.

Sau lũ

.

Đà Nẵng tiết giao mùa nắng ươm vàng vương trên tán lá. Những dòng người khởi đầu một ngày mới với niềm hứng khởi hiện trên gương mặt. Nhưng trong dòng người qua phố, có một đứa con quê vẫn thẫn thờ bởi cuộc gọi ban mai: Quê đang vào mùa lũ! Mùa lũ ở đồng quê nhọc nhằn, thương khó. Tin lũ về với ai từng đi qua mùa lũ ở những miền quê nước đọng bao giờ cũng mang nhiều tâm trạng. Lũ về! Cha mạ hì hụi suốt đêm, nhặt nhạnh từng viên gạch quanh nhà để kê cao thêm chiếc giường, cái bàn. Thóc gạo, sắn, khoai… được ưu tiên hàng đầu đặng còn chút lương thực ấm bụng mùa mưa. Sau lương thực, vật nuôi cũng là thứ được quan tâm nhất giữa ngày lũ. Chủ nhà có thể trắng đêm ngồi chồm hổm trên chiếc ghế gỗ cũ mèm, quần xắn tận gối nhưng sẵn sàng nhường một phần góc nhà ráo con trâu, con bò cùng các vật nuôi khác. Người nông dân đánh vật trong lũ, tỉ mẩn chuyền mọi thứ lên cao, như cái cách mà lũ kiến dời tổ mỗi khi có dự cảm về một trận lũ rất gần. Cứ thế họ bền bỉ chiến đấu trong cuộc chiến không cân sức với thần nước, như bản năng sinh tồn và chỉ bất lực khi mực nước chạm nóc nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đêm mùa lũ, không ai dám ngủ. Ngọn đèn dầu leo lét thi thoảng được cha thắp lên canh chừng mực nước dâng theo từng giờ. Thi thoảng trong đêm vắng, tiếng thở dài âu lo của cha phả vào làn nước bạc. Riêng lũ trẻ khấp khởi đợi ngày mai, được cha đóng cho chiếc bè bằng thân cây chuối để chèo ra sân, ra vườn giăng lưới bắt cá, chèo sang nhà hàng xóm nô đùa. Với lũ trẻ, mùa lũ là những ngày sướng rơn vì bỗng dưng được nghỉ học.

Không gì nhanh bằng lũ. Thoáng chốc, hiên nhà, đường lộ, ruộng vườn… đều biến thành sông. Nhưng cũng không gì chậm bằng lũ. Thường lũ qua làng chỉ đôi ngày, nhưng có khi như thử thách lòng kiên nhẫn của người quê, lũ nhởn nhơ ở lại suốt tuần. Nước cứ rút từ từ như một cuộc rong chơi mê mải, mặc người dân quê nẫu ruột chờ mong. Những ngày đó, người lớn chỉ biết chép miệng ngồi chờ nước rút dần, kiên nhẫn đo từng gang tay theo dấu mực nước ăn lên vách nhà. Trong mênh mang nước bạc, bà con í ới hỏi thăm nhau: “Nhà cô, chú, bác… có can chi không?”.

Họ sẵn sàng chia nhau mớ cá bắt được khi giăng lưới ngay trên sân nhà mình, chia luôn mớ khoai khô cắt lát dự trữ từ mùa hè. Nhà nghèo, có ngày hai bữa cá tươi ăn với khoai đã ấm cái bụng. Bát cơm trắng là ước mơ xa xỉ. Đôi khi cả giấc mơ cũng xa, không ai nghĩ tới. Sau lũ, trong tất bật công việc dọn dẹp bùn non, cây gãy, lợp lại mái tranh, trát lại vách đất bị nước đánh toe, vẫn nghe tiếng cười rổn rảng khắp xóm. Nhà neo người vẫn thường được hàng xóm giúp đỡ chỉ đơn giản bằng lời nói mộc mạc mà ấm lòng: “Mần chi một chắc cho cực, để đó chiều tui phụ cho!”. Việc riêng thành việc chung, không nề hà, không so đo, đong đếm công cán. Điểm này, tôi đồ rằng, nông thôn ăn đứt thành phố.

