.

Chủ động từ kịch bản

.

Mỗi kịch bản phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai đều hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Điện lực Đà Nẵng tập huấn công tác cứu hộ cứu nạn. (Ảnh do Điện lực Đà Nẵng cung cấp)
Điện lực Đà Nẵng tập huấn công tác cứu hộ cứu nạn. (Ảnh do Điện lực Đà Nẵng cung cấp)

Xây dựng kịch bản chặt chẽ

Đà Nẵng là địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả từ thiên tai, bão lũ. Ngoài lượng mưa trung bình cao so với cả nước (2.000 - 4.000mm/năm), mỗi năm Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1 đến 2 cơn bão mạnh trên cấp 10 và từ 1 đến 2 đợt lũ, lụt lớn trên mức báo động 3. Để hạn chế tác hại từ thiên tai, những năm gần đây,

Đà Nẵng chú trọng xây dựng 6 kịch bản phòng, chống bão lũ, lên phương án xử lý khi xảy ra bão và bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão, lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa hay sóng thần... Kịch bản được xây dựng với các nội dung chính, bao gồm công tác truyền thông, tổ chức ứng phó, sơ tán dân, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Trong đó, đơn vị chịu trách nhiệm điều hành, giám sát, lên phương án phòng chống thiên tai không giới hạn ở cấp UBND xã, phường, quận, huyện mà còn có sự tham gia đồng bộ của các lực lượng vũ trang như Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương…

Đơn cử, đối với Sở Công thương, thành phố yêu cầu khi xảy ra bão lũ phải phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng lập phương án phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm an toàn các khu vực khai thác khoáng sản, an toàn về nguồn điện và đường dây tải điện. Song song với công tác này, Sở Công thương chịu trách nhiệm chuẩn bị, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… cung ứng kịp thời cho nhân dân.

Chú trọng khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa bị chia cắt do thiên tai, triển khai bình ổn giá sau thiên tai; đánh giá tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, vật tư và đề xuất trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của đơn vị phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Trước khi xây dựng phương án phòng chống lụt bão, UBND các xã, phường tiến hành điều tra, khảo sát tình hình dân số, số nhân khẩu, hộ phải sơ tán ứng với từng kịch bản, kiểm tra chất lượng các công trình, cơ sở là nơi sơ tán nhân dân khi có bão, lũ. Để công tác sơ tán dân diễn ra thông suốt, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đà Nẵng liên tục thông báo tình hình mưa lũ đến người dân, đồng thời rà soát, nhắm chọn những nơi có cơ sở hạ tầng kiên cố như nhà chống bão, trường học, kể cả khách sạn để người dân lánh trú an toàn.

Những bài học đau lòng từ cơn bão Chanchu, Xangsane (năm 2006) khiến Đà Nẵng ngày một chủ động hơn trước diễn biến thất thường của thời tiết. Đơn cử, năm 2013, trước thông tin siêu bão Haiyan được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Trung, Đà Nẵng ngay lập tức gửi công điện khẩn đến UBND các quận, huyện yêu cầu dừng mọi cuộc họp, tập trung lên phương án, sẵn sàng ứng phó với bão. Tất cả học sinh trên địa bàn thành phố được nghỉ học, các khu công nghiệp, nhà máy, nhà kho, bến bãi ngừng hoạt động, chợ đóng cửa, người dân thực hiện chèn chống bảo đảm an toàn nhà cửa, cắt cử người trực 24/24 giờ các hồ, đập chứa nước, bảo đảm tính mạng con người, tài sản cho nhân dân. Bên cạnh đó, các lực lượng y tế, quân đội sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thuốc men, lương thực để ứng cứu người trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sơ tán gần 20.000 hộ dân (khoảng hơn 70.000 người) thuộc các quận, huyện ven biển, nhiều nhất là trên địa bàn huyện Hòa Vang và Liên Chiểu, Sơn Trà…

Mới đây nhất, để ứng phó bão Sarika (bão số 7), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn về khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, giữ thông tin liên lạc với các tàu. Đồng thời đề nghị UBND các cấp sẵn sàng phương án phòng chống bão, lũ; triển khai phương án sơ tán dân tại vùng trũng, thấp, vùng ven biển, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại các khu vực ven sông Cu Đê, Túy Loan; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng lũ lớn có thể xảy ra…

Công nhân Công ty Công viên cây xanh cắt cành cây hạn chế tình trạng cây đổ ngã do bão. Ảnh: T.Y
Công nhân Công ty Công viên cây xanh cắt cành cây hạn chế tình trạng cây đổ ngã do bão. Ảnh: T.Y

Chủ động thôi, chưa đủ

Năm 2015, Đà Nẵng ban hành Quyết định 5247/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) thành phố Đà Nẵng, thay thế cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn PCTT - TKCN Đà Nẵng thành lập năm 2004. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) là cơ quan thường trực, có văn phòng đặt tại số 353 Lê Thanh Nghị. Từ đây, công tác đối phó với thiên tai ngày một chủ động, bài bản hơn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hoàng Thanh Hòa cho hay, các phương án - ứng với từng kịch bản cụ thể - được xây dựng từ dưới lên, có thống kê chi tiết về phương tiện, lực lượng, chỉ huy, hậu cần. Ví dụ, với trường hợp bão mạnh từ cấp 8 đến cấp 11, thành phố cần sơ tán hơn 23.000 hộ thì siêu bão cấp 16-17 là trên 58.000 hộ. Cùng với đó, thành phố đã in 460 sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai, 18.000 sổ tay hướng dẫn phòng chống bão lũ và 70 cuốn phương án chuyển đến chính quyền và người dân thành phố.

Từ 10 năm nay, tình trạng sạt lở bờ sông Cu Đê, thuộc địa phận 2 thôn Quan Nam 3, Quan Nam 6 liên tục xảy ra không chỉ thu hẹp diện tích đất sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đường dây 110kV lưới điện quốc gia. Ông Ngô Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên tỏ ra lo lắng khi mỗi mùa mưa bão đi qua, Hòa Liên mất gần 2.000m2 đất sản xuất, dòng sông ăn sâu vào bờ hơn 3m. Năm 2016, để ứng phó với tình hình mưa bão, xã đã lên phương án sơ tán 732 hộ dân gồm 2.384 khẩu (theo phương thức tập trung và tại chỗ) đến vị trí trú ẩn an toàn. Cũng theo ông Tâm, địa phương từng kiến nghị với Trung ương và UBND thành phố cần xây dựng kè nhiều đoạn thuộc sông Cu Đê nhằm giúp dòng chảy mang tính ổn định, tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, vào mỗi mùa mưa bão, công tác bảo đảm an toàn hai hồ chứa Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) và Hòa Trung (xã Hòa Liên và Hòa Ninh) luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng cho biết hiện công ty đang quản lý, điều hành 2 hồ chứa trên cùng 2 đập dâng (An Trạch, Hà Thanh) và 11 trạm bơm, bảo đảm lượng nước tưới tiêu trên 4.000ha đất sản xuất/năm. Trước mỗi mùa mưa, đơn vị đều phát dọn cây cỏ, vệ sinh mặt đập, nạo vét các rãnh thoát nước trên mặt và thân đập, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị đóng mở tràn sâu và cống lấy nước.

Ví dụ, riêng hồ Đồng Nghệ, khi mực nước hồ lên +35,60m, tức là đạt mức nước dâng gia cường của hồ, có nguy cơ vỡ đập, lãnh đạo công ty sẽ phát lệnh báo động khẩn cấp, báo cáo tình hình cho UBND thành phố. Huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ sẵn sàng triển khai công tác sơ tán khoảng 48.900 người dân khi có lệnh, triển khai lực lượng hỗ trợ sơ tán đồng thời triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn ở vùng hạ du, tổ chức chốt chặn người và phương tiện không đi vào các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do vỡ hồ chứa.

Có thể nói, công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy công tác phòng, tránh là chính. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, rất nhiều trường hợp chết người xảy ra trong mưa bão là do sự chủ quan của người dân như không chịu sơ tán, lội qua vùng nước xoáy hoặc trèo lên mái nhà chằng chống nhà cửa khi bão đã đến rất gần.

Nhiều trường hợp, chính quyền buộc phải cưỡng chế người dân đi sơ tán. Để đi qua một mùa bão lũ an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, ngoài những kịch bản chủ động ứng phó như trên, thiết nghĩ người dân cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn cho mình và người thân khi xảy ra mưa, bão.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.