.
TRUYỆN NGẮN

Chị Na về

.

Cuối hạ… Nắng như cố rót cho hết những hơi nóng cuối cùng còn sót lại trước khi nghỉ thu đông. Cánh đồng chẳng còn một giọt nước, cố oằn mình giữ cho khỏi nứt toe ra nhiều mảnh. Hàng dương liễu trên cát hứng chịu đã gần nửa tháng gió Lào nên khô sém dần một nửa thân lá bên hướng núi. Đất trời nén căng như chực nổ tung. Đường làng hâm hấp nóng, mỏi mòn chờ đợi những cơn giông. Cái quạt điện càng quay càng nóng, nên ông Chuẩn lại bỏ ra ngoài vườn cây, thả chiếc ghế nhựa bên gốc mít ngồi hóng gió đồng. Lặng gió, không một chiếc lá tre khẽ cựa mình. Cái quạt mo cau phe phẩy trên tay ông dường như cũng đã quá mỏi mệt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông Chuẩn bỗng dừng tay, đưa chiếc quạt lên quá trán che nắng, nheo nheo đôi mắt nhìn ra cánh đồng chói lóa, nói một mình: “Ai như con Na về!”

Đúng rồi! Chị Na về, chị lại về đúng theo chu kỳ mỗi năm hai bận: Hè và Tết. Tôi náo nức, hồi hộp như chính mình là người trong cuộc, là thằng Lực con trai của chị, đang bươn bả qua chỗ con mương thủy lợi khô nước, lở đất mòn vẹt một đoạn, mừng tủi dang tay đón mẹ. Mẹ con ôm nhau, mẹ khóc, con cũng khóc. Chú Vàng chạy theo sau bỡ ngỡ nhận ra người thân, vẫy đuôi ư ử.

Bỏ vội mấy cuốn sách, vở đang bao bọc lỡ dở vào thùng cát-tông, tôi lọt qua khe cửa hông, co cẳng chạy một mạch sang nhà thằng Lực. Mới hôm qua nó còn buồn xo than với tôi: “Gần khai giảng rồi mà răng chưa thấy mẹ về!”. Thấy bạn bè đứa nào cũng rộn ràng chuẩn bị quần áo, giày dép, sách vở… cho năm học mới, nó càng thêm rối trí. Tay cầm dây mũi bò mà mắt nó cứ đăm đăm nhìn sang hướng tỉnh lộ. Cái đầu thì nặng trĩu biết bao lo nghĩ về ngày khai giảng năm học mới. Bà Thao, ngoại nó, thì trước sau vẫn một câu ca cẩm không thay đổi: “Chờ mẹ mi về. Tau chừ già yếu, nuôi thân còn không nổi, lấy đâu ra tiền để sắm đồ đi học”.

Không hiểu sao tự dưng tôi lại muốn tận mắt được xem chị Na mở cái túi xách cũ, lấy ra từng dụng cụ học tập xinh xắn từ trong Nam mang về cho thằng Lực. Tôi cũng muốn xem chị Na có còn đẹp nổi trội trong số những phụ nữ chân lấm tay bùn của xóm Trầm Tây tựa núi nhìn sông này hay không. Dường như ở chị cái gì cũng sương khói mờ mờ tỏ tỏ, chẳng ngọn nguồn cho ra vạch. Và cũng chẳng bao giờ thuyết phục ngả ngũ đến tận cùng sự thật. Người khen chị, khen hết lời. Mà chê chị, cũng chê nghiệt ngã như mưa dầm nắng quái của vùng đất. Có phải vì vậy mà người ta ít gần gũi gia đình bà Thao và hay xa lánh thằng Lực? Ngay mẹ tôi, khi thấy tôi chơi thân với thằng Lực như anh em, cũng đã nhắc khéo: “Nó mới học lớp Bảy, con lớp Mười Một rồi mà sao cứ quấn quýt với nhau như hình bóng vậy? Lo mà học hành đi chớ”. Mẹ ngại điều chi ở chị Na và gia đình thằng Lực? Dân xứ Trầm Tây ngại điều chi ở những móng tay sơn đỏ của chị?  

Ngang qua ngõ nhà ông Thanh, chân tôi bỗng ríu lại, rồi như muốn khuỵu xuống khi nghe tiếng mụ Tình oang oang vọng ra: “Con đĩ Na lại về rồi kìa!”. Giọng đồng the thé của mụ khác chi là gió Lào đang tấp ran rát vào mặt tôi. Cứ mỗi bận chị Na về là y như ở cái xóm Trầm Tây quạnh quẽ này bắt đầu có lắm chuyện để nói. Những chuyện xưa rích từ hồi chị bỏ xứ ra đi cách đây hơn ba năm cũng được lôi ra từ gốc đến ngọn, từ chi tiết đến sự khái quát nghiệt ngã chẳng biết dựa vào đâu. Chung quy, người ta trách chị Na sao lại bỏ mẹ, bỏ con và ruộng vườn để đi làm đĩ. Mỹ miều hơn một chút là đi “bán thân
nuôi miệng”.

