũ Hành Sơn) đã có gần 30 quán. Đa số đều là các quán do một số bạn sinh viên (SV) chung vốn lại mở. Vốn nhiều thì thuê mặt bằng, vốn ít thì… vỉa hè! Trần Lâm (SV Trường ĐH Kinh tế) hài hước kể, Lâm chung vốn với 2 bạn nam cùng lớp để mở quán trà sữa. Ban đầu, nhóm chưa hề biết tự làm món gì cho mình ăn được, phải tự mày mò, học cách làm đồ uống từ các trang mạng. Sau 1 tháng thì… ơn trời, quá ngon rồi! “Tụi em chỉ mở quán vỉa hè bán cho vui, kiếm thêm ít tiền tiêu vặt. Tuy vậy, từ khi mở quán, tụi em học được nhiều điều. Đó là tinh thần trách nhiệm, cách làm việc tập thể”, Quang (cùng nhóm với Lâm) chia sẻ.

Mở ra nhiều, nhưng số quán đóng cửa chắc cũng không ít. Bởi khách hàng của những quán ăn vặt này đa phần là người trẻ, mà người trẻ thì thích thay đổi, nên chỉ cần thiếu nhanh nhạy, đồ ăn thức uống không ngon là vắng  khách. Việc mở quán dễ dàng khiến “vạn người bán, trăm người mua” cũng là nguyên nhân khiến nhiều quán mở ra được thời gian ngắn vì ế ẩm mà dẹp tiệm.

Lâm khẳng định, mặc dù đang nở rộ và buôn bán có lời nhưng nghề kinh doanh theo phong trào nhất thời này chỉ để kiếm lời trong thời gian ngắn chứ không thể lâu dài được. Tuy vậy, nếu có khả năng kinh doanh, đây sẽ là “sân chơi” cực kỳ thử thách mà không môn học nào trên giảng đường sánh bằng.

HẢI ÂU

.