.

Nhọc nhằn... bảy đáp

.

Theo phương ngữ Trung Bộ, “bảy đáp” là người làm nghề buôn bán và giết mổ heo/bò, đã đi vào câu ca dân gian: Không thương ai bằng thương anh bảy đáp/ Ảnh làm heo rồi mình có tim có cật mình ăn.

Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng có gần 300 người làm đêm, chưa kể đội ngũ xe chuyên dụng chở thịt đi phân phối khắp thành phố. Ảnh: V.T.L
Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng có gần 300 người làm đêm, chưa kể đội ngũ xe chuyên dụng chở thịt đi phân phối khắp thành phố. Ảnh: V.T.L

Vào nghề bảy đáp làm phải chấp nhận lấy đêm làm ngày, ngoài sức khỏe dẻo dai còn phải được trang bị một số “chuyên môn” không được dạy bày trường lớp mà qua thực tế truyền nghề của người đi trước - ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2, cho biết.

Máy móc vơi nhẹ sức người

Lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của HTX này đặt ở tổ 3 thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, mỗi đêm “đỏ đèn” từ 3 giờ đến 5 giờ sáng. Công suất thiết kế mỗi đêm có thể giết mổ 50 con heo, 100 con gà, nhưng thực tế chỉ đạt chưa tới một nửa. 3 người làm gà, 8 người làm heo, chủ yếu là của các chủ kinh doanh heo, gà đến thuê mặt bằng và dụng cụ các loại để giết mổ tập trung. HTX chỉ làm dịch vụ nấu nước sôi, bảo vệ heo/gà của các chủ gửi trước để chờ giết mổ.

Nói là “bảy đáp”, nhưng cũng cần phải có chuyên môn. Có nghề, mổ con nào con nấy gọn bưng. Không nghề, “điểm huyệt” trật chỗ là heo quẫy đạp tùm lum, máu văng tung tóe, vừa mất vệ sinh, vừa phản cảm.

Làm nghề này phải có sức mạnh. Người yếu kéo con heo còn không nổi (mỗi con nặng 60-70kg, nhưng cũng có con nặng trên 1 tạ) chứ chưa nói đến việc heo quẫy mạnh. Vì thế, người “trẻ” nhất ở đây cũng đã xấp xỉ tuổi 37. Người làm giỏi nhất là Nguyễn Công, tuổi cũng đã 41. Công người thôn Yến Nê 2, ngày làm “thợ đụng”, bửa củi, đào mương, vác lúa... Tối anh lên HTX mổ heo, một mình có thể “hạ đo ván” rồi xẻ thịt mỗi đêm 5-6 con heo, một “kỷ lục” đáng gờm.

Khác với lò mổ Hòa Tiến, ở Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Procimex Việt Nam, đóng tại Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), trong gần 300 người trực tiếp sản xuất thì số dưới 35 tuổi chiếm đến 60%, chủ yếu là làm thuê cho các chủ buôn heo/bò vào giết mổ tập trung tại trung tâm. Cơ sở được cho là chợ đầu mối gia súc, gia cầm của thành phố này “đỏ đèn” từ 0 giờ đến 6 giờ sáng, mỗi đêm “xuất xưởng” 60-70 tấn thịt gia súc, 20-30 tấn thịt gia cầm. Vì thế, theo ông Lê Tất Chánh, Giám đốc Trung tâm, không có sức khỏe thì không thể “chiến đấu” dài hơi được.

Nửa đêm về sáng, cả trung tâm nhộn nhịp như chợ Tết. Trong khu sản xuất, những thanh niên lực lưỡng để lộ những bắp thịt nở nang dưới ánh đèn điện, luôn tay làm việc. Tiếng heo kêu, tiếng người gọi khuấy động cả màn đêm. Ngoài sân, các loại ô-tô, xe máy chuyên dụng chờ lấy thịt chuyển khắp thành phố. Ông Chánh cho biết, từ năm 2013, thành phố đã hỗ trợ cho 60 người chạy xe ôm, mỗi người 3 triệu đồng để lắp đặt thùng kín chở thành phẩm gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mỹ quan đô thị.

Ngày trước làm toàn thủ công, nay đã “công nghiệp hóa” được 50%. Từ tháng 6-2014, các hệ thống tời, cẩu, giàn treo... sau khi được lắp đặt đã làm thay người những công đoạn nặng nhọc nhất. “Nếu không có máy móc giúp thì sức thanh niên có giỏi đằng trời sau một thời gian cũng “bó tay”, anh Phan Bình Định, 22 tuổi, nhà ở tổ 144 Đà Sơn, làm ở trung tâm được 3 năm nay, chia sẻ.