Vừa đi, tôi vừa tỉ mẩn gom hết những vết tích đời người chị Na thành nỗi băn khoăn của tuổi mới lớn. Suốt mấy năm trời chơi thân với thằng Lực, tôi vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích vì sao ở cái xóm quê mưa dầm nắng quái này mọi thứ lại bị tán vụn ra tủn mủn và xa xót đến nghiệt ngã? Cái kiểu đi về lầm lũi mỗi năm hai bận của chị vì sao cứ như là tội phạm bị truy nã? Chồng chị Na bị tai nạn giao thông chết sớm, chị oằn vai gánh nặng mẹ già, con dại trong khi một cục đất quăng chó cũng không có. Nếu chẳng tìm ra cách thoát khỏi sự luẩn quẩn thì chị để cả nhà chịu chết đói hay sao? Còn thằng Lực cũng lạ, chưa bao giờ nghe nó mở miệng khen chê nửa lời về mẹ. Chỉ thấy nó hay bụm mặt rưng rức khóc mỗi khi có ai đó xúc phạm đến mẹ nó. Tiếng khóc con trai bắt đầu vỡ giọng ồ ồ của người lớn nghe lạ tai và xúc động lắm. Khác với thằng Lực, bà Thao mà nghe ai đụng đến con gái mình thì bà chửi thẳng vô mặt. “Tổ cha nó, động mồ mả chi nhà nó. Làm thuê làm mướn chảy máu con mắt cho người ta mới kiếm được mấy đồng bạc nuôi con…”.

Chị Na ngồi bệt trên hiên đất, một bên là thằng Lực, một bên bà Thao. Ba mái đầu bạc, xanh và hoe vàng đang chụm vào nhau để săm se cái áo, cái quần đẹp chị Na vừa mang về. Con Vàng khoanh tròn bên bậc cửa, nghểnh đầu vểnh tai dự khán câu chuyện hội ngộ. Cạnh đó là mấy gói giấy, mấy bọc ni-lông đựng lỉnh kỉnh đủ thứ và một đống sách vở, bút thước, hộp màu, bảng con… Thằng Lực mặt tươi rói như vừa được điểm mười. Rồi bỗng nó đỏ mặt chỉ con búp bê nằm chình ình trên gạch: “Anh Tuấn xem nè, con trai lớp Bảy rồi mà mẹ còn mua búp bê!”. Chị Na cười chất phác: “Mua bán gì, người ta bỏ, mẹ tiếc mang về. Không dùng thì đem cho mấy đứa con gái trong xóm…”.

Tôi để ý thấy những móng tay, móng chân của chị Na không còn sơn đỏ như lần về Tết năm rồi. Và chợt nhận ra chị đã già đi nhanh quá. Những nếp nhăn trải nghiệm dọc ngang kẻ chỉ lên khuôn mặt hốc hác. Hai mắt trũng sâu như sự trầm tích biết bao cay đắng đời người. Trên đôi cánh tay trắng bệu, nổi rõ nhiều đường gân xanh số phận…

Chị Na lôi trong túi xách ra một chiếc áo sơ-mi, xoay người đặt vào tay tôi: “Đây là quà của chú Tuấn…”. Thấy tôi im lặng, sững người, chị tiếp: “Nhờ chú kèm cặp giúp đỡ mà thằng Lực nhà chị mới được học sinh giỏi. Chị biết ơn chú lắm… Chỉ sợ đời nó vì thiếu chữ mà khổ như đời chị…”.

Con chim quạch quạch làm tổ đâu trên cây mít sát hiên nhà chị Na. Mới hôm nào tôi và thằng Lực vừa theo dõi nó tha rác về lót ổ, nay nó lại tha mồi về để nuôi con. Thấy đông người khác hẳn mọi khi, nó lo lắng kêu “quạch quạch”, vừa xoay đầu nhìn láo liêng. Tôi cảm thấy không cần phải hỏi tôi, rằng chị Na làm gì ở trong Nam, rằng cho đến bao giờ chị mới chấm dứt hành trình mỗi năm hai bận đi-về? Tôi cũng không cần phải phân tích cho người làng Trầm Tây biết chị Na đang làm ô-sin ô-sa gì đó để kiếm tiền nuôi mẹ già, con dại. Tôi chỉ muốn, thật sự muốn, chị được khỏe mạnh, để mỗi năm hai bận đi về đều đặn, vào dịp hè và Tết Nguyên đán.

TIÊU ĐÌNH

;
.
.
.
.
.