.

Một chặng đường gieo hạt, ươm mầm

.

Không tính hai lần tổ chức vào năm 1995-1996, khi chưa chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng được tổ chức lần đầu vào năm 1997, sau đó diễn ra thường niên, tính đến nay đã tròn 19 tuổi. Điều đáng nói, từ những ngày đầu trong sân chơi toàn quốc cho đến nay, Đà Nẵng luôn đạt những thành tích vượt trội, nhiều lần đoạt giải nhất tập thể, khẳng định vị thế của một trong những địa phương đi đầu trong phong trào bồi dưỡng năng khiếu và đam mê tin học trong học sinh các cấp.

Các thí sinh tập trung làm bài thi tại Hội thi Tin học trẻ thành phố.( Ảnh do Thành Đoàn cung cấp)
Các thí sinh tập trung làm bài thi tại Hội thi Tin học trẻ thành phố.( Ảnh do Thành Đoàn cung cấp)

Không ngừng nâng cao chất lượng

Nhìn lại 19 năm đã qua, Hội thi Tin học trẻ (gọi tắt là Hội thi) - nơi những học sinh tài năng, yêu thích Tin học, công nghệ thỏa sức sáng tạo - đã có những bước tiến dài. Ông Phan Minh Anh Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Khảo thí và kiểm tra chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo), một trong những người theo sát Hội thi từ những năm đầu kể, trong buổi đầu, mọi thứ rất “sơ khai”, đơn giản. Tai nạn “nhớ đời” nhất trong những năm đầu tổ chức Hội thi là chuyện mất bài thi của thí sinh vì lỗi kỹ thuật. Khi đó, cả học sinh, phụ huynh, cán bộ tổ chức, lẫn người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố phải “nháo nhào” đi tìm. Có bài tìm được, có bài “không cánh mà bay”, thí sinh phải làm lại. “Dù rất chật vật do còn hạn chế nhiều bề, nhưng từ ban tổ chức đến thí sinh đều nỗ lực hết mình, không ai nửa lời than vãn”, ông Tuấn nhớ lại.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thí sinh Đà Nẵng cũng như cả nước có điều kiện tiếp cận những công nghệ, hệ điều hành, phương pháp lập trình mới, hiện đại để thực hiện bài thi, thiết kế các phần mềm sáng tạo, diễn đàn chất lượng. Theo ông Tuấn, thí sinh hiện nay “giỏi, sáng tạo hơn rất nhiều”. Một học sinh lớp 6 đã có thể tự mày mò làm được trang điện tử tự học tiếng Anh. Nhiều học sinh THCS, THPT đã có thể làm ra được những sản phẩm thể hiện cái nhìn khá “già dặn”, thiết thực của các em đối với đời sống như đề tài: Hệ thống khay trồng rau tự động của em Nguyễn Phú Quý và Huỳnh Huy Hoàng (học sinh lớp 7/8 Trường THCS Tây Sơn); sản phẩm Rào chắn thông minh của nhóm học sinh lớp 8, lớp 9 (Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, quận Sơn Trà) được đánh giá có ý nghĩa rất lớn trong việc điều khiển giao thông tự động; Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị của em Ngô Quang Hiếu và Nguyễn Văn Linh (lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí ga của em Nguyễn Lê Lý Bằng và Võ Thị Thanh Tuyền (lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)…

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng - Cơ quan thường trực của Hội thi cho biết, lúc đầu hội thi mang tên là Hội thi Tin học trẻ không chuyên. Từ năm 2011, hội thi chính thức đổi tên thành Hội thi Tin học trẻ. Qua các năm, hội thi không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Nếu như năm 1997, hội thi cấp thành phố chỉ thu hút hơn 200 học sinh; cấp quận, huyện 1.211 học sinh thì đến năm 2007, các con số tương ứng là 299 và 2.142; năm 2014 là 756 và 4.032. Năm 2016, Hội thi cấp thành phố quy tụ 664 thí sinh. Nếu như lúc đầu, Hội thi chỉ giới hạn thí sinh tham gia ở bậc THCS, THPT thì sau đối tượng thí sinh được mở rộng đến tiểu học, bổ túc và giáo dục thường xuyên.