Thức đêm cùng những người làm nghề bảy đáp là cán bộ thú y. Ảnh: V.T.L
Thức đêm cùng những người làm nghề bảy đáp là cán bộ thú y. Ảnh: V.T.L

Nhọc nhằn ca đêm

Có lẽ không ai gọi nghề giết mổ gia cầm là nghề bảy đáp, nhưng cái nghề “đồ tể” đối với gà/vịt này cũng vất vả, nhọc nhằn không kém. Cơ sở giết mổ gia cầm Hà Thị Thanh Hoa ở tổ 53A Thanh Vinh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, có 12 người trực tiếp sản xuất, ngày thường 2 giờ sáng mới “vào ca”, khi có đơn đặt hàng đột xuất thì nửa đêm đã làm việc. Cơ sở bố trí một phòng riêng cho công nhân ngủ lại, tới giờ là bảo vệ vào đánh thức.

Bà Phan Thị Liên 30 năm theo nghề, dù bị dị tật một bên chân nhưng bà làm việc không thua ai. Giờ cơ sở đã đầu tư dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại nhưng “cỗ máy” sức khỏe của bà không thể chạy tốt vì qua từng ấy năm dậy sớm, nên bà đã được chuyển sang bộ phận bán hàng.

Bà Thanh Hoa, chủ cơ sở cho biết, bà từng vào Nam tham quan một dây chuyền sản xuất tự động hoàn toàn, nhưng công suất đến 10.000 con gia cầm mỗi đêm và chiếm diện tích đến 3.000m2 nên không phù hợp với điều kiện hiện có của cơ sở. Bà đang nhờ kỹ sư nghiên cứu phương án thiết kế dây chuyền tự động có công suất nhỏ hơn, chiếm diện tích ít hơn để thích ứng với thực tế của cơ sở và giúp cho công nhân đỡ vất vả đêm hôm hơn.

Giết mổ gia cầm ở cơ sở Thanh Hoa, mỗi tháng có thu nhập từ 5-7 triệu đồng, chưa kể tiền ăn sáng miễn phí. Ở nông thôn, nếu mỗi đêm giết mổ được 5 con heo sẽ có tiền công 150.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với làm nông (bình quân chưa tới 1 triệu đồng/tháng). Ông Đặng Văn Dũng bảo, thu nhập vậy là xứng đáng, bởi họ phải bán sức ban đêm, lại còn mang tiếng là nghề “không được lương thiện”.

Ở Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng, ông Chánh cho biết, đây là địa bàn có đời sống khó khăn, nhiều người từng mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn, nay về trung tâm làm có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Người mới vào nghề là Hoàng Phương Bắc, 20 tuổi, người Hà Tĩnh, được anh trai là Hoàng Trung Thông (đã làm ở trung tâm hơn một năm, nhà ở sau chợ Hòa Khánh Nam) dẫn dắt vào làm cho một ông chủ buôn heo được hơn 3 tháng nay. Em kéo heo, anh giết mổ, dần dần truyền nghề cho em. “Tuy mỗi đêm làm chỉ hơn 3 giờ rất cực, nhưng nhận mỗi tháng 4 triệu đồng thì cũng được. Em gắng làm, dành tiền cưới vợ”, Bắc cười chân chất.

Phan Bình Định thì đã có vợ, có con. Đêm anh đi làm heo, ngày đi đốt lò nấu gang thép cho một đơn vị bộ đội. Tan “ca đêm”, anh vừa quệt mồ hôi vừa phân trần: “Nếu kinh tế ổn định, sẽ không làm đêm nữa. Làm rứa không mệt mà mệt là do làm đêm, nó trái với quy luật xưa nay là ngày làm đêm nghỉ. Không ai muốn làm, chẳng qua vì mưu sinh mà chọn nghề đó...”.

Từ 239 cơ sở rải rác, nay toàn thành phố quy hoạch chỉ còn 8 cơ sở tập trung, tạo thuận lợi cho những người làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm ban đêm, qua đó cán bộ thú y có thể giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật trên địa bàn: Trung tâm Chế biến gia súc – gia cầm Đà Nẵng; 4 lò mổ ở 4 HTX (Hòa Thọ Tây, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phong); 3 DNTN gồm 2 lò mổ gia cầm Quyền Chanh ở Hòa Phát và Thanh Hoa ở Hòa Khánh Nam, lò mổ bò của bà Lâm Minh Huy ở Hòa Phát.

Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNN Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.