Ký ức mùa lũ còn ám ảnh những đứa sinh viên quê nghèo ra phố trọ học. Nửa đêm đang học bài, đặt bàn chân xuống nền nhà nghe lạnh buốt. Chưa kịp định thần đã thấy dép giày, soong chảo ùa nhau bơi. Hiển nhiên, ngày mai giảng đường im ắng nhưng sinh viên không đứa nào chịu ở yên trong phòng. Hễ nghe lụt lại hẹn hò nhau kéo ra phố, bì bõm lội nước, tìm đến những dãy trọ thấp hơn để dọn đồ giúp bạn bè. Mùa lũ với sinh viên cũng tủi tê và nhọc nhằn lắm: gói mì tôm chia đôi qua suốt một ngày dài.

Nỗi niềm ấy còn kéo dài suốt vài tháng, khi gọi về quê, nghe giọng mạ buồn buồn: “Lũ cuốn trôi sạch hết rồi con ạ. Mấy luống khoai dầm lũ chỉ còn trơ thân. Lúa mọc mầm trong nước!”. Nghe rứa không đứa mô dám hỏi thêm tiền ăn tháng tới. Cứ lặng lẽ nương theo cái thiếu thốn của quê mình. Mỗi tiết học ngoài hình bóng cô giáo trên giảng đường, đám sinh viên quê nghèo còn nhìn thấy cả con đường vượt lũ. Để mùa nối mùa, tấm bằng đại học đỏ chót ngày ra trường như chiếc thuyền đủ sức lực chở bao thế hệ sinh viên nông thôn đi qua bao lam lũ, nhọc nhằn, đáp bến bờ công danh tròn với tuổi.

Trong cái quặn thắt lòng thương nhớ, những vòng xe đều đều đưa tôi qua phố, ngược miền ký ức ấu thơ. Nơi cơn lũ vừa qua để lại bao ngổn ngang cho người dân quê lam lũ. Không có lũ, ruộng đồng khô chát, lũ chuột nương bờ ruộng trú nấp, rình rập phá hoại mùa màng. Cha mạ có cật lực tìm mọi cách giăng bẫy, cắm nêu đe dọa, lũ chuột cũng chỉ vơi đi phần nào.

Hôm sau ra đồng vẫn ứa nước mắt xót xa nhìn những cụm lúa trổ đồng đổ gục. Không có lũ, hẳn hành trang những đứa trẻ quê như tôi sẽ thiếu đi những mảng kí ức về năm tháng nhọc nhằn nhưng đầy ắp tình người và kỷ niệm. Biết đâu đấy, lũ đã vun bồi trong chúng tôi những cảm xúc yêu thương, gắn kết và san sẻ để hiểu rằng, sự cố kết cộng đồng là sức mạnh giúp con người đối mặt trước khó khăn, thử thách, vững lòng hơn trước cơn vần vũ của đất trời, tạo hóa.

Mùa lũ bây giờ, cái đòn gánh miền Trung đỡ oằn hơn trước, nhờ những bàn tay chìa ra, nắm lấy và san sẻ những khó nhọc cho người trong tâm lũ. Mạ nói, sau lũ, cây cối sẽ lại lên xanh. Câu nói an ủi đứa con xa nhưng chất chứa cả triết lý và niềm tin. Giây phút đó, tôi hình dung thấy dáng hình của mạ, của cha, của những người dân quê, sau lũ dù thiếu đi nhiều thứ, bữa cơm bớt đầy, độn thêm nhiều hơn khoai sắn nhưng vẫn luôn hướng đến ngày mai với niềm tin chắc chắn: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Chỉ cần có vậy, qua đôi tay chai sần, những bùn non lũ gửi lại sẽ trở thành phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Và tôi tin lời mạ, mùa sau, cây cối sẽ lại tươi xanh!

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.