.

Chăm chút từng bữa ăn

.

Không trực tiếp đứng ra dạy bảo các cháu, các cô cấp dưỡng ở trường mầm non (MN) luôn lặng thầm đứng phía sau, tiếp thêm nguồn dinh dưỡng quý giá, giúp các bé lớn khôn. Các bé có khỏe mạnh, ăn hết suất ăn của mình hay không, tất cả đều nhờ vào sự dốc sức, tận tâm, chăm chút từng bữa ăn nhỏ của những “bếp trưởng vĩ đại” này.

Các cô cấp dưỡng Trường Mầm non Bé Thông Minh sơ chế thức ăn, chuẩn bị bữa trưa cho các bé. Ảnh: H.N
Các cô cấp dưỡng Trường Mầm non Bé Thông Minh sơ chế thức ăn, chuẩn bị bữa trưa cho các bé. Ảnh: H.N

Như tâm sự của cô Huỳnh Thị Thọ, một nhà giáo có hơn 30 năm kinh nghiệm với trẻ mầm non: Với trẻ nhỏ, yếu tố được chăm sóc khỏe mạnh khi đến trường cao hơn hẳn việc các bé học được bao nhiêu bài hát, đọc được bao nhiêu bài thơ; các bé có khỏe mạnh mới vui chơi, đầu óc mới thông minh để tiếp thu những điều mới mẻ của thế giới xung quanh. Sức khỏe bắt nguồn từ chất lượng bữa ăn và vệ sinh trẻ, bảo vệ an toàn cho các cháu. Nếu không có ba yếu tố này thì chuyện học là vô nghĩa.

Công việc của những đầu bếp

Khuôn viên bếp ăn luôn là nơi “nóng” nhất ở các trường MN. Nóng không chỉ bởi hơi nóng khi đồng loạt các bếp đỏ lửa xào nấu thức ăn, đây còn là nơi các cô cấp dưỡng hầu như làm việc không ngơi tay để chuẩn bị 3-4 bữa ăn cho các bé mỗi ngày, dọn dẹp và rửa quay vòng vài trăm cái chén sau mỗi bữa ăn và hàng chục loại soong chảo…

Cô Huỳnh Thị Lan, tổ trưởng tổ nấu ăn của Trường MN Bé Thông Minh, quận Hải Châu đến trường vào đúng 5 giờ sáng mỗi ngày. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hơn 5 năm gắn bó với ngôi trường này, nhịp sinh học trong cô đã quen với giờ đó. Mở cửa nhà bếp là bắc ấm nấu nước sôi, chờ nhân viên của công ty thực phẩm giao hàng đến thì kiểm tra từng bó rau, củ khoai tây, cà rốt xem có cái nào bị giập, hỏng thì đề nghị họ đổi ngay… Cứ thế, các cô bắt đầu sơ chế phần thịt, cá, tẩm ướp các loại gia vị; hầm xương heo, xay thịt. Mùa này, các cô chỉ bắt đầu phần nấu nướng trước bữa ăn 30 phút, để bảo đảm món ăn đến từng lớp vẫn còn nóng sốt. Đúng 6 giờ 30, bữa ăn sáng cho các cháu ở các lớp đã được phân chia. Các cô giáo lên bếp ăn ở tầng 3 để nhận bữa ăn sáng, dùng xe đẩy đưa dồ ăn tới từng lớp học.

Bữa sáng của các bé rất đa dạng. Các bé nhà trẻ có thể ăn cháo, súp, thì các bé lớp mẫu giáo có thể được ăn bún, cháo, mì Quảng. Nên ngay từ bữa sáng, việc chế biến món ăn của các cô cấp dưỡng buộc phải đa dạng. Sau bữa sáng, các cô thu dọn và rửa chén bát, đồ dùng nhà bếp rồi quay sang pha sữa cho các bé. Ngay sau đó lại nhanh chóng lo phục vụ bữa trưa. Chưa đầy 9 giờ mà phòng bếp chính đã hầm hập hơi nóng. Cô Lan cho biết: tủ hấp cơm được chia làm nhiều ngăn. Mỗi bữa các cô phải canh nước, đổ sao cho vừa để có 3 loại cơm cho các bé (cơm nhão, cơm vừa và cơm khô). Có nhiều bé không ăn được cơm, thế là trên bếp tiếp tục có thêm 2 loại cháo đặc và loãng.

Ở khu vực sơ chế, các cô bận bịu luôn tay, người thái thịt, người rửa rau, người gọt bí, để chuẩn bị bữa trưa có nhiều món hơn so với bữa sáng. 10 giờ, lặp lại quy trình phân chia thức ăn theo đúng thực đơn từng lớp, đúng với từng khẩu vị của từng lớp/từng bé.

Mỗi ngày, chỉ với riêng món cháo, các cô cấp dưỡng ở Trường MN Bé Thông Minh đã phải chuẩn bị 3 loại gồm cháo ếch, cá (hoặc lươn) và cháo thịt bò. Riêng cá và lươn, các cô phải ướp thêm củ nén và nghệ để khử mùi tanh. Buổi trưa của các bé, đặc biệt là bé nhà trẻ đôi khi kéo dài đến hơn 11 giờ. Bữa trưa cho cô giáo, một người đến phòng ăn thì một cô ở lại giữ cháu và vệ sinh lớp. Thường đến hơn 12 giờ 30 mới hoàn tất mọi việc. Sau thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, các cô lại lục đục dậy lo cho bữa ăn xế của các cháu, thường diễn ra vào khoảng 2 giờ 30 chiều với các món ăn nhẹ như: phở, bún, bánh canh, cháo…

Với những trường tư thục, xong bữa xế, đội ngũ cấp dưỡng lại tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh bếp núc, chuẩn bị cho bữa ăn tối khi đã 4 giờ chiều.  Và giờ nghỉ của bộ phận cấp dưỡng thường kết thúc sau lúc 5 giờ 30 chiều.

