.
Nghĩ

Công Phượng phát tờ rơi

.

Những người hâm mộ và không hâm mộ Công Phượng từng tốn không ít tò mò trước đoạn phim ngắn “lộ” cảnh cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam phát tờ rơi tại ga tàu điện Nhật Bản. Chuyện chàng cầu thủ trẻ này đi phát tờ rơi còn gây “sốc” hơn cả những chuyện liên quan đến chuyên môn bóng đá.

Giờ thì Công Phượng vừa trở về Việt Nam và nhiều người chộp ngay cơ hội hỏi trắng đen cho rõ: Có thiệt là cầu thủ Công Phượng đi phát tờ rơi? Công Phượng cũng buộc phải “biện minh” khắp các “cơ quan truyền thông” lý do anh đi làm công việc đó…

Hóa ra, cái việc đứng ở nơi đông người và phát tờ thông báo, quảng cáo lại là chuyện quan trọng lắm chứ không còn là lao động đơn thuần. Như chàng cầu thủ này chia sẻ, các đồng đội của anh ở Nhật đều phải thay phiên làm việc đó, thường tình đến mức người ta chẳng bận tâm đặt câu hỏi “vì sao cầu thủ lại đi phát tờ rơi?”. Trong khi cầu thủ của họ chắc chắn không thua mình về đẳng cấp đá bóng, ít nhất cỡ Công Phượng cũng phải vác giày sang đó học hỏi.

Có chút vị trí, tiếng tăm hoặc muốn thể hiện vị trí, tiếng tăm mà đi làm công việc “đụng tay, đụng chân” coi bộ “đẳng cấp” vơi đi ít nhiều. Cứ nhìn nhau kiểu này thành ra việc lao động tay chân vốn bình thường lại bị coi… tầm thường và trở thành “chuẩn mực” trong đánh giá con người.

Thử xem có mấy bạn trẻ “quảng bá” mình bằng những hình ảnh mướt mồ hôi lau chùi quét dọn trong một hàng quán nào đó, hay tất cả đang hùa theo “sang chảnh” với những món ăn đẹp mắt, đồng hồ mới cóng trên bàn tay mới sơn, dù nhiều khi đó toàn là độ mượn để chụp lên khoe cho vui.

Chẳng trách, xã hội khốn đốn vì thừa thầy thiếu thợ mà nhà nào cũng giữ vững quyết tâm bằng mọi giá cho con có tấm bằng đại học để rạng danh. Không vào được trường công thì vào trường tư, không vào được ngành yêu thích thì học đại ngành nào đó, để ít ra ai hỏi con đang làm gì, dòng họ, cha mẹ và cả các con có thể ngẩng mặt lên cao giọng trả lời: sinh viên đại học X, Y, Z; chuyên ngành A, B, C. Chẳng mấy ai tự hào và tự tin khẳng định: Con tôi là thợ nề! Em học sửa xe! Cháu làm quét rác!

Chẳng trách, sự hiếu thảo của con cái còn thể hiện ở hành động buộc cha mẹ nghỉ lao động, ngồi nhà chơi không. Không ít người già nhớ nghề, nhớ việc, muốn ra chợ bán vài mớ trầu, bó hoa, nải chuối nhưng con cái bảo làm thế “xấu mặt” gia đình, sợ người ngoài đánh giá là kẻ bất hiếu không để ông bà “nghỉ ngơi”.

Ông thợ may dép năm nay đã gần 80 tuổi. Buổi sáng, ông ra chợ, đeo cái tạp dề, với tay vào sọt lấy mấy đôi dép đứt khách vứt sẵn trong đó rồi cặm cụi may. Chừng nào thấy mỏi thì ông nghỉ. Buổi chiều, ông quản lý tiệm vàng cho con. Khách vào mua vàng, không ít người nhìn ông mà miệng cứ há hốc: Trông bác quen quá, có phải bác may dép ngoài chợ không? “Đúng bác đây!”, nghe rõ vậy rồi mà nhiều người cứ hỏi đi hỏi lại vì không thể hiểu một người có con mở tiệm vàng thì tuổi già cần gì ra chợ may dép kiếm tiền.

Họ không hiểu nhưng ông già thì hiểu. Niềm vui của ông lúc này là mỗi ngày còn được sức khỏe để đụng tay, đụng chân may nên những đôi dép chắc chắn. Khách mang vừa ý, lần sau có đôi dép mới lại muốn tìm ông.

Ông già không thấy may dép “thấp hèn” hơn bán vàng. Câu lạc bộ bên đất Nhật, nơi Công Phượng thi đấu cũng không thấy để cầu thủ đi phát tờ rơi là “dìm hàng” những đôi chân vàng. Đơn giản chỉ là vậy.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.