Theo lý giải của đại diện Ban tổ chức, số lượng học sinh tham gia Hội thi cấp thành phố không chênh lệch con số quá lớn qua các năm, thậm chí có năm sau ít hơn năm trước là do quy mô ổn định của cấp thi này, đồng thời càng về sau, ban tổ chức càng “thắt chặt” thể lệ, yêu cầu ngày càng cao, sàng lọc mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hội thi, thay vì khuyến khích thí sinh mạnh dạn tham gia những năm đầu. Nội dung thi cũng liên tục được điều chỉnh, thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, phần thi Diễn đàn trên Internet của tập thể, nhóm, cá nhân học sinh được bắt đầu đưa vào hội thi trong hai năm 2013 đến năm 2014, thời điểm mà các diễn đàn trên Internet phát triển rất mạnh mẽ. Và đây cũng là nét riêng của Hội thi cấp thành phố. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi không khí của các diễn đàn học sinh điều hành, quản lý không còn sôi động nên liên ngành thống nhất không tổ chức phần thi này. Năm 2015, phần thi lập trình phần cứng dành cho khối học sinh THCS và THPT được Ban tổ chức Hội thi đưa vào sau khi xem xét sự phù hợp, thế mạnh của các thí sinh Đà Nẵng trong các lần thi quốc gia tiếp tục tạo nên sức hút đặc biệt của hội thi, trong hai năm trở lại đây.

Tiếp tục hoàn thiện

Duy trì tính hấp dẫn, thu hút trong 19 năm tổ chức ở cấp thành phố, liên tục khẳng định vị thế hàng đầu trong sân chơi toàn quốc là những kết quả đáng khích lệ của công tác tổ chức Hội thi từ cấp trường, quận, huyện đến thành phố, đặc biệt là công tác phát hiện, bồi dưỡng những tài năng, năng khiếu Tin học trên ghế nhà trường. Thầy Nguyễn Tấn Đạt, giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến được phân công công tác bồi dưỡng đội tuyển thành phố (bậc THCS) đi thi toàn quốc, từ năm 2003 đến nay tự hào chia sẻ: “Thật may mắn cho chúng tôi khi được góp sức cho một phong trào học tập, sáng tạo công nghệ mạnh như Đà Nẵng. Chính sự say mê của các em học sinh đã truyền cảm hứng cho những người thầy như chúng tôi”. Cũng theo thầy Đạt, nhờ công tác tổ chức, sàng lọc tốt của Hội thi cấp thành phố mà Đà Nẵng mới có những thành tích nổi bật trong sân chơi toàn quốc, nhiều năm qua. Ngày càng nhiều học sinh giỏi công nghệ thông tin trên khắp thành phố được phát hiện. Nếu như những năm đầu, học sinh đoạt giải cao thường nằm vào các trường: tiểu học Phù Đổng, THCS Nguyễn Khuyến, THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám… thì nay, cơ hội được chia đều cho tất cả các trường của các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang…

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của những người tâm huyết, hội thi sẽ hoàn thiện hơn nếu nguồn kinh phí không có xu hướng dần eo hẹp như hiện nay. Các học sinh đam mê tin học và thầy cô bồi dưỡng sẽ cảm thấy được động viên nhiều hơn khi các giải có phần thưởng xứng đáng hơn. Việc quá nhiều hội thi lớn nhỏ được tổ chức theo chỉ đạo các cấp trên trong các nhà trường phổ thông khiến gánh nặng, áp lực đối với việc đầu tư cho tất cả là không nhỏ. Đề tài - mảnh đất cho sự sáng tạo ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, có ý kiến nên tích hợp một số hội thi, cuộc thi có mục đích gần giống nhau như kích thích sự sáng tạo của học sinh làm một, hoặc mạnh dạn bỏ bớt một số sân chơi không còn phù hợp…

Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng do liên ngành  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Viễn thông Đà Nẵng, Công ty cổ phần Softech, Cao đẳng Thực hành FPT, Hội Tin học thành phố và Trường Đại học Duy Tân phối hợp tổ chức dành cho học sinh Tiểu học, THCS, THPT thành phố Đà Nẵng. Hội thi nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc dạy và học Tin học trong các trường phổ thông, các  trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm Tin học - Ngoại ngữ, Tin học - Nghiệp vụ trong thành phố… (gọi chung là các đơn vị, trường học) nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ về công nghệ thông tin.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.