Cô Trần Thị Phương Đông, tổ trưởng tổ bếp Trường MN Bình Minh, quận Hải Châu cho rằng công việc của mình không nặng, nhưng phải làm liên tục, chẳng mấy khi ngơi tay: “Hồi mới vô làm hơn một năm trước, em chưa quen vì nêm nếm ở nhà mình đôi khi có chút mì chính lại dễ nấu, nấu ở trường cho các bé lại không dùng mì chính, hạt nêm nên bữa đầu nấu chưa ngon, sau thì quen dần. Vui nhất là những hôm cô giáo thông báo các bé ăn hết suất, còn những hôm nấu ra mà các con ăn còn dư thì buồn lắm. Mấy đứa nhỏ cũng giống con mình ở nhà, nấu mà nó ăn hết mới vui”. Ban giám hiệu Trường MN Bình Minh thỉnh thoảng bố trí cho các cô cấp dưỡng đến các lớp phụ cô giáo cho trẻ ăn. Cách giao tiếp giữa “người nấu” và “người thưởng thức” như vậy giúp các cô hiểu được khẩu vị, sở thích để đầu tư hơn nữa vào việc chế biến món ăn sao cho vừa, cho khéo.

Nấu ăn bằng cả tấm lòng

Một ngày trong bếp ăn của các trường MN, mới thấy công việc cấp dưỡng tưởng chừng đơn giản nhưng thật vất vả. Ở các trường có số lượng học sinh đông, việc chế biến, nấu ăn, dọn dẹp càng phức tạp. Ở Trường MN Bé Thông Minh có 3 cô/200 cháu; Trường MN Bình Minh có 5 cô/300 cháu. Để có được bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cháu, các nhân viên cấp dưỡng phải làm việc cật lực, liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Hôm tôi đến, một cô bé lớp mẫu giáo nhỡ bảo với cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh trong khi chờ mẹ đến đón: “Hôm nay con được ăn cháo chocolate, ngon lắm!”. Thực ra, đó là món cháo nấu với đậu đỏ. Cô Phương Đông cho biết là đậu đỏ sau khi hầm nhừ, xay nhuyễn, lọc rồi nấu với cháo thịt, nên mới có bát cháo màu đỏ giống như “cháo chocolate” mà bé nhầm tưởng. Và việc sáng tạo trong thực đơn, chế biến làm sao để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, ngon, đẹp, hấp dẫn các bé còn là yêu cầu mà Ban giám hiệu các trường đặt ra với cấp dưỡng các bếp. “Cách đây gần năm, có lần các bé ăn ít quá, em đoán là hôm đó em nấu không ngon. Em lên phòng chị Trâm ngồi khóc, vì buồn quá. Chị ấy động viên mãi, em mới nguôi”, cô Phương Đông thật thà kể.

Cô Thư Trâm cho biết, việc tuân thủ quy trình chặt chẽ trong lựa chọn thực phẩm tươi, ngon; quá trình sơ chế và nấu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… luôn là yêu cầu hàng đầu của các trường. Vì muốn trẻ học tốt thì trước hết phải phát triển thể lực. Nhờ đó, từ tổng số 50 cháu cách đây hơn 4 năm, giờ Trường MN Bình Minh có 300 cháu, là một trong 5 trường xuất sắc của ngành MN quận Hải Châu.

Cô Huỳnh Thị Lan cũng cho rằng, sức khỏe, tâm trạng của các cô cấp dưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. “Hôm nào mình mệt là y như hôm đó nêm nếm không chuẩn, thức ăn không ngon bằng. Nên việc thật khỏe, vui vẻ để có bữa ăn ngon cho trẻ cũng là mục tiêu phấn đấu của các cô nhà bếp chúng tôi”. Cô Đỗ Thị Kiều Hạnh, Hiệu trưởng Trường MN Bé Thông Minh cho biết thêm: “Với trường tư thục, nhiều bé bị bệnh, hoặc chăm sóc khó được cha mẹ gửi vào, nhiều khi một lớp có chừng 20 cháu, mà có đến 3-4 cháu có chế độ ăn riêng biệt, buộc các cô cấp dưỡng phải linh động hơn trong chế biến, có thức ăn thay thế. Chúng tôi nắm rõ đặc điểm từng học sinh để chuyển dần chế độ ăn, giúp các bé làm quen. Nhờ đó mấy tháng đầu nhiều bé ăn chế độ riêng, khi lên đến mẫu giáo sẽ quen dần với các bạn”.

Với những trẻ mầm non, nếu không có những người “đầu bếp” chiều lòng thực khách của mình, chăm chút trong từng bữa ăn như thế, thì làm sao có được “bé khỏe, bé ngoan”. Nhưng họ luôn là những người khuất sau những lời chúc, những giỏ hoa tươi thắm của ngày Nhà giáo. Ngày đó, lịch làm việc của các cô vẫn kín mít từ sáng sớm đến chiều. Nhưng không hề gì, ngày nào các con ăn hết món ăn, và buột miệng nói với cô giáo “cô ơi hôm nay cơm ngon quá!”, lời nói ấy sẽ được chuyển đến các đầu bếp tài ba, giúp họ vui, một niềm vui thầm kín.  

Theo số liệu từ Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, toàn thành phố có 183 trường MN công lập và tư thục (không kể nhóm lớp độc lập tư thục); trung bình mỗi trường có 3-5 cô cấp dưỡng phục vụ bữa ăn cho trẻ.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.