.

Trắng đêm cùng người bệnh

.

Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh có thể có một cách hoạt động riêng về đêm nhưng người thầy thuốc thì ở đâu, lúc nào cũng như  người mẹ hiền.

Các chị điều dưỡng cũng trắng đêm cùng vợ chồng chị Liên để chăm sóc cháu L.  Ảnh: V.T.L
Các chị điều dưỡng cũng trắng đêm cùng vợ chồng chị Liên để chăm sóc cháu L. Ảnh: V.T.L

Hạnh phúc của thầy thuốc

Chị Đặng Thị Liên khẽ kéo tấm chăn đắp lên mình con trai, cháu Nguyễn Cảnh L. Đã 5 tuần rồi, bệnh nhân 8 tuổi này được bố mẹ đưa vào Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vì bệnh viêm não tủy cấp rải rác, liệt tứ chi. Người mẹ kể, cháu đang khỏe mạnh, bỗng nhiên cảm thấy mỏi chân rồi liệt luôn, không đứng được nữa. BS Vũ Hữu Hội, phụ trách Khoa Nhi - Hồi sức tích cực của BV cho biết đây là một bệnh hiếm gặp, chưa có thuốc điều trị nguyên nhân, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng ngăn ngừa để bệnh không nặng hơn. Thuốc này lại quá đắt, qua thông tin kêu gọi trên báo chí, chị Liên nói, các nhà hảo tâm đã giúp cháu 400 triệu đồng mua thuốc chữa bệnh.

Vợ chồng chị thay nhau trực suốt ngày đêm ở BV, các chị điều dưỡng cũng trắng đêm cùng các bệnh nhi, xem các cháu như con mình. Nhờ có thuốc thang cộng với sự chăm sóc, sức khỏe cháu L. đã hồi phục dần.

BS Hội ra trường năm 2007 và công tác ở BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng từ đó đến giờ. Gần 10 năm chăm sóc bệnh nhi, anh gặp biết bao hoàn cảnh đáng thương.

Một đêm nọ, BV tiếp nhận liền một lúc 3 ca bệnh nhũ nhi từ 2 đến 6 tháng tuổi là người Cơtu đến từ các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Các cháu bị sốc tim, suy hô hấp. Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực nhưng cả 3 đều không qua được. Không bằng lòng với chính mình, lãnh đạo BV đã cử một đoàn công tác lên miền núi Quảng Nam, nơi các nhũ nhi mắc bệnh, khảo sát thực tế. Thì ra, ở các vùng sâu, vùng xa đó, các bà mẹ khi mang thai đã không được hướng dẫn đến đầu đến đũa (như uống đủ vitamin), lại còn ăn gạo mốc đã mất nhiều vitamin (như B1, B6, PP) có chứa trong cám gạo.

Đến ca thứ tư cùng bệnh nói trên nhập viện, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ chữa bệnh tê phù - Beriberi do thiếu hụt vitamin B1. Thế là nhũ nhi đã được cứu sống!

Có lần, khoảng 8 giờ tối, một bệnh nhi 10 tuổi cũng người Cơtu bị ong đốt cả mình trên 100 mũi, được chuyển ra BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sau 1 ngày điều trị ở BV Quảng Nam. Ngay trong đêm, BV huy động nhân lực và trang thiết bị tốt nhất tập trung cứu cháu. Cháu được lọc máu 5 đợt, chi phí điều trị khá tốn kém, nhưng được cộng đồng hỗ trợ nên “qua” được. Khi làm thủ tục cho con ra viện, ông bố đã gửi lại toàn bộ số tiền thừa để BV cứu chữa cho những người sau.

Nghề thầy thuốc là vậy, nhất là ở lĩnh vực hồi sức tích cực, không có ngày hay đêm mà chỉ có còn hay mất. Nguyễn Cảnh L. đã qua cơn nguy kịch, bố mẹ cháu đang ngày đêm trông chờ một điều kỳ diệu đến với gia đình mình. “Tuy làm công việc cấp cứu, hồi sức rất vất vả nhưng mỗi lần cứu sống được bệnh nhân nguy kịch là thầy thuốc cảm thấy hạnh phúc”, BS Hội chia sẻ.

Cái tâm của người thầy thuốc

Nhiều người cũng tưởng BV Y học cổ truyền Đà Nẵng là một cơ sở y tế “an nhàn”, không phải tất bật làm việc đêm hôm. Trước đây là thế, nhưng từ ngày nhiều người bị bệnh nặng, nhất là những người bệnh cao tuổi, bị các nơi “trả” về, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây phải trắng đêm cùng người bệnh.

Ở Khoa Nội tổng hợp có một bệnh nhân bị chấn thương cột sống nằm viện hai tháng nay. Đó là chị Nguyễn Thị Thùy Tr., người Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một hoàn cảnh rất thương tâm.

Bác sĩ Trưởng khoa Lê Văn Nhân kể, chị Tr. bị liệt chân từ nhỏ, đến BV nhờ bà Virginia Lockett, Giám  đốc Tổ chức Steady Footsteps (Mỹ), dìu đi từng bước. Bà Lockett đến Việt Nam từ năm 2005, chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai và đến BV Y học cổ truyền Đà Nẵng giúp phục hồi chức năng cho người bị bại liệt. Tr., chẳng mấy chốc, từ một bệnh nhân trở thành trợ lý đắc lực cho bà. Chị đi xe lăn 3 bánh đến BV giúp bà chăm sóc, hướng dẫn người bị bại liệt, qua đó học được tiếng Anh. Bà Virginia Lockett coi Tr. như con, mượn hình ảnh của chị để khuyến khích những người khuyết tật vận động khác có thể tự mình vươn lên khỏi bệnh.

Họa vô đơn chí. Tr. bị 2 tai nạn liên tiếp. Lần đầu tự ngã xe do tránh cát đá bên đường. Lần sau bị xe ben chở cát đâm trực diện, bị vỡ khung chậu, chấn thương cột sống. Chồng chị cũng bị khuyết tật nên mẹ chị ra chăm sóc. Cả BV ai cũng biết hoàn cảnh của chị nên không kể đêm ngày, từ bác sĩ đến điều dưỡng đều chia nhau túc trực để cứu chữa con người đáng thương này. BS.ThS Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc BV chia sẻ: “Chúng tôi xem Tr. là người của BV nên BV có gì là hỗ trợ hết cho chị”.

Khu nội trú của BV theo thiết kế chỉ có 160 giường. Do nhu cầu chữa bệnh, BV đã sắp xếp lại các phòng trưởng khoa, phòng nhân viên,... để kê lên 218 giường. Mỗi đêm có một bác sĩ và 5 điều dưỡng trực theo dõi chăm sóc đặc biệt từ 10 đến 15 bệnh nhân nặng (cấp 1), chị Tr. nằm trong số này. Đó là chưa kể các cụ 70-80 tuổi bị cao huyết áp, mỗi khi thay đổi thời tiết vào mùa đông là phải mở khí quản để thở. Như ông Võ S., 86 tuổi, bị tai biến lần hai, hôn mê suốt 9 tháng. Bị các nơi “chê”, người nhà đã đưa ông về BV Y học cổ truyền Đà Nẵng 4 tháng nay. Ông bị loét phế quản, mỗi khi kéo đàm là lên cơn ho, phải trực đêm để chăm sóc ông. Người già thường có tính như trẻ con, thích được chiều chuộng, an ủi, hở chút là gọi. Vì thế nhân viên điều dưỡng chăm sóc các cụ phải thức trắng đêm.

Không tất bật công việc về đêm như Khoa Khám - Cấp cứu đa khoa, nơi mỗi đêm tiếp nhận và xử lý trên dưới 200 bệnh nhân ở BV Đà Nẵng, đội ngũ y, bác sĩ ở BV Y học cổ truyền Đà Nẵng có vẻ “nhàn” hơn, nhưng cái tâm của người thầy thuốc thì ở đâu cũng thế. Ở BV Y học cổ truyền Đà Nẵng, đêm đêm, giữa không gian tĩnh mịch rất thích hợp với sự an dưỡng của người bệnh, nhất là người bệnh cao tuổi, những chiếc blouse trắng âm thầm mang lại sự bình yên cho bệnh nhân. Nay mai, khi được chính thức được thành phố cho phép nâng cấp lên 200 giường, nơi đây sẽ có nhiều “thiên thần áo trắng” hơn nữa trắng đêm vì người bệnh...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.