.

Đà Nẵng, đi nhớ - ở thương

.

Đà Nẵng trong ký ức tuổi thơ tôi là một nơi nào đó xa xôi lắm. Đó là nơi mà mỗi tháng một hoặc hai lần chị em tôi mong chú đưa thư đến. Thư của bố gửi về được đóng dấu một huyện nào đó của thành phố Đà Nẵng. Những lúc như thế chị em tôi thường ngồi tỉ mỉ gỡ những chiếc tem ra dán vào cuốn sổ, và thường háo hức chờ đợi thư lần tới tem sẽ có hình gì, có xinh không.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đà Nẵng trong ký ức tuổi thơ tôi là mỗi lần bố về thăm mang theo một mùi hương thật lạ. Tôi không biết đó là mùi nước hoa hay là mùi của một loại dầu nào đó, nhưng nó không có ở quê tôi. Nó chỉ thoảng trên hành lý, trên chiếc áo bố thường hay mặc. Những lần bố về thăm, chúng tôi mê tít thò lò những tấm đường phổi vàng ngọt tê đầu lưỡi, những cục đường phèn trắng và trong lạ lẫm, ngậm hoài mới tan.

Bố công tác ở xa, năm mới về một đôi lần. Có những năm Tết bố bận trực không về, Đà Nẵng là nơi tôi gửi những mong ước nhớ thương cho bố qua tờ giấy học trò với những nét bút vụng về thơ dại. Đó là nơi mẹ tôi ngóng chờ mòn cả tuổi thanh xuân bởi những yêu thương mong nhớ.

Học hết cấp hai, theo phong trào nghỉ học của thanh niên trong làng thời bấy giờ, anh tôi cũng đòi nghỉ học. Mẹ tôi khuyên hết nước mắt, nhưng bố tôi bảo “Nó thích nghỉ thì cho nó nghỉ. Nó không thích làm thầy thì cho đi làm thợ”. Vậy là anh tôi xếp hành lý lên đường vào ở với bố, học nghề rồi đi làm công nhân. Nỗi nhớ mong về Đà Nẵng từ đó mang tên hai người. Thuở nhỏ, lũ trẻ chúng tôi chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng, nên tôi chẳng biết từ Nghệ An quê tôi vào Đà Nẵng bao xa. Nhưng mỗi lần về thăm, bố và anh phải đi từ chiều tối hôm trước, sáng hôm sau mới về tới nhà. Vậy nên với tôi, Đà Nẵng xa lơ xa lắc.

Tốt nghiệp cấp ba, tôi chọn Đà Nẵng là nơi ươm mầm những ước mơ. Bạn bè hỏi tôi sao lại đăng ký thi một trường xa thế. Tôi chỉ muốn đến nơi bố tôi đã dành hơn nửa cuộc đời mưu sinh từ ngày tôi còn chưa ra đời đến khi tôi bước chân vào đại học. Tôi muốn đến nơi đã giúp anh tôi trưởng thành hơn, là nơi anh đã yêu như yêu chính quê hương mình bởi chính mảnh đất này đã sinh ra người con gái anh yêu, người mà sau này anh gọi là “vợ”.

Và giờ, tuy không còn ở Đà Nẵng, nhưng mỗi khi xem ti-vi, đọc báo hay nghe ai đó nhắc về thành phố ấy, trong tôi vẫn xao xuyến đến lạ kỳ một nỗi mến thương. Đó là nơi bốn năm trời với biết bao kỷ niệm thời sinh viên. Là nơi đã chứng kiến bao đêm tôi khóc thầm với những đổ vỡ và mất mát đầu tiên trong đời. Là nơi tôi đã gặp anh, yêu anh để sau này thành chồng thành vợ.

Tôi nhớ khu chợ Hòa Khánh tấp nập mỗi đêm với những món ăn dân dã, thú vị. Nhớ những đêm mùa thi thức khuya nghe chú bán hủ tiếu rao mà bụng đói cồn cào. Nhớ những tô mì Quảng đậm đà thơm phức. Nhớ mùi hương hoa sữa nồng nàn những buổi tối chớm mùa đông nơi anh và tôi vẫn thường thẩn thơ cuối con đường Phạm Như Xương đến cổng trường sư phạm. Nhớ lần tôi và anh thức sáng đêm chỉ để chờ xem chiếc cầu quay nơi sông Hàn có gì hấp dẫn.

Tôi nhớ em, cậu em học sau một khóa nhưng cùng khoa có nhiều nỗi niềm tâm sự. Em lớn lên trong một gia đình hạnh phúc không tròn vẹn. Tuổi thơ em đầy tủi hờn và mặc cảm bởi sự hững hờ giữa mẹ cha. Có đôi lần tôi và em tản bộ nơi con đường vắng đêm khuya, sương đêm xuống ướt lạnh, giọng em buồn buồn ướt sũng. Em kể tôi nghe những lần em đến trại trẻ mồ côi và không hiểu tại sao người ta có thể nhẫn tâm vứt bỏ những đứa con đẹp tựa thiên thần như thế. Em kể về mối tình đầu của em với người con gái hơn em mấy tuổi và day dứt không hiểu vì sao chị ấy lại đột ngột bỏ em đi lấy chồng không một lời phân trần bày tỏ. Ở đời có bao nhiêu câu hỏi, thực ra chẳng cần phải tìm đáp án, bởi nếu có nó cũng chỉ là đáp án buồn mà thôi.

Một lần, em chỉ cho tôi cụ ông nhặt ve chai đang lững thững vác chiếc bao tải ven đường rồi hỏi: “Chị nghĩ bây giờ ông ấy đang mong gì?”. Tôi lắc đầu không biết. Em mỉm cười: “Em nghĩ ông ấy đang ước mình sẽ gặp một đống ve chai thật to. Ước mơ, đối với một số người  rất lớn lao, nhưng với nhiều người lại rất bình dị, chỉ là đủ ấm êm cho cuộc sống mỗi ngày. Giống như em, thèm một bữa cơm sum vầy thật khó”. Tôi và em đã từng có dịp hát chung một bài trên sân khấu, bài hát mang tên “Giận mà thương”. Ngày đó qua lâu rồi, vậy mà mỗi lần thoáng nghe bài hát đó nơi đâu tôi lại nhớ về em với muôn lời cầu chúc.

Lần mới nhất tôi đến Đà Nẵng là những ngày chớm đông vừa rồi. Gặp lại Đà Nẵng sau gần 10 năm xa cách vào một buổi sáng tinh mơ có mưa bay và gió thổi. Ngồi nhấp ngụm cà-phê bên vỉa hè, nghe giọng cô bán hàng ngọt lịm: “Lại sắp hết năm rồi đó con. Thời gian trôi nhanh như chạy”. Đến Đà Nẵng thích nhất là cách xưng hô của người Đà Nẵng, dẫu bạn đến từ đâu, dẫu xa lạ ngàn trùng vẫn được gọi bằng một từ “con” ngọt ngào, ấm áp.

Lướt qua con đường tôi vẫn thường hay qua, những biển hiệu hàng quán cũng đem lại một cảm giác gần gũi thân thương. Đến ngã ba Huế ngỡ như mình đi nhầm đường, cái ngã ba có đường sắt chạy qua ngày nào tôi vẫn đạp xe qua mỗi tuần giờ hiện lên chiếc cầu vượt vòng vèo lung linh đèn màu trong sương sớm. Chỉ thế thôi cũng đủ nhận ra Đà Nẵng đẹp hơn, lớn hơn nhiều lắm. Trong quán cà-phê ven đường có tiếng nhạc đang ngân lên, ca khúc ấy tôi đã thuộc làu làu, chưa bao giờ quên một ca từ dẫu nhiều năm không hát lại: “Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng. Như tình cha muối mặn. Như tình mẹ gừng cay…”

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.