Đà Nẵng cuối tuần

Trên đỉnh Ba Vì nghe câu hát

08:15, 16/10/2016 (GMT+7)

Tháng 12 năm 1972, khi Hà Nội mịt mù khói lửa của bom đạn Mỹ trong 12 ngày đêm ác liệt thì tiểu đội thông tin vô tuyến chúng tôi được Ban chỉ huy D2 (một tiểu đoàn độc lập, thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc) điều lên chốt ở núi Ba Vì, một trong những dải núi cao của đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô theo đường chim bay chừng hơn 30km. Ba Vì những năm 70 của thế kỷ trước còn rất hoang sơ và heo hút. Đường lên núi lởm chởm đá nhỏ, đá to, cây cối rậm rịt, lau lách phất phơ, rất khó đi lại… Nhiều buổi chiều, ra sườn núi ngắm mặt trời lặn, trong ánh hoàng hôn, chúng tôi thấy hàng đàn nai từ rừng sâu Ba Vì ra kiếm ăn, sắc da của chúng nhuộm vàng cả một khoảng cỏ xanh. Ba Vì, hồi ấy, đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

… Cái thế chân kiềng núi cứ ba
Trụ trời, trụ đất đứng nguy nga
Dưới chân núi đó, nhà em ở
Ngọn khói bồn chồn
thung lũng xa…

(Lên Ba Vì)

Tiểu đội thông tin chúng tôi trú quân ở lưng chừng núi, cách các mường bản ở chân Ba Vì đến 800m. Từ nơi chúng tôi ở lên đến đền thờ Thánh Tản Viên còn phải trèo hơn 400m đường rừng nữa. Là lính thông tin, mười anh em trong tiểu đội chúng tôi phải thay nhau trực máy suốt 24 tiếng đồng hồ. Nhiều đêm, ngồi bên chiếc máy vô tuyến nhìn về xuôi, chúng tôi thấy lửa bom, lửa đạn sáng rực một góc trời xa… Một hôm, vào quãng 10 giờ đêm, đang ngồi chờ đến phiên trực máy, mấy anh lính cùng tổ “tam tam” với tôi mở radio ra nghe. Từ chiếc đài bán dẫn cất lên tiếng hát lảnh lót của một bé gái chắc độ tuổi chín, mười:

Hôm qua em đến trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp…

Giọng ca của em sao mà hồn nhiên, mà trong sáng đến lạ thường. Giữa rừng khuya thanh vắng mấy anh em chúng tôi ngồi lặng yên bên chiếc radio như nuốt từng lời  của bài hát. Nhiều câu của bài hát được lặp đi lặp lại đến vài ba lần - chúng tôi lẩm nhẩm hát theo em bé:

Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi.

Nghe đến những câu này, trước mắt chúng tôi hiện lên rõ mồn một cảnh vật của đồi núi trung du. Là một giáo viên có hơn 10 năm dạy và học ở chiến khu Việt Bắc, với tôi cảnh núi rừng, sông suối, đồi cọ, vườn chè, nhà sàn, cọn nước…  là chốn thân quen… Bài hát đã gợi lên trong tôi bao kỷ niệm đẹp đẽ của những năm sống và làm việc ở các làng bản thuộc 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn. Các em học sinh Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Lô Lô, Sán Dìu, Giấy… mà tôi từng được gặp gỡ, được quen thân… không bao giờ mờ phai trong tâm trí tôi…

Bài hát đã chấm dứt, chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã chuyển sang phần mục khác mà mấy anh em chúng tôi vẫn ngồi lặng yên bên chiếc radio. Âm vang của bài hát thật là sâu lắng, gợi lên cho chúng tôi biết bao cảm xúc, nghĩ suy. Một đồng đội của tôi, vốn cũng là “dân giáo viên” xếp bút nghiên đi cầm súng, thốt lên:

“Sau này, chiến tranh kết thúc, nhất định mình sẽ xin trở lại với nghề dạy học, với các em học sinh quê mình…”.

Tâm niệm của bạn tôi cũng là ước mong của chính bản thân tôi và ước vọng ấy đã trở thành hiện thực sau Đại thắng mùa Xuân năm1975.

Trở về với mái nhà cũ, ngôi trường xưa, tôi tìm ngay đến thư viện để được đọc nguyên vẹn bài “Đi học” mà tôi đã được nghe lần đầu tiên trên núi Ba Vì. Thì ra bài hát này, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Minh Chính. Anh Minh Chính tên thật là Hoàng Minh Chính, sinh năm 1944, quê gốc ở Nam Định, nhưng gia đình lại lên lập nghiệp ở Phong Châu (Phú Thọ). Anh rất yêu thơ và biết làm thơ khi còn học ở bậc tiểu học. Năm 1963, đang học cấp 3 (PTTH) anh rời Trường Hùng Vương đi bộ đội và 2 lần vào chiến trường B (1966 và 1969). Tháng 3 năm 1970 nhà thơ Minh Chính hy sinh ở chiến trường K (Campuchia). Bài thơ Đi học, anh viết năm 1959 khi mới 15 tuổi. Ban đầu bài thơ này có đến hơn 6 khổ:

Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì

Hôm qua em đến trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp

Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thầm thì như tiếng mẹ

Dù bom rơi đạn nổ
Em vẫn học, vẫn hành
Vẫn ngắm màu cờ đỏ
Rạo rực giữa rừng xanh

Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Chiến hào chạy giữa lớp
Chẳng sợ gì máy bay

Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay

Mũ rơm thơm em đội
Hương cốm chen hương rừng

Mỗi lần em tới lớp
Là một lần lớn thêm.

Năm 1971, Nhà xuất bản Kim Đồng in bài thơ này trong một tuyển tập thơ thiếu nhi. Ngoài bài thơ Đi học, Minh Chính còn có một số bài thơ in trên các báo từ năm 1964 như các bài: Đường về quê mẹ, Cô gái lái đò, Dòng sông Công (1).

Gần  44 năm đã trôi qua, kể từ ngày lần đầu tiên tôi được nghe bài hát/bài thơ Đi học trên đỉnh núi Ba Vì. Được biết thêm về tác giả bài thơ, mỗi lần có dịp trò chuyện với các em học sinh, sinh viên về bài thơ/bài hát này, tôi đều xúc động. Người làm thơ đã ra chiến trường, đã nằm xuống, đã góp máu xương của mình để cho mái trường mãi mãi được cất cao lời thơ, tiếng hát giữa bầu trời trong lành, không một tiếng đạn nổ, bom rơi…

TRẦN HOÀNG


(1) Nguồn tài liệu lấy từ bài viết của cố nhà thơ Trần Hòa Bình in trong tập thơ “Thơ chọn với lời bình” (NXB Giáo dục- 1995) và bài viết của Đoàn Vị Thượng đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại số 3-9-2016